“Sóng cả” đòi hỏi “vững tay chèo”

Các nước cần chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi sau đại dịch.
Các nước cần chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi sau đại dịch.

Những nguy cơ lớn đã xuất hiện khi các thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, trong khi tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi. Thực tế này đòi hỏi các chính phủ phải “vững tay chèo” để tránh rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.

1 Tuần qua, liên tiếp xảy ra các vụ tiến công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ và cơ sở kinh tế ở nhiều nước. Chính phủ Ai-len (Ireland) thông báo: Bộ Y tế nước này đã trở thành mục tiêu của một vụ tiến công như thế. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là một vụ tiến công bằng mã độc giống vụ việc từng xảy ra với Dịch vụ Y tế cộng đồng HSE, khiến HSE phải hủy các lịch hẹn khám không khẩn cấp. Trước đó, một công ty con của Tập đoàn bảo hiểm Axa của Pháp cũng bị tiến công mạng bằng mã độc tống tiền khiến hoạt động của công ty tại Thái-lan, Malaysia, Ðặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) và Philippines bị ảnh hưởng.

Chi nhánh của Tập đoàn Toshiba Corp. tại Pháp cho biết DarkSide, nhóm tin tặc bị cho là đứng sau vụ tiến công mạng nhằm vào mạng lưới đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ do Công ty Colonial Pipeline điều hành gần đây, cũng đã thực hiện vụ tiến công bằng mã độc nhằm vào hệ thống máy tính của hãng này vừa qua. Gần đây, các vụ tiến công mạng bằng mã độc có dấu hiệu gia tăng tại các nước. Sau khi thủ phạm giành được quyền kiểm soát hệ thống máy tính, chúng sẽ đòi tiền chuộc từ nạn nhân để trả lại quyền truy cập dữ liệu.

2 Tại Diễn đàn kinh tế Delphi VI, diễn ra tại Thủ đô Athens của Hy Lạp theo hình thức trực tuyến, giới chuyên gia dự báo kinh tế thế giới mất ít nhất hai năm để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Theo đó, nền kinh tế không thể khởi động đơn giản chỉ bằng cách “ấn nút”, và chỉ có thể trở lại trạng thái bình thường vào năm 2024.

Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg nhận định: Khủng hoảng dịch Covid-19 sẽ là cuộc “khủng hoảng hình chữ V”, vì vậy sau tình trạng suy thoái sâu sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chính phủ không nên lặp lại những sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo đó, thay vì gấp rút khôi phục ngân sách như nhiều nước đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng trước, thì lúc này cần phải chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi.

3 Hiệp hội Công nghiệp của Australia đã hối thúc chính phủ nước này giảm căng thẳng với Trung Quốc thông qua đàm phán và ngoại giao nhưng không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Australia I.Willox đánh giá rằng các vấn đề về an ninh có thể xấu đi nếu như các nỗ lực đàm phán và ngoại giao thất bại. Trước đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông báo ngừng vô thời hạn các hoạt động liên quan đến Ðối thoại kinh tế chiến lược Trung Quốc - Australia.

Mối quan hệ thương mại giữa Australia và Trung Quốc ngày càng xấu đi khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới liên tục đưa ra các quyết định áp thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của “xứ sở chuột túi”. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Australia bị áp thuế cao hoặc bị đình chỉ nhập khẩu vào Trung Quốc, như lúa mạch, sợi bông, thịt bò, tôm hùm, rượu vang, gỗ và than đá… Các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết giá trị thương mại của nước này với Trung Quốc tại hầu hết các ngành đã giảm mạnh 40%, kể từ khi căng thẳng thương mại gia tăng.

4 Trong một báo cáo chung vừa công bố, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo nguy cơ đối với sức khỏe nếu làm việc quá 55 giờ/tuần. Theo đó, làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ tử vong liên quan bệnh tim mạch và đột quỵ. Giám đốc Cơ quan y tế, môi trường và biến đổi khí hậu của WHO nhấn mạnh: Thông tin trên là lời cảnh tỉnh đối với các chính phủ, chủ lao động và người lao động.

Theo ước tính của WHO và ILO, gần 400 nghìn người tử vong do đột quỵ và gần 350 nghìn người tử vong do bệnh tim mỗi năm sau khi làm việc ít nhất 55 giờ/tuần. WHO và ILO kêu gọi chính phủ các nước, các chủ lao động và người lao động cần phối hợp đưa ra quy định giới hạn số giờ làm việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động.

“Sóng cả” đòi hỏi “vững tay chèo” -0
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo nguy cơ đối với sức khỏe nếu làm việc quá 55 giờ mỗi tuần.