“Thời” của phim kinh dị Việt

Hơn 20 phim kinh dị trong nước sẽ nối nhau ra rạp trong năm 2025, trong đó hai phim đầu tiên, “Đèn âm hồn” và “Nhà gia tiên” đều gia nhập câu lạc bộ phim có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Phim “Quỷ nhập tràng” cũng đang đạt doanh thu ấn tượng với gần 80 tỷ đồng sau 5 ngày công chiếu. Điều này cho thấy, thể loại kinh dị, đặc biệt là phim dựa trên tích cổ hay truyện dân gian, đang trở thành hướng đi mới của điện ảnh Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Phim “Nhà Gia Tiên” cán mốc 225 tỷ đồng, trở thành phim Việt có yếu tố kinh dị ăn khách nhất tính đến thời điểm hiện nay. Ảnh: CJHK
Phim “Nhà Gia Tiên” cán mốc 225 tỷ đồng, trở thành phim Việt có yếu tố kinh dị ăn khách nhất tính đến thời điểm hiện nay. Ảnh: CJHK

Hiệu quả từ khai thác chất liệu văn hóa dân gian

Phim kinh dị là thể loại quen thuộc trên màn ảnh thế giới, được các nhà sản xuất coi là thể loại dễ tạo doanh thu nhất do chi phí sản xuất thấp nhưng lợi nhuận thu về có thể rất cao, gấp 10 lần hoặc hơn.

Tại Việt Nam, sự phát triển của thể loại này từng gặp không ít trở ngại vì những yếu tố kinh dị, bạo lực hay mê tín dị đoan thường bị coi là “khó qua kiểm duyệt”, khiến các đơn vị sản xuất e ngại khi đầu tư.

2019 có thể coi là năm đặt nền tảng mới cho thể loại kinh dị với những đột phá cả trong cách thể hiện lẫn thành công thương mại. Với kinh phí sản xuất chỉ khoảng 17 tỷ đồng cho phim Bắc Kim Thang, nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn lấy ý tưởng từ trong truyền thống: Người cháu đích tôn trong một gia tộc thường được cưng chiều hơn những đứa cháu khác… để kể câu chuyện có lồng ghép quan điểm phê phán thói đời “trọng nam khinh nữ”. Khi ra rạp, phim bất ngờ thu về 43 tỷ đồng, con số thành công với một tác phẩm đầu tay. Cùng thời điểm, phim Thất sơn tâm linh, dựa trên các vụ án có thật về bùa ngải, cũng dẫn đầu phòng vé, đạt 48 tỷ đồng theo số liệu từ trang Box Office Vietnam.

Thành công từ hai bộ phim trên đã như cú “huých” cho thể loại phim kinh dị đào sâu vào yếu tố văn hóa dân gian, truyền thuyết và những nỗi ám ảnh trong tiềm thức người Việt.

Lý giải về sức hút của dòng phim kinh dị ở Việt Nam, nhà sản xuất Hoàng Quân đến từ ProductionQ cho rằng: “Yếu tố quan trọng nhất là tính kết nối. Bất kỳ thể loại phim nào, dù là kinh dị, hành động hay tâm lý, nếu có thể chạm đến tiềm thức và cảm xúc của khán giả thì đều có lợi thế lớn khi ra rạp. Các điển tích, dị truyện hay truyền thuyết dân gian, truyền thuyết đô thị vốn được kể đi kể lại qua nhiều thế hệ, ăn sâu vào ký ức tập thể. Vì thế, khi được chuyển thể lên màn ảnh rộng, chúng có thể đánh thức sự tò mò và tạo ra sự đồng cảm mạnh mẽ. Phim còn giúp người xem khám phá lại, tìm hiểu, sáng tạo thêm những góc nhìn khác về lịch sử và văn hóa”. ProductionQ là đơn vị thực hiện những phim kinh dị ăn khách, như Bắc Kim Thang, Chuyện ma gần nhà, Kẻ ăn hồn, Cám hay series phim Tết ở làng địa ngục, chiếu trên kênh truyền hình K+ và Netflix năm 2023-2024.

Về mặt kinh tế, phim kinh dị đang chứng tỏ là một “mỏ vàng” của điện ảnh Việt Nam. Với mức đầu tư trung bình từ 10-20 tỷ đồng, các bộ phim như Đèn âm hồn hay Quỷ nhập tràng đã mang về doanh thu gấp 5-10 lần, vượt xa nhiều thể loại khác như hài hay tâm lý.

Để định hình một dòng phim

Năm 2025 được xem là năm đánh dấu bước ngoặt của phim kinh dị Việt Nam khi hàng loạt tác phẩm ra mắt, từ các dự án độc lập đến những bộ phim được đầu tư lớn.

Không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu giải trí trong nước, các nhà làm phim còn bắt đầu hướng đến việc đưa câu chuyện kinh dị tâm linh của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Năm 2024, phim Ma da được ra mắt ở Australia và một số thị trường khác trước khi về chiếu ở Việt Nam và đạt doanh thu hơn 127 tỷ đồng. Năm nay, Quỷ nhập tràng cũng được lưu chiếu qua Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Mỹ trước khi chiếu nội địa.

Các phim kinh dị ra mắt năm 2025 vẫn tiếp tục đi theo xu hướng điển tích dân gian hay truyền thuyết đô thị. Có thể kể đến phim Dưới đáy hồ lấy cảm hứng từ truyền thuyết đô thị Hồ Đá, một địa điểm tâm linh được biết đến trong giới trẻ, phim Thám tử Kiên của Victor Vũ cũng đi theo hướng kinh dị cổ trang với bối cảnh ở vùng núi cao phía bắc.

Phim kinh dị Việt Nam đang bước vào "thời” của mình, tìm được vị thế không chỉ ở những con số doanh thu mà còn qua cách nó khơi dậy sự tò mò, gắn kết với khán giả. Từ những tích truyện dân gian cũ kỹ đến các ý tưởng mới được thổi hồn trên màn ảnh, dòng phim này đang dần định hình một hướng đi riêng. Tuy nhiên, việc ồ ạt sản xuất phim kinh dị cũng đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng.

Để giữ lửa và tiến xa, các nhà làm phim không thể chỉ dựa vào sự hào hứng nhất thời. Ý tưởng tốt nhưng cần cân bằng giữa sáng tạo và chất lượng, đầu tư sản xuất kỹ lưỡng từ diễn xuất, phục trang đến bối cảnh. Chỉ như vậy, những câu chuyện rùng rợn mang hồn Việt mới có thể chạm đến khán giả, hơn là một sự tò mò nhất thời. Một nhà sản xuất đã chia sẻ với chúng tôi: “Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian xây dựng niềm tin với khán giả, thuyết phục họ rằng phim kinh dị Việt Nam có thể thật sự hấp dẫn và đáng xem. Vì thế, điều quan trọng hơn cả là không thể sản xuất phim một cách hời hợt hay chạy theo xu hướng mà bỏ qua giá trị cốt lõi là chất lượng và sự cải tiến liên tục”.