Chỉn chu, chắt lọc đến từng chi tiết
MV là kết quả sau một quá trình làm việc bài bản của ca sĩ và ekip, bắt đầu từ việc cô chủ động lên các chương trình trao đổi, tìm sự đồng thuận, hỗ trợ, tham gia từ chính quyền và bà con địa phương.
Một điểm đáng chú ý trong MV này, văn hóa nghệ thuật truyền thống và bối cảnh địa phương không còn là phông nền, điểm xuyết trong một sản phẩm nghệ thuật đương thời mà đã trở thành thành tố chính yếu. Các chi tiết từ truyền thống được cân nhắc, chọn lọc và đan cài khá tinh tế vào phần “đương đại”, để tất cả hòa quyện lại thành một tổng thể MV dễ khơi gợi cảm xúc thân thuộc đồng thời hợp xu hướng giải trí hiện nay. Ở đó, có lịch sử hào hùng, tập quán tốt đẹp, có đặc trưng tâm hồn của người làng, có tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Trong phần phối khí, âm thanh từ chiếc sáo trúc (thuộc bộ hơi) và trống (bộ gõ) của nhạc cụ truyền thống Việt Nam đã được làm nổi bật lên trong một số khoảnh khắc, thành như điểm nhấn giữa dàn âm thanh điện tử dày dặn. Hình ảnh bà cụ vận trang phục áo tứ thân, răng đen nhưng nhức hạt na, vừa nhai trầu vừa cười hồn hậu, đã được lựa chọn một cách thông minh để, có lẽ, dù chỉ xuất hiện trong một vài giây nhưng đủ làm lay động bao trái tim.
Không lạ khi thấy qua hàng chục nghìn bình luận gửi đến kênh YouTube chính thức của nữ ca sĩ, khán giả khắp mọi miền đất nước đều dành cho MV thật nhiều tình cảm. Họ thấy được sự thân thương, thêm yêu quê hương dù chỉ qua hơn bốn phút hòa tâm hồn trong thanh âm, hình ảnh của “Bắc Bling”. Khán giả nước ngoài, cũng gửi những bình luận đáng kể. Tài khoản @sangminlim5384 nhận xét (tạm dịch): “Đây là xu hướng âm nhạc đang nổi lên ở Hàn Quốc. Bất kỳ ai cũng thích bài hát này ngay bây giờ!”. Một tài khoản khác đến từ Nhật Bản nhấn mạnh sức hấp dẫn của MV là “vẻ trong trẻo” của thanh âm Việt Nam, và “ngay cả khi bạn không hiểu, bạn vẫn có thể hát rất hay. Tôi thật sự ấn tượng với bài hát, tôi yêu Việt Nam rất nhiều”; người này còn đính kèm biểu tượng hình trái tim ở giữa chữ J (Japan) và chữ V (Việt Nam). Theo thống kê gần nhất từ YouTube, MV đã lọt top 12 và 22 xu hướng thưởng thức âm nhạc ở Hàn Quốc và Nhật Bản, bên cạnh vị trí khá cao trong top xu hướng ở Singapore, Australia…
Thay đổi về chất từ trong nhận thức đến hành động
Có thể nói, MV “Bắc Bling” đã thể hiện một cách làm việc sáng tạo, bắt nguồn từ sự trân trọng vốn tri thức và vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Minh chứng cho điều này không chỉ là toàn bộ trình hiện của MV mà còn là: Trong danh sách 61 thành phần tham gia MV, mục “tư vấn viên về văn hóa” đứng ở vị trí số 9. Đây có lẽ là MV hiếm hoi, nếu như không muốn nói là đầu tiên, có mục công việc này.
Tiếp theo sự bùng nổ về ảnh hưởng xã hội của chương trình truyền hình thực tế “Anh trai vượt ngàn chông gai”, mà công chúng có cơ hội thưởng thức, chứng kiến trong thời gian vừa qua, sức lan tỏa mạnh mẽ của một MV như “Bắc Bling” đã tiếp tục cho thấy giá trị vô bờ bến của truyền thống khi được sử dụng, chưng cất đúng cách.
Một điều đáng mừng là đang có một sự dịch chuyển về chất trong cách thức sử dụng chất liệu truyền thống để tạo nên một sản phẩm đương đại, ở ngày càng đa dạng lĩnh vực, từ nghệ thuật biểu diễn, thời trang, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ cho đến các mẫu hình sản phẩm đa chức năng hơn trong kinh doanh dịch vụ du lịch.
![]() |
Biểu diễn âm nhạc trong "Chào Show". Nguồn: BTC |
Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một chương trình kết hợp âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, ánh sáng và ẩm thực truyền thống nhưng theo cách thức mới mẻ đã được khai triển. Chương trình có tên “Chào Show” với điểm nhấn âm nhạc là tổ khúc “Giang sơn cẩm tú”, bao gồm 12 chương, được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác riêng, biểu diễn hoàn toàn bằng nhạc cụ truyền thống của các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Khán giả được nghe giai điệu lấy cảm hứng từ sự phong phú vô ngần của vẻ đẹp quê hương, được thấy hàng chục nhạc cụ độc đáo của nhiều dân tộc, từ đàn môi, khèn nơi vùng cao phía bắc, đến đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu nơi vùng đồng bằng, rồi đàn đá, đàn T’rưng nơi cao nguyên…, cùng những hình ảnh phong cảnh và con người thân thuộc, lại được thưởng thức một số món ăn nhẹ từ trong ẩm thực truyền thống nhưng được chế biến và bày biện theo phong vị thời nay…
Đây là một cách xây dựng sản phẩm du lịch-giải trí độc đáo, mang hy vọng không chỉ tạo thêm một điểm đến mới cho du khách quốc tế mà với mỗi người Việt Nam, khi có dịp đến “Chào Show”, sẽ nhận ra một nét vừa quen, vừa lạ của vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình.
Ngày 6/3, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hôi thảo khoa học cấp quốc gia Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Hội thảo một lần nữa khẳng định sự phong phú và giá trị vô tận của kho báu nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đây là chất liệu đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc của từng cá nhân nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung trong thế giới phẳng hôm nay.