Thúc đẩy hoạt động công đoàn khu công nghiệp

Tính từ thời điểm công đoàn các khu công nghiệp thí điểm đầu tiên được thành lập (Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập đầu tiên vào năm 1997; Công đoàn các khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai - tháng 6/1998; Công đoàn các khu công nghiệp Cần Thơ - 1999), cho tới 31/3/2024, cả nước ta có 50 công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại 47 tỉnh, thành phố. 7.356 công đoàn cơ sở được thành lập trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trong đó có 33 công đoàn cơ sở thuộc khu vực nhà nước với tổng số 2.598.541 đoàn viên, chiếm tỷ lệ 92,5% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00

Từ yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi đầu mối truyền tải, tập hợp thông tin hoạt động của mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp, 9 thành viên bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp, đại diện các khu vực gồm trưởng ban, phó trưởng ban, các thành viên và thư ký giúp việc đã được thành lập. Qua đó đề xuất kế hoạch hoạt động của mạng lưới; tập hợp báo cáo định kỳ nội dung, kết quả hoạt động của mạng lưới; chủ động tổ chức các cuộc họp để xây dựng kế hoạch hoạt động, tập hợp các kiến nghị, đề xuất của các thành viên, kịp thời báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để kịp thời giải quyết.

Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau 5 năm (2018-2023), Công đoàn các khu công nghiệp đã tiến hành hơn 7.800 cuộc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngăn ngừa tín dụng đen (gấp đôi so 5 năm trước). Tuy nhiên số người tham gia đã giảm (hơn 2 triệu lượt người năm 2023 so hơn 2,3 triệu lượt người năm 2018. Năm 2018, tổng số 50 công đoàn các khu công nghiệp đã xảy ra 355 vụ tranh chấp lao động, đình công và ngừng việc tập thể thì tới năm 2023 chỉ còn hơn 160 vụ (giảm 54% số vụ tranh chấp, đình công và ngừng việc tập thể so năm 2018). Đây là điều đáng lưu ý vì các cuộc đình công, tranh chấp lao động tại các khu công nghiệp chiếm tới 60% tổng số cuộc ngừng việc trên cả nước.

Có thể thấy rằng, đẩy mạnh hoạt động liên lạc giữa các đơn vị công đoàn cơ sở là rất cần thiết. Bởi đó chính là cầu nối thiết thực, trực tiếp nhất từ phía người lao động tới tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động. Chăm lo cho hoạt động của mạng lưới liên lạc giữa công đoàn các khu công nghiệp cũng chính là thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.