Mở thêm những cánh cửa

“Hơn tám năm mở cửa phục vụ công chúng, bảo tàng đã tổ chức hơn 90 sự kiện triển lãm và nhiều hoạt động mỹ thuật khác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lần thứ hai đơn vị tổ chức triển lãm lưu động”, bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã chia sẻ như vậy trong buổi khai mạc triển lãm lưu động “Đà Nẵng - Những ngày sau giải phóng và hôm nay” phối hợp với Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng), ngày 10/3. 
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm lưu động “Đà Nẵng - Những ngày sau giải phóng và hôm nay”.
Triển lãm lưu động “Đà Nẵng - Những ngày sau giải phóng và hôm nay”.

Cũng ngày hôm đó, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát động chương trình giáo dục “Tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam 2025”, với mục đích tạo một sân chơi lành mạnh, thu hút sự quan tâm, khơi dậy đam mê tìm hiểu và lan tỏa tình yêu nghệ thuật tới công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Là nơi lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ rất cao, nhưng cánh cửa nhiều bảo tàng ở nước ta dường như vẫn tạo nên sự xa cách với đông đảo công chúng, nhất là người trẻ, do cách tổ chức trưng bày chưa sáng tạo và thiếu những chương trình hoạt động tạo sự hứng thú. Mối dây gắn kết giữa bảo tàng và các cơ sở giáo dục, dù được đánh giá là rất giàu tiềm năng, song thực tế vẫn đang rất hờ hững và lỏng lẻo.

Bởi vậy, hai hoạt động của hai bảo tàng mỹ thuật lớn của đất nước và khu vực miền trung, không chỉ là tín hiệu vui về những nỗ lực nâng cao thẩm mỹ cộng đồng, mà còn cho thấy những cách làm, những cánh cửa được rộng mở theo nhiều phương thức, đưa những giá trị văn hóa, lịch sử đang được gìn giữ đến gần hơn với công chúng.