Năm 2025 với cột mốc kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương (EBAI) hứa hẹn khá nhiều sự kiện xoay quanh ngôi trường đào tạo mỹ thuật chính quy này. Phần lớn các sự kiện đều được tổ chức bởi cơ quan trong nước và rất được người yêu mỹ thuật cả nước mong đợi. Nhưng trong đó, cũng có chuỗi sự kiện để lại ít nhiều dư âm e ngại khi có sự tham gia điều phối của nhà đấu giá nước ngoài, lại là sự kiện được cho là có tính học thuật hàn lâm và dẫn dắt tới chuyện đấu giá, mua bán tác phẩm liên quan.
Đầu tháng 1/2025, tại Hà Nội, diễn ra sự kiện “Triển lãm và art talk (tạm dịch: trò chuyện nghệ thuật)” nhan đề “Sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương”. Mục tiêu nhằm tôn vinh nghệ thuật hiện đại trong nước và làm phong phú thêm những kiến thức về Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925-1945. Không khó để nhận ra: Nhà đấu giá Aguttes (Pháp) là đơn vị đứng đầu trong triển khai toàn bộ các hoạt động và Viện Pháp tại Việt Nam đã nhận “hỗ trợ truyền thông” cho sự kiện. Trang facebook công khai của nhà đấu giá này đăng tải, cập nhật thông tin về sự kiện bằng cả hai ngôn ngữ Pháp, Việt.
Tuy nhiên, khi nhà đấu giá Aguttes đăng tải thông tin bằng tiếng Pháp, họ dùng từ “un colloque” để chỉ sự kiện, thường được hiểu là một hội thảo, hội nghị chuyên đề hoặc hội nghị học thuật, được tổ chức bởi các trường đại học, tổ chức nghiên cứu hoặc hiệp hội chuyên ngành.
Vậy nhưng, thực tế, sự kiện tại Hà Nội chỉ như một buổi trò chuyện mà không có một nghiên cứu mới nào được công bố, không có chủ đề học thuật nào được đưa ra để thảo luận. Những người Pháp được mời có mặt đơn thuần chia sẻ ký ức cá nhân về cha ông họ và cảm ơn nhà đấu giá đã giúp họ có cơ hội trò chuyện về ký ức này tại Hà Nội.
Chưa hết, phần “triển lãm” trong sự kiện chỉ bao gồm những bức ảnh chụp lại tranh và được in ra, dán lên một vài tấm vách ngăn. Trong đó, bức ảnh tranh được phóng in cỡ lớn lại là bức tranh vẽ chân dung một cô gái bên chú chim bồ câu, từng được gõ búa thành công trong một phiên đấu giá vào tháng 11/2021 tại nhà Aguttes này nhưng rồi bị người mua trả lại. Nguyên do là bức tranh tại phiên đấu được ghi “tác phẩm của họa sĩ Lương Xuân Nhị” (ông học Trường Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp khóa 7, năm 1932-1937), nhưng sau đó tác giả bức tranh được xác định lại là một nữ họa sĩ khác, và theo thông tin cung cấp bởi gia đình, bà chưa từng theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sự nhầm lẫn này đã từng được báo chí trong nước đề cập. Vậy mà nay, bức tranh tiếp tục được giới thiệu trong khuôn khổ sự kiện, và không đề rõ tên họa sĩ. Bên cạnh đó là một số bức vẽ được thông tin là “của sinh viên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương” song cũng không có danh tính cụ thể.
Điều đáng nói, từ sự kiện trên, các bức tranh mà phiên bản in của chúng được giới thiệu tại Hà Nội trong cái gọi là triển lãm này đã chính thức được nhà Aguttes đưa lên sàn đấu giá vào ngày 18/2 vừa qua, tại Paris, Pháp.
Trong phiên đấu giá đó, không thể không kể đến ba bức tranh “theo phong cách Bùi Xuân Phái” chỉ được định giá rất rẻ, 300-500 EUR, giữa hàng loạt các bức tranh có giá gấp hàng chục lần. Các bức tranh này đều có ký chữ “Phái”, điều đó dẫn tới hai trường hợp: Nếu là tranh thật thì không thể đề tựa “theo phong cách Bùi Xuân Phái” với mức giá không tương xứng như trên; còn nếu là tranh chép, nhái phong cách thì tại sao lại được đưa vào đấu giá cùng những bức tranh “thật”?
Bức tranh chân dung cô gái bên chú chim bồ câu, được định giá khởi điểm 120.000-150.000 EUR, khá cao, cùng bốn bức vẽ “của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương” đã không có người mua. Nhưng một số bức “theo phong cách Bùi Xuân Phái” vẫn được gõ búa, ở mức giá cao hơn xấp xỉ 10 lần so giá khởi điểm.
Dẫn chứng nêu trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp nhà đấu giá, chuyên gia lịch sử mỹ thuật Đông Dương người nước ngoài đã và đang tìm mọi cách thu hút khách hàng Việt Nam. Đây là thời kỳ mỹ thuật mà có nhiều tranh được giao dịch ở mức giá trên một triệu USD, trong đó, không ít bức đã được thông tin là “hồi hương”, tức là được mua bởi người Việt Nam. Tuy nhiên, những chiêu trò lập lờ, thậm chí kể cả cách cào bằng giá trị của các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương, dẫu vô tình hay hữu ý, đều dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường nghệ thuật trong nước vốn chỉ đang ở buổi sơ khai.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp mua xong tranh thì người mua mới biết mình bị lừa nhưng vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự hạn chế hiểu biết về luật pháp quốc tế nên ngại kiện tụng và đành yên lặng. Đợi “sóng yên”, họ lại tiếp tục chào bán công khai hoặc ngấm ngầm ở trong nước, đẩy “cục nợ” của mình sang cho người khác, tạo ra một vòng luẩn quẩn những trắng-đen, thật-giả trong mua-bán tác phẩm mỹ thuật Việt Nam, nhất là của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Hy vọng rằng, câu chuyện tương tự như cách làm của nhà đấu giá Aguttes với mỹ thuật Việt Nam sẽ không lặp lại.