Thắp sáng tinh thần bản Đề cương trên mặt trận văn hóa

Sau 80 năm, những quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Thời Nay xin chia sẻ một số ý kiến của các nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa về vấn đề phát huy giá trị Đề cương trong bối cảnh mới.
0:00 / 0:00
0:00
Vai trò của văn nghệ sĩ rất quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa.
Vai trò của văn nghệ sĩ rất quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông:

Thắp sáng tinh thần bản Đề cương trên mặt trận văn hóa ảnh 1

“Để văn hóa thật sự soi đường cho quốc dân đi”

Tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học, ba luận điểm này đã được Đảng ta đúc kết rất cô đọng và chính xác và định hướng một cách đúng đắn. Một nền văn hóa nếu như không dựa trên truyền thống và sức mạnh của toàn dân thì không thể xây dựng được nền văn hóa đó độc lập, tự chủ, tự cường. Đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới đã hình thành trong khói lửa của hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc.

Cho đến ngày nay, với Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, chúng ta vẫn vận dụng những quan điểm ở đó để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thật sự soi đường cho quốc dân đi.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

Thắp sáng tinh thần bản Đề cương trên mặt trận văn hóa ảnh 2

“Văn hóa là một mặt trận để phát triển đất nước”

Qua nhiều thời kỳ khác nhau, tinh thần của bản Đề cương đã tạo ra những sự chuyển động, thay đổi hướng tới sự phát triển bền vững của văn hóa nước nhà. Ngày hôm nay, chúng ta phải vận dụng tinh thần đó như thế nào? Chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội khi sở hữu truyền thống văn hóa mấy nghìn năm lịch sử với rất nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ lệ lớn những người trẻ, những người có khả năng chuyển hóa được các giá trị văn hóa truyền thống bằng sức sáng tạo và công nghệ để tạo nên diện mạo mới.

Từ đó, quan điểm của chúng tôi là phải vận dụng các nguyên tắc của Đề cương như khoa học hóa, đại chúng hóa, dân tộc hóa để hoàn thiện được các vấn đề liên quan đến thể chế về phát triển văn hóa của Việt Nam, và nó phải mang tính khoa học, mang tính liên ngành. Và đó không phải là câu chuyện của ngành văn hóa mà là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội của Việt Nam.

Khi xưa Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định “Văn hóa là một mặt trận” ngang hàng với kinh tế, chính trị thì ngày hôm nay văn hóa cũng sẽ thành một mặt trận, là nguồn mạch để chúng ta phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn. Đó chính là cách để chúng ta có thể phát huy được nội lực và sức mạnh của văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa Việt Nam trở thành sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng thể quốc gia. Từ đó, định vị được chỗ đứng của Việt Nam trên bản đồ thế giới trong các hoạt động văn hóa bằng sức sáng tạo và các sản phẩm, dịch vụ văn hóa mang bản sắc và tính phổ quát cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa trong nước cũng như trên thị trường thế giới.

Quyền Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn - NSƯT Trần Ly Ly:

Thắp sáng tinh thần bản Đề cương trên mặt trận văn hóa ảnh 3

“Nghệ sĩ có vai trò quan trọng phát huy các giá trị của Đề cương”

Vai trò của người nghệ sĩ rất quan trọng trong việc phát huy các giá trị của bản Đề cương. Mỗi thế hệ đều có quan điểm nghệ thuật khác nhau thông qua lăng kính của thế hệ đó. Sáng tạo nghệ thuật trước hết phải hướng đến chân, thiện, mỹ, các nghệ sĩ sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn là một tập hợp thông qua khả năng bản thân và nền tảng văn hóa truyền thống đưa ra những sản phẩm nghệ thuật. Thông qua sản phẩm nghệ thuật này, chúng ta nhìn thấy góc độ xã hội, kinh tế, chính trị… của cả một thời kỳ. Nên cá nhân nghệ sĩ phải luôn luôn có trách nhiệm với các sản phẩm nghệ thuật đó. Một nghệ sĩ chân chính luôn hiểu rõ về vai trò cũng như trách nhiệm của mình đối với xã hội và phải phấn đấu cho đủ nền tảng tài năng cũng như ý thức trách nhiệm để thể hiện và truyền tải nội dung đó cho xã hội.

Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Trần Thị Hương:

Thắp sáng tinh thần bản Đề cương trên mặt trận văn hóa ảnh 4

“Phát huy giá trị Đề cương từ tác phẩm của thế hệ đi trước”

Hầu như các tác phẩm trong triển lãm “Nghệ sĩ là chiến sĩ” mà chúng tôi đang trưng bày nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) thể hiện sự hưởng ứng, vận động và chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sĩ, tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, dũng cảm nhận trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.

Đó chính là một phần để các đồng nghiệp sau này nhìn vào học tập. Thứ nhất là học tập về thái độ làm việc, tính chuyên nghiệp, thứ hai là lòng yêu nước và thứ ba là mặc dù thời gian sáng tác hạn hẹp nhưng chất lượng nghệ thuật rất có giá trị. Nhiều tác phẩm vẫn đang được dùng trong công tác giảng dạy cho thế hệ ngày nay.

Mỗi văn kiện đều có giá trị trong mỗi thời điểm lịch sử nhất định, nhưng trong giai đoạn hiện nay, sự ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam không hề mất đi. Bởi chính thời điểm Đề cương ra đời thì nó đã kéo theo rất nhiều những giá trị khác và những giá trị đó mãi mãi trường tồn. Tôi tin rằng những âm hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ được các thế hệ sau trân trọng và tiếp nối bằng niềm tin, lòng tự hào dân tộc và bằng việc học tập từ chính những giá trị từ các tác phẩm của thế hệ tiền bối đi trước.