Bao giờ bớt hoài cổ?

Hướng tới giá trị cổ luôn là một lựa chọn đẹp, nhưng nếu lạm dụng quá nhiều trong lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo, điều đó có thể tạo cảm giác rập khuôn, dễ dãi. Nhìn vào các công trình nghệ thuật công cộng, trang trí đường phố ở trung tâm Hà Nội gần đây, những ai quan tâm đến thẩm mỹ đô thị thời hội nhập sẽ không khỏi băn khoăn...
0:00 / 0:00
0:00
Phở gánh trên phố ẩm thực Tống Duy Tân.
Phở gánh trên phố ẩm thực Tống Duy Tân.

Đâu đâu cũng “chuyện xưa, tích cũ”

Tiếp sau dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, khởi động từ năm 2015, có đủ từ tranh dân gian Đông Hồ, khung cảnh “song xưa phố cũ”, tới tàu điện, xe cub Nhật Bản “kim vàng giọt lệ”, vòi nước công cộng thời bao cấp, gánh hàng rong…, tới nay, Hà Nội đã có thêm vài dự án khác ở Phúc Tân, cầu đi bộ bắc qua đường Trần Nhật Duật, dự án bảo tồn áp-phích quảng cáo từ thời thuộc Pháp ở vườn hoa Cửa Nam. Gần vườn hoa Cửa Nam, tại phố ẩm thực Tống Duy Tân, cũng vừa xuất hiện một tác phẩm điêu khắc có tên Phở gánh, khắc họa hình ảnh một người đàn ông đang đi bán phở gánh trên phố Hà Nội đầu thế kỷ XX. Tỷ lệ giữa bức tượng và người thật (của thời kỳ đó) được cho là khá tương đồng.

Nói thêm về dự án bảo tồn bức áp-phích quảng cáo tiếng Pháp về lốp xe Goodyear còn sót lại từ thời Pháp thuộc, được vẽ trên tường trạm biến áp ở vườn hoa Cửa Nam, những tưởng chỉ giữ nguyên là đủ, hoặc có thêm những tác phẩm được sáng tác trên tinh thần đương đại để đối thoại với quá khứ. Nhưng sự lựa chọn của các tác giả đơn giản hơn: Trên những bờ tường còn lại của trạm biến áp, họ phóng lên bức tranh Chợ hoa xuân của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị (bức tranh lụa nguyên gốc đang được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam); vẽ lại một số quảng cáo của thương hiệu áo dài Le Mur trên báo chí lúc bấy giờ, các bức quảng cáo vài thương hiệu xe từng sử dụng lốp xe Goodyear thời kỳ đó. Ngoài ra, tại một số điểm trong vườn hoa, còn rải rác những mô hình phụ nữ mặc áo tứ thân, ngũ thân, bằng chất liệu bắt sáng, dễ làm lóa mắt người đi đường dưới ánh sáng ban ngày.

Xa hơn một chút, tại khu vực Đảo Ngọc Ngũ Xã, quận Ba Đình, người ta cho dựng cả một khu phố bao cấp với phố xá, cửa hiệu, quang cảnh đặc trưng của thời này, những điểm bán cà-phê được thiết kế theo mô hình toa tàu điện năm nào để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm...

Đừng tự làm nghèo hình ảnh một thành phố sáng tạo

Trong bán kính 1-1,5 kilomet tính từ tâm điểm hồ Hoàn Kiếm, rất khó khăn để nhận ra một công trình trang trí, nghệ thuật công cộng mới được đưa vào sử dụng mà chứa đựng thẩm mỹ hiện đại.

Cách đây không lâu, mỗi dịp lễ, Tết, hình ảnh đường phố trở nên rối mắt với dày đặc các trang trí thô giản hình hoa đào, hoa mai kết hợp đèn chùm mầu nhấp nháy. Nay, nếu không là thể hiện lại hình ảnh, có khi nguyên gốc, có khi cách điệu, từ mỹ thuật, kiến trúc, trang trí truyền thống thì cũng là “kể” lại câu chuyện lịch sử, kể lại một giai đoạn sống đã lùi xa vào dĩ vãng nhiều chục năm.

Hà Nội tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, hạng mục “thiết kế” kể từ năm 2019. Nhưng phải chăng, có một sự lười nhác trong tư duy thiết kế sáng tạo ở nơi đây?

Trong trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Mai Hưng Trung đưa ra nhận xét: Xu hướng hoài cổ, níu kéo và bám víu vào những giá trị, ảo ảnh trong quá khứ của nhiều dự án nghệ thuật công cộng, trang trí đường phố Hà Nội minh chứng cho sự bất lực và tuyệt vọng trong sáng tạo, kiếm tìm cái mới của nhiều nghệ sĩ. Bên cạnh đó còn là tâm lý nuông chiều thị hiếu công chúng của tác giả những dự án này, thậm chí, “đó cũng chính là thẩm mỹ của họ”, anh Trung nhấn mạnh. Kiến trúc sư Mai Hưng Trung đã có ba lần đoạt giải Europan - cuộc thi kiến trúc lớn nhất, định kỳ hai năm, dành cho kiến trúc sư trẻ dưới 40 tuổi tại châu Âu về thiết kế sáng tạo nhà ở và quy hoạch đô thị nội trong châu lục này.

Nhìn lại, Hà Nội từng có điểm đến công cộng dành cho nghệ thuật hiện đại/đương đại, như vườn tượng quốc tế bên trong công viên Bách Thảo (năm 1997), vườn tượng hiện đại ở khu vực ven hồ Hoàn Kiếm, gần cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn, tượng đài ở công viên Hòa Bình, hay nhiều đoạn trên con đường gốm sứ ven sông Hồng. Cho đến nay, các khu vực tác phẩm này, nếu không bị mất mát, dọn đi, thiếu sự chăm sóc thỏa đáng thì cũng bị phá dỡ nhiều phần để mở rộng đường... Đây là biểu hiện cho thấy thiếu một quy hoạch bài bản và mang tầm chiến lược cho nghệ thuật công cộng, nhằm biểu đạt một sự giàu có và xu hướng tiến bộ về thẩm mỹ, mang tinh thần dẫn hướng sự thưởng ngoạn cái đẹp của công chúng ở nơi công cộng của thủ đô.

Từ góc độ nhà quản lý, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, cho biết, ngoài những tác phẩm “hoài cổ”, quận Hoàn Kiếm cũng dành không gian công cộng cho tác phẩm nghệ thuật đương đại. Tại vườn hoa Cổ Tân, ngay bên cạnh Nhà hát Lớn Hà Nội, tác phẩm nghệ thuật đương đại tiêu đề Hồi sinh của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đang được thi công. Được biết, tác giả sử dụng một thân cây xà cừ cổ thụ tại vườn hoa bị ngã đổ do cơn bão Yagi năm 2024 để tạo nên tác phẩm, như một lời nhắc nhở mọi người về thiên tai lịch sử này, cũng là lời nhắc về môi trường sinh thái, đồng thời góp phần tạo một điểm đến của nghệ thuật mới.

Hy vọng rằng, tiếp sau Hồi sinh, sẽ còn nhiều ý tưởng thiết kế sáng tạo mới mẻ cho nghệ thuật công cộng và trang trí công cộng ở thủ đô Hà Nội được đề xuất, chấp thuận triển khai, đóng góp tích cực vào xây dựng hình ảnh một đô thị giàu bản sắc văn hóa trong xu thế phát triển thành một thành phố toàn cầu. Do đó, rất cần những nhà quản lý và nghệ sĩ biết khát vọng những điều mới mẻ, như ý kiến của nữ kiến trúc sư Nguyễn Hà.