Theo những mùa hoa đi lấy mật

Nghề nuôi ong như chăm "con mọn", vậy mà người đảng viên này lại chọn gắn bó để làm giàu cho gia đình và sẻ chia với người nông dân còn khốn khó. Chỉ có tình yêu với thiên nhiên, với quê hương mới tạo nên một con người cần mẫn mà quyết liệt đến như vậy...
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Đình Xuân (bên phải) đang hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong sinh thái cho cán bộ, nông dân Việt Nam và Campuchia.
Anh Nguyễn Đình Xuân (bên phải) đang hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong sinh thái cho cán bộ, nông dân Việt Nam và Campuchia.

Tây Ninh mùa này mát dịu. Cuối năm, tầm tháng 9-11 âm lịch, những vườn nhãn trải dài tít tắp ở Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu làm du khách không khỏi ngất ngây và say đắm trước sắc thơm của loài hoa trái ngọt lành này. Đâu đó, chợt vang lên tiếng chim khuyên véo von và rì rào của những đôi cánh ong mật. Trong làn gió nhẹ, những bông nhãn tỏa ra mùi thơm dịu ngọt, man mác. Và đó cũng là lúc người đàn ông này đưa các đàn ong mật ra khắp các triền dốc, sâu tận các góc vườn sum suê hoa trái. Anh kể, cứ đến mùa chôm chôm, mùa cà-phê, mùa nhãn, mùa hoa tràm... là cả gia đình mình lại rộn ràng theo chân ong đi lấy mật hoa. Và sản phẩm mật ong của mình sau sơ chế, đóng gói lên đến 300.000 đồng/lít nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu người mua. Mặc dù ngoài thị trường, nhan nhản các loại mật ong. Bởi nghề chăn ong sinh thái lấy mật này cần phải uy tín, qua nhiều năm mới khẳng định được chất lượng, hoặc cách duy nhất đánh giá sản phẩm mật là mang ra phòng thí nghiệm để test.

Người đàn ông kể, bản thân đã nuôi ong từ năm 13 tuổi khi theo cha là cán bộ tập kết ra miền bắc. Học theo cách đồng bào dân tộc Tây Bắc nuôi ong trong "đõ" (một khúc gỗ khoét rỗng bít hai đầu, chỉ chừa lỗ nhỏ cho ong ra vào), anh bắt đầu nuôi ong và mang nghề về Tây Ninh. Ban đầu, anh nuôi hai thùng ong nội địa trong vườn nhà, đủ trang trải tiền học hành; đến khi cao điểm là 50 đàn. Về sau, thấy ong nội địa hung hăng quá, anh chuyển hẳn sang nuôi ong ngoại để dễ bề quản lý. Và nay bước sang 51 tuổi, có thể nói ở Tây Ninh, tay nghề nuôi ong thâm niên nhất chỉ có anh, với lượng đàn ong năm 2022 nhiều nhất tỉnh, 500 đàn. Mà anh không chỉ là nuôi ong tay ngang, anh từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp (trước đây) ngành Sinh học, rồi Thạc sĩ Sinh thái môi trường nên suốt cuộc đời làm công chức, anh đều gắn bó với thiên nhiên (tại Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát), và với đàn ong của mình.

Khi đã có uy tín trên thương trường, người đàn ông này quyết tâm thành lập công ty, lấy thương hiệu là Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh- doanh nghiệp duy nhất trong tỉnh nuôi ong sau đó sơ chế (lọc, lắng) hút chân không hạ thủy phân (cô đặc), đóng chai; và là thương hiệu mật ong duy nhất đạt Tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2015, Tiêu chuẩn VietGap. Với vai trò là đảng viên, là cán bộ lãnh đạo quản lý, anh còn hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm nông dân, cựu chiến binh và nhân dân các tỉnh Svay Riêng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia, bởi tỉnh Tây Ninh của nước ta có đường biên giới dài 240km giáp với nước bạn. Thế nên mới có chuyện nông dân Tây Ninh thoát nghèo rất nhiều nhờ con ong, khi mỗi năm, bà con thu hoạch bảy tháng (mùa khô), mỗi tháng quay mật hai lần, mỗi lần quay mật/đàn ong được 2-3kg mật. Năm rồi, trong 18 sản phẩm được Tây Ninh công nhận OCOP, có sản phẩm mật của Công ty TNHH MTV Ong mật Bảo An Tây Ninh. Và hiện Tây Ninh có bốn chủ thể, doanh nghiệp có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đã đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Ebay, Bestbuy, Walmart, Postmart, trong đó có mật ong do anh chăm nuôi.

Anh chia sẻ rằng người nuôi ong chính là những người du mục bởi những mùa hoa của từng vùng, miền đều nở khác nhau và anh cũng phải cùng 10 người khác di cư 500 đàn theo những mùa hoa tràm, hoa chôm chôm, hoa nhãn, hoa điều... Có những năm thiếu hoa, anh lại cho anh em đưa đàn ong lên tận Đắk Lắk, Đắk Nông để tìm hoa cao-su, hoa cà-phê cho ong lấy mật. Nuôi ong sinh thái với quy mô lớn thì di chuyển đàn ong theo mùa hoa là điều bắt buộc vì nếu thiếu hoa, ong sẽ rã đàn. Còn nếu cho ăn thêm đường thì mật ong sẽ không còn chất lượng, cho nên anh quyết tâm phải duy trì nguồn mật tinh khiết, quý giá đến từ thiên nhiên, vì vậy mà đã làm nên uy tín của mình.

Khi đang là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XI, XII, anh từng là người quyết liệt chất vấn về bảo vệ môi trường. Và khi làm Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát và Bí thư Huyện ủy Tân Châu, anh đã quyết liệt dẹp tan được tệ nạn săn bắt chim thú, dọn sạch các hàng quán có bán động vật hoang dã. Anh hiện là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, Nguyễn Đình Xuân!