Vì sao Arsenal không thể là nhà vô địch

Sau chín năm trắng tay, mùa giải này những ủng hộ viên của Arsenal tràn trề hy vọng đoạt ngôi vô địch Premier League khi đội bóng của họ liên tiếp chiếm ngôi đầu bảng. Nhưng giấc mơ ấy có thể nói đã chấm dứt rồi, dù mùa giải vẫn còn tới hơn hai tháng nữa mới kết thúc.

HLV Wenger thường áp dụng lối dàn xếp đưa bóng vào cấm địa.
HLV Wenger thường áp dụng lối dàn xếp đưa bóng vào cấm địa.

Tâm lý lối mòn của Arsenal là điều rất mất thời gian để xóa bỏ nhưng nếu Wenger không thực hiện ngay những biện pháp cần thiết, ông sẽ còn phải trả giá đắt.

Vẫn là khâu lực lượng

Khi Oezil đến Arsenal từ Real Madrid hồi mùa hè vừa rồi, tất cả những ai yêu mến CLB ấy đều hân hoan khôn tả bởi chưa bao giờ đội bóng của họ lại mua một ngôi sao thành danh như thế với mức phí chuyển nhượng như thế. Và đúng là Oezil đến kéo theo một loạt những kết quả khả quan trên sân bóng và chính những kết quả đó đã khiến người ta lầm lẫn rằng nó chính là “hiệu ứng Oezil”. Song thực tế, Oezil có những đóng góp nhất định cho Arsenal nhưng anh không đủ tầm mang lại một hiệu ứng toàn diện để tạo nên những kết quả khả quan như thế.

Thực chất, Oezil chỉ tạo được hiệu ứng tinh thần cho Arsenal bởi nó cho các cầu thủ cảm giác lãnh đạo đội bóng cũng tham vọng danh hiệu thực thụ. Còn hiệu ứng chuyên môn trên sân cỏ ở nửa đầu mùa bóng lại thuộc về một cái tên cũ: Mathieu Flamini. Cầu thủ chuyển nhượng miễn phí ấy đã góp phần tạo tính cân bằng cho Arsenal khi anh lấp vào đúng khoảng trống mà Arsenal đã thiếu bấy lâu nay: vị trí của một tiền vệ đánh chặn. Song, một mình Flamini là không đủ và nó chỉ rõ sự chủ quan của Arsene Wenger trong khâu chuẩn bị lực lượng ở mùa hè 2013.

Flamini chơi rất tốt nhưng tiền sử chấn thương và tuổi tác đã không cho phép anh có thể duy trì mật độ thi đấu quá cao ở Anh. Chính vì thế, những khi Flamini không góp mặt ra sân chính là những lúc lối chơi của Arsenal trở nên bế tắc bởi sự mất cân bằng. Câu hỏi lập tức được đặt ra cho Wenger là tại sao ông lại không mua Capoue với cái giá rất mềm so với khoản ngân sách mà ông còn được quyền sử dụng cho thị trường chuyển nhượng. Trường hợp của Flamini chỉ là đơn cử cho một số vị trí then chốt mà Wenger không chịu bổ sung như vị trí trung phong, vị trí trung vệ và tối thiểu là một vị trí hậu vệ biên.

Và đến lúc này, khi Oezil không còn giữ được phong độ tốt, Wenger hẳn rất tiếc tuyển thủ Pháp Grenier của Lyon. Khi Lyon gần như đã ngã lòng và chỉ đợi Wenger trả thêm chừng hai triệu euro nữa (so với mức khởi điểm tám triệu euro), Wenger đã chần chừ vì một khoản chi nhỏ. Lập tức, Grenier đã ký hợp đồng gia hạn với Lyon và tiếp tục tỏa sáng. Hiện thời, anh được coi là một trong những cầu thủ đá phạt trực tiếp hay nhất châu Âu. Trong khi đó, so với các đại gia khác, Arsenal lại đang là đội bóng yếu nhất ở khâu tận dụng các tình huống cố định.

Vì sao Arsenal không thể là nhà vô địch ảnh 1

Liệu Oezil có đủ tầm mang về danh hiệu cho Arsenal sau chín năm trắng tay. Ảnh: TL

Có thể nói, hình ảnh của Arsenal như một kẻ miệt mài húc đầu vào tường, húc đến kiệt sức nhưng cái tường vẫn không sập xuống như họ mong muốn.

Và lối mòn tâm lý của Pháo thủ

Kể từ khi Wenger đến cầm quân tại Arsenal, rõ ràng ai cũng nhận thấy ông đã thay đổi đội bóng của mình tích cực đến mức độ nào. Ông xây dựng được một đội bóng có cá tính riêng, có văn hóa riêng theo những quy chuẩn mới mà ông đặt ra. Nhưng điều ông cũng xây dựng cho họ là sự ổn định đến mức trở thành sức ỳ, đặc biệt là ở tâm lý cạnh tranh.

Nếu nhìn lại tất cả những mùa bóng Arsenal lên ngôi vô địch Premier League hoặc giành ngôi á quân, ta thấy rất rõ họ đều đạt được vị thế ấy trong các cuộc đua tay đôi mà thôi. Rõ ràng, Wenger đã xây dựng một đội quân luôn chuẩn bị tư thế để đối phó với một đối thủ lớn duy nhất. Điều đó chuẩn xác ở giai đoạn thập niên (19)90, khi Arsenal thẳng thừng thách thức vị thế độc tôn của Manchester United. Nhưng nó đã trở nên lạc hậu khi Chelsea tham gia cuộc chơi với sự chuẩn bị về lực rất đầy đủ. Và kể từ khi Chelsea tham gia cuộc đua, biến Premier League thành thế chân vạc, Arsenal luôn là đội rớt lại sau. Hiếm hoi lắm thì họ là người về nhì khi một trong hai đối thủ lớn còn lại trở nên sa sút bất ngờ vì khủng hoảng. Câu chuyện của họ càng trở nên phức tạp hơn khi Man City nổi lên là một đại gia. Sức ép của Arsenal đã nhân đôi với áp lực phải duy trì vị trí ở top bốn đội dẫn đầu. Kết quả là họ không bao giờ thắng nổi sức ép gấp đôi kia và chỉ an phận ở vị thế kẻ cạnh tranh suất dự Champions League không hơn không kém.

Mùa giải này, khi Man City còn làm quen với tân HLV Pellegrini và chưa vào guồng, còn Chelsea vẫn chưa định hình trở lại dưới tay Mourinho, Arsenal một mình một ngựa dạo chơi ở ngôi đầu bảng. Nhưng khi hai đội bóng kia lấy lại sức mạnh cạnh tranh, Arsenal lập tức tụt lui bởi họ không thắng nổi chính mình chứ không phải vì không thắng được đối thủ. Việc không thắng được chính mình ấy đã khiến họ thất bại liên tiếp trước những đại gia ngoại hạng Anh.

Tâm lý lối mòn của Arsenal là điều rất mất thời gian để xóa bỏ nhưng nếu Wenger không thực hiện ngay những biện pháp cần thiết, ông sẽ còn phải trả giá đắt bởi việc Rodger đã tạo dựng được cá tính cho Liverpool có thể sẽ biến cuộc đua Premier League mùa giải sau là cuộc đua giữa năm đối thủ chứ không chỉ dừng lại ở con số ba như mùa này nữa.

Cùng sai lầm trong triển khai chiến thuật

Nếu xem lại toàn bộ những trận cầu của các đội bóng lớn ở Premier League mấy mùa gần đây, ta dễ nhận thấy Arsenal cực hiếm có cơ hội uy hiếp khung thành đối thủ bằng những pha bứt tốc của một cầu thủ tấn công ở tốc độ cao với khoảng trống khoảng 20-30 m trước mặt khung thành. Họ thường tiếp cận khung thành để dứt điểm, để ghi bàn ở trong vòng 16m50 là chủ yếu. Trong bóng đá, đó gọi là lối triển khai tấn công có tên gọi “dàn xếp đưa bóng vào vòng cấm địa”. Hơn nữa, trước Arsenal, các đội bóng nhỏ dường như có tâm lý co cụm hơn là trước Chelsea, Man City hay M.U. Phải chăng vì Arsenal quá mạnh nên buộc các đối thủ phải chơi co cụm như thế? Thực tế không phải vậy.

Việc các đối thủ trở nên co cụm do chính Wenger tạo cho Arsenal lối chơi dâng quá cao, tạo áp lực ngay trên phần sân đối phương và chủ yếu hoạt động ở 2/3 sân về phía sân đối thủ. Hơn nữa, Wenger rất mê sử dụng hai hậu vệ biên tham gia tấn công thay vì chỉ hỗ trợ tấn công. Điều đó khiến quân số triển khai tấn công của Arsenal luôn đông, khoảng 6-8 cầu thủ. Với quân số ấy, các đối thủ bắt buộc phải lui về co cụm, tạo nên phòng tuyến dày đặc trước mặt khung thành nhằm ngăn chặn Arsenal ghi bàn. Khi đối thủ dày đặc như thế, không gian hoạt động của các cầu thủ tấn công của Arsenal lại bị thu hẹp hơn và họ luôn bế tắc khi đưa ra các đường chuyền cuối cùng. Có thể nói, hình ảnh của Arsenal như một kẻ miệt mài húc đầu vào tường, húc đến kiệt sức nhưng cái tường vẫn không sập xuống như họ mong muốn.

Với lối chơi như thế, với lực lượng mỏng như thế và với cả tâm lý đã quá ỳ như thế, rõ ràng Arsenal không thể và không xứng đáng là nhà vô địch của Premier League ở mùa bóng này. Nhưng có lẽ, chỉ có các ủng hộ viên của họ là xót xa cho những vuột mất ấy mà thôi. Còn với ban lãnh đạo của họ, việc được duy trì ở Champions League, việc luôn là đội bóng ở top bốn của Premier League là quá đủ. Đơn giản, ở vị thế ấy, họ vẫn mỗi ngày mỗi giàu thêm hơn trong bối cảnh rất nhiều đối thủ khác vẫn mỗi năm lại báo lỗ...