Thông điệp giá trị của “Trai nước Nam làm gì?”

Những tưởng cuốn sách “Trai nước Nam làm gì?” của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy vốn ảnh hưởng tư tưởng phương Đông sẽ ít nhiều vơi đi giá trị trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng được tái bản sau hơn 70 năm, cuốn sách vẫn hấp dẫn người đọc bởi hơn một trăm trang sách vừa là cẩm nang “chẩn bệnh” vừa đề ra cách “trị bệnh” cho thanh niên, với những thông điệp còn nhiều tính thời sự.

Thông điệp giá trị của “Trai nước Nam làm gì?”

Hoàng Đạo Thúy được biết đến như một nhà Hà Nội học với những cuốn sách khảo cứu về đất Hà thành được người đọc thời bấy giờ và sau này yêu thích. Ông được coi là nhà giáo dục, nhà văn hóa tài năng, ở lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn quan trọng. Trong thời gian dạy học, Hoàng Đạo Thúy đã tìm hiểu các tài liệu về Hướng đạo của Liên đoàn hướng đạo Pháp, từ đó ông mang trong mình những tư tưởng tiến bộ, và với kinh nghiệm của một hướng đạo sinh đã giúp ông có cái nhìn khách quan về thế hệ thanh niên thời bấy giờ.

“Trai nước Nam làm gì?” ra đời từ năm 1943, vào giai đoạn đất nước ta đang đứng trước những biến chuyển quan trọng. Cuốn sách 10 chương đã trao cho lứa tuổi thanh niên cùng thời một cương lĩnh sống, một lời kêu gọi, trong một thời kỳ của những dòng chảy lịch sử dữ dội trong và ngoài nước. Ông cũng nhận diện những mặt xấu, mặt tốt của thanh niên Việt Nam và vai trò, trách nhiệm của họ với đất nước.

Cuốn sách mở đầu bằng cái nhìn khái quát về tình hình thế giới với những biến chuyển khó lường, từ đó, tác giả quy chiếu sang những điều mà thanh niên Việt Nam cần có để trở thành người có ích cho đất nước. Trong phần Ta giống ai?, những hình mẫu được Hoàng Đạo Thúy dẫn ra để trai nước Nam noi theo đều thân thuộc trong sử sách từ Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Phùng Hưng… những người con ưu tú của dân tộc. Sống trong mỗi thời kỳ khác nhau với những biến cố khác nhau của đất nước, nhưng họ đều bộc lộ những phẩm chất cao quý khi đất nước cần. Sự viện dẫn những tấm gương ưu tú cho thấy tác giả đã khéo léo sử dụng thuật kích tướng đối với người trẻ. Thời thế đang chuyển biến và thế hệ trẻ cần phải chuẩn bị những hành trang gì cho bản thân để bắt kịp với những biến đổi đó, để trong thời đại của mình, họ không phải cảm thấy xấu hổ trước tiền nhân. Với kinh nghiệm, sự quan sát thời cuộc và thế hệ trẻ một cách tinh tường, Hoàng Đạo Thúy đã chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của thanh niên. Những tệ lậu được ông dẫn ra cho thấy mọi cá nhân thời nào cũng dễ sa vào các lối hưởng thụ mà quên trí lập thân. Những giá trị mà người trẻ cần hướng tới đã được đúc kết một cách ngắn gọn mà sâu sắc. Đó là coi trọng gốc gác tổ tiên, và những giá trị cũ mà cha ông truyền lại, để từ đó phát huy những khả năng tiềm tàng của từng cá nhân làm bật lên mặt tốt của mình.

Tư tưởng và quan điểm của Hoàng Đạo Thúy thể hiện rõ ràng, xuyên suốt tác phẩm qua câu chữ dung dị mà sâu sắc. “Cái đời đáng sống” với ông là tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới. “Việc quan trọng của một đời ta không phải là ở chỗ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Nếu chúng ta tìm được một việc mà làm, một tôn chỉ mà theo, một mục đích mà đi tới, thì cái đời chúng ta có ý nghĩa, cái đời đáng sống…”.

Ở chương “Làm gì”, nhà văn hóa bày tỏ rằng, muốn làm mạnh tinh thần cả nòi giống, ta hãy làm mạnh tinh thần một ta đã. Ta sửa mình như mài giũa một thanh gươm quý, không chịu để bám gỉ vào, lại khắc khổ từng li từng mẩy, lại phải dúng vào nước lạnh, dầu sôi cho già thép…

Hoàng Đạo Thúy sinh thời vốn là con trai của một nhà nho nổi tiếng làm quan dưới triều Nguyễn, vậy nên ông thấm nhuần đạo lí của nho gia. Những tư tưởng và quan niệm sống đậm chất triết học Khổng giáo được ông viện dẫn là phù hợp với hoàn cảnh và tinh thần dân tộc thời ấy. Nhân nghĩa, lễ, trí, tín cần lắm trong giai đoạn đất nước đang còn nhiều khó khăn và biến chuyển khó lường. Những giá trị đó kết hợp với những tư tưởng tiến bộ phương Tây sẽ giúp hình thành nên một hình ảnh con người mới cho thanh niên Việt Nam.

“Trai nước Nam làm gì?” là cuốn sách nghiêm túc về nhìn nhận con người và thái độ của họ trước cuộc sống và thời cuộc. Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang cho rằng, nhìn nhận và học hỏi những giá trị mà Hoàng Đạo Thúy đề xướng từ cách đây hơn 70 năm, lớp trẻ cần trở thành những người khỏe mạnh về thể lực, mạnh mẽ trong tinh thần, tỉnh ngộ trong nhận thức và vững vàng trong đạo đức.