“Ba chấm Son” khai trương Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp

Từ ngày 11 đến 30/11, tại Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp (số 71/77 Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, Hà Nội) ra mắt người xem triển lãm nhóm “Ba chấm Son” của các họa sĩ Lê Minh Đức, Nguyễn Đình Vũ và Phạm Ngọc Vũ. Bày tranh cho các tác giả trẻ đương đại ở tầng II lần thứ 2, đây cũng là hoạt động chính thức của không gian này.
0:00 / 0:00
0:00
“Rước đèn Trung thu”, tranh của Phạm Ngọc Vũ.
“Rước đèn Trung thu”, tranh của Phạm Ngọc Vũ.

1/Trò chuyện với chúng tôi, “curator” Nguyễn Phan Khoa (là giám tuyển triển lãm, con trai thứ hai của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) cho biết, qua gần 7 tháng từ lần tổ chức khởi động khu nhà tưởng niệm này bằng triển lãm tranh trừu tượng mang tên “Cửa” của họa sĩ Nguyễn Tất Long (tháng 4/2024), cho đến nay, khu tưởng niệm chính thức đổi tên thành “Không gian Văn hóa Nguyễn Huy Thiệp”. Bởi - anh Khoa nói - phải tìm tên gọi rộng như vậy mới đầy đủ hình dung về không gian này tới những ai quan tâm. Cũng vì những vấn đề rất rộng nhiều mảng, miếng, tầng, bậc… mà những áng văn của nhà văn ngày xưa vạch ra và để lại, sẽ dành cho-hướng tới nhiều thế hệ sau.

Theo anh Khoa, số lượng tranh triển lãm của các họa sĩ anh mời chọn thành nhóm “chân kiềng 8x” đồng niên với anh lần này cũng khá thú vị. Bởi từng họa sĩ đem số lượng tranh đến cũng y như câu đầu của bài hát: “Năm, mười, mười lăm…”. Và ba họa sĩ gộp tên thành “song vũ hợp đức” cũng khá thú vị (tạm dịch: đôi cánh bay hợp với sự công bằng đức độ) để quan sát và “cân” lên những giá trị nhiều mặt của cuộc sống đương đại ở nhiều khía cạnh “từ nhà ra phố”.

“Ba chấm Son” khai trương Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp ảnh 1

“Những bông hoa nhỏ”, tranh của Nguyễn Đình Vũ.

2/Đầu tiên là họa sĩ Nguyễn Đình Vũ (sinh năm 1980), quê Thái Nguyên, học trung cấp mỹ thuật tỉnh từ bé, và tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008. Tranh vẽ bằng chất liệu acrylic của anh là sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, trên toan khổ lớn treo ngang - dọc dưới hình thức vừa vẽ tay, vừa đồ họa để phản ánh về đời sống xã hội dưới sự quan sát hơi mang hình thức… “mạn họa”. Anh sử dụng mầu lam đặc trưng của gốm, một sắc có sức hút văn hóa đặc biệt ở châu Á, để làm nền cho nhân vật chính trong Âu phục. Trên nền toan trắng, các họa tiết lấy nét từ tranh khắc đậm chất dân tộc cổ truyền tạo nên sự tương phản độc đáo với hình ảnh hiện đại, hình thành một ấn tượng mạnh mẽ, đặt nhiều câu hỏi dành cho người xem…

Họa sĩ Lê Minh Đức (sinh năm 1981 ở Ninh Bình, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2005) thì mang đến 10 tác phẩm (4 tranh giấy phong cảnh ấn tượng, 6 bức sơn mài biểu hiện - trừu tượng). Các tác phẩm của anh như một “bài hát giọng đôi” về cuộc đời với hai luồng âm tiết. Anh đưa đẩy được những cảm xúc thuần khiết và tự nhiên của chính mình trong nét vẽ. Hoặc là mơ mộng lãng mạn tưng tưng, hoặc là lo lắng u sầu không quên… Các tác phẩm của Đức phản ánh một hành trình sáng tác giàu nội tâm và trải nghiệm sống, biểu lộ qua phong cách biểu hiện và bảng mầu độc đáo khó lẫn.

“Ba chấm Son” khai trương Không gian văn hóa Nguyễn Huy Thiệp ảnh 2

“Rơi tự do lúc nửa đêm”, tranh của Lê Minh Đức.

Trẻ nhất trong nhóm là họa sĩ Phạm Ngọc Vũ (sinh năm 1986, nhà gốc ở Hồ Văn Chương, Hà Nội, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2013) và cũng vẽ khỏe nhất. Ít người biết, thuở thiếu niên, anh từng là “danh thủ” đá cầu, là một trong những cầu thủ đại diện của học sinh Hà Nội đi thi đấu toàn quốc. Ngoài 15 bức treo song hành cùng các bạn “chân kiềng 8x” trên tầng hai, thì còn 3 bức nữa treo ở cầu thang đi lên phòng tranh. Loạt tác phẩm của chàng trai “tuổi Hổ” lần này cũng khỏe và tươi tắn ngọ nguậy y như loài thú mà anh cầm tinh vậy. Đó dường như là sự quan sát “dư thừa năng lượng” và khoái thú đối với đời sống giản dị đời thường chung quanh phố phường, của một tác giả đang có đủ sức lực và tinh thần để biến mọi thứ đen đủi nhất thường ngày, thành vui tươi khỏe khoắn, để bình tĩnh đón nắng ngày mai! Cái tên “Ba chấm Son” của cuộc trưng bày nhóm lần này, anh Khoa cho biết- cũng là sáng kiến tươi mới, ngắn gọn của Phạm Ngọc Vũ nghĩ ra.