1/Tôi từng lỡ hẹn với Giáo sư Gunter Giesenfeld. Tháng 5/2023, tôi cũng nhận được email của ông, báo rằng ông cùng vợ là dịch giả Marianna Ngo sẽ tới Hà Nội và mong gặp tôi. Nhưng thời điểm đó, tôi vừa bay sang Frankfurt, Đức. Thế là chúng tôi “ngược chiều nhau”. Giáo sư Gunter Giesenfeld đùa rằng chúng tôi có thể gặp nhau trên bầu trời. Ông bảo, tôi cần chú ý, ông sẽ mở cửa máy bay và vẫy tay chào tôi, mong rằng tôi cũng sẽ làm điều tương tự.
Ở tuổi gần 90, giáo sư Gunter Giesenfeld vẫn giữ nguyên niềm đam mê và tình yêu không giới hạn dành cho Việt Nam. Năm nào ông cũng bay từ Đức sang Việt Nam, một hành trình dài và đầy thử thách với sức khỏe. Ông viết báo, nghiên cứu văn hóa Việt Nam và dịch văn học Việt Nam không mệt mỏi. Tôi nhớ mãi chuyến đi cuối tháng 10/2023, khi tôi quay lại Đức lần thứ hai trong cùng năm. Lần đó, tôi tổ chức một tọa đàm thơ và ra mắt tập thơ chung của tôi với nữ sĩ Bàng Ái Thơ. Tập thơ có tựa đề “Giọng nói dịu dàng, ngôn từ mạnh mẽ,” được xuất bản bằng tiếng Đức và ra mắt tại Ngôi nhà văn học Đức ở Berlin. Giáo sư Gunter Giesenfeld và vợ ông đã đi tàu hàng trăm cây số đến tham dự sự kiện với những cuốn sách, tạp chí trưng bày trong sự kiện, những tham luận sâu sắc, thể hiện sự hiểu biết và tâm huyết đối với văn học Việt Nam.
2/Tháng 10 vừa rồi, giáo sư Gunter Giesenfeld đi một mình, ông tặng tôi một món quà đặc biệt: cuốn sách “Chế Lan Viên” bản song ngữ Đức - Việt do chính ông dịch. Cuốn sách này được in với số lượng giới hạn 1.000 cuốn, trên giấy vàng sang trọng và được minh họa bằng tranh cắt dán giấy làm hoàn toàn bằng tay trên từng bản in. Chạm vào những bức tranh cắt nổi trên từng trang sách, tôi không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi: các họa sĩ đã mất bao lâu để hoàn thiện từng cuốn sách đầy kỳ công như vậy?
Trong chuyến đi lần này, Gunter Giesenfeld cũng đã hoàn thành cuốn sách “Nguyễn Đình Thi” bằng tiếng Đức và tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách tại Việt Nam. Cuốn sách được minh họa bằng tranh gỗ của Lê Quốc Việt, một nghệ nhân nổi tiếng với những tác phẩm thủ công tinh xảo. Đây là thành quả của một quá trình dịch thuật kéo dài gần ba thập kỷ. Ông chia sẻ rằng, việc hiểu và cảm nhận sâu sắc sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và Đức là một trong những thách thức lớn nhất mà ông gặp phải trong quá trình dịch thơ. Nhờ sự giúp đỡ của chính nhà thơ Nguyễn Đình Thi, họ đã cùng nhau làm việc, dành hàng giờ liền để trao đổi về từng câu, từng chữ. Nguyễn Đình Thi đã dịch thơ của mình sang tiếng Pháp, và từ đó Gunter Giesenfeld tiếp tục dịch sang tiếng Đức. Họ đã làm việc cùng nhau cho đến khi cả hai đều hài lòng với bản dịch. Gunter Giesenfeld chia sẻ, ông rất may mắn khi kịp hoàn thành bản dịch trước khi nhà thơ qua đời.
3/Trong những ngày lưu lại tại Hà Nội, Gunter Giesenfeld đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam và gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội. Hai ông trò chuyện về việc dịch văn học. Gunter Giesenfeld nhấn mạnh rằng, để dịch một tác phẩm thành công, dịch giả cần phải hiểu rõ và sâu sắc về văn hóa của đất nước mà tác phẩm được sinh ra. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, cần chọn dịch những tác phẩm mang tính nhân loại, để bất cứ ai ở ngóc ngách nào của thế giới cũng có thể hiểu, mà không cần phải đọc nhiều chú giải.
Được biết, Giáo sư Gunter Giesenfeld đang tiếp tục dịch tác phẩm của các nhà văn Dương Hướng và Hồ Anh Thái. Mục tiêu của ông là mang những tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam đến với độc giả Đức trong thời gian tới. Tôi không khỏi cảm phục và biết ơn Giáo sư Gunter Giesenfeld về lòng kiên trì, sự cống hiến và tình yêu sâu đậm dành cho Việt Nam, đất nước mà ông đã dành phần lớn cuộc đời để nghiên cứu và kết nối.
Từ năm 1992, Gunter Giesenfeld đã ấp ủ ý định dịch thơ Nguyễn Đình Thi sang tiếng Đức. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng khi phải đối mặt với nhiều thách thức về ngôn ngữ, tài chính và cơ hội. Nhưng với sự kiên trì không ngừng nghỉ, đến nay, cuốn sách đã được xuất bản.