Đền “Nguyện Mẫu” và “tiểu thuyết tạo hình” đương đại

Từ ngày 16/11 đến ngày 1/12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra triển lãm lớn của hai tác giả cao niên là họa sĩ Nguyễn Quân (sinh năm 1948) và họa sĩ người Nhật Katsumi Mukai (sinh năm 1946). Các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Nguyễn Quân mang tên “Nguyện” và các tác phẩm của Mukai mang tên “Chuyển động trong tĩnh lặng”… Đây là một phần của dự án tư nhân xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Sóng Mây tại khu vực Đại Lải (Vĩnh Phúc) đã được triển khai từ hơn 4 năm nay…
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Mâm ngũ quả” của họa sĩ Nguyễn Quân.
Tác phẩm “Mâm ngũ quả” của họa sĩ Nguyễn Quân.

Về “Nguyện” và “Đền Nguyện Mẫu”…

Trong đời sống mỹ thuật Việt Nam từ giai đoạn Đổi mới (sau năm 1980) cho đến đương đại hiện nay, cái tên của họa sĩ, điêu khắc gia, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân luôn hiện ra trong những hoạt động mấu chốt của ngành mỹ thuật chủ đạo bằng phong thái nổi bật hàng đầu của ông.

Triển lãm “Nguyện” và được trưng bày lần này, là một dự án nghệ thuật cá nhân được Nguyễn Quân tập trung sáng tác từ 2020 đến nay (hơn 4 năm). Nếu so sánh để dễ hiểu, những sáng tác tạo hình trước đây của ông như “những bài thơ hay truyện ngắn” nhiều đề tài. Thì loạt tác phẩm lần này như một “công trình tiểu thuyết mỹ thuật” có độ dày dặn lớn và “hướng đạo”, tổng hòa nhiều khía cạnh: Kiến trúc, cảnh quan, hội họa, điêu khắc, âm thanh, ánh sáng. Tác phẩm được treo lần này gồm 24 bức tranh sơn dầu (2 bức khổ lớn, 12 bức khổ vừa và 10 bức phác thảo khổ nhỏ); 5 bức tượng đá nhỏ trong phòng cùng mô hình kiến trúc của ngôi đền được dự định xây dựng mang tên “Đền Nguyện Mẫu” và 2 bức tượng đá lớn ngoài sân Bảo tàng Mỹ thuật.

Ý tưởng xuyên suốt dự án được chính tác giả nhấn mạnh là sự sùng kính tính nữ của vũ trụ và nhân sinh (nối tiếp sự tôn thờ đạo Mẫu của dân tộc ta). “Ngôi đền mang tên “Nguyện Mẫu” (sẽ được xây dựng sau này, để chỉ trưng bày riêng các tác phẩm hội họa - điêu khắc trong dự án này) sẽ là một nơi chốn công cộng đương đại, dành cho thẩm mỹ nghệ thuật và tâm tình, tâm linh…

Về “Chuyển động trong tĩnh lặng”

Nếu như triển lãm “Nguyện” của Nguyễn Quân nằm tại toàn bộ tầng 1 của khu nhà B bảo tàng thì toàn bộ tầng 2 khu này là các tác phẩm điêu khắc gỗ (63 tác phẩm) và tranh chì (24 bức) của tác giả Nhật Katsumi Mukai. Phát biểu về những tác phẩm trừu tượng sung mãn của mình, tác giả tự bạch: “Tôi luôn cảm nhận được chuyển động trong tĩnh lặng ở tất cả các hiện tượng tự nhiên. Và rồi tôi phóng chiếu tâm hồn mình - tĩnh lặng nhưng cũng đầy mãnh liệt và sống động - lên gỗ và giấy”.

Nghệ sĩ Mukai là một người có phong cách khá đặc biệt trong nghệ thuật đương đại Nhật Bản. Bắt đầu học hội họa tại Học viện Nghệ thuật Trung ương (Tokyo) từ năm 18 tuổi, nhưng chỉ sau nửa năm, ông đã quyết định bỏ theo con đường tự học ở trong nước và nước ngoài (Anh quốc). Từ năm 1966 đến trước 1990, ông xoáy sâu vào sáng tác hội họa. Sau 1990, ông chuyển sang thích thú điêu khắc gỗ và tập trung tham gia sáng tác ở nhiều dự án khắp trong và ngoài nước Nhật từ đó đến nay. Hẳn bất kỳ ai cũng sẽ kinh ngạc nếu được biết, là toàn bộ các tác phẩm trong triển lãm lần này, là ông tham gia cộng tác lần thứ 5 với họa sĩ Vũ Hồng Nguyên (curator của dự án “Sóng Mây”) và chỉ một mình trực tiếp làm trong 3 tháng tại Hà Nội (từ tháng 7 đến tháng 10/2024) khi ông sắp sửa bước vào… tuổi 79!

Đền “Nguyện Mẫu” và “tiểu thuyết tạo hình” đương đại ảnh 1

Một nhóm tượng gỗ “Chuyển động trong tĩnh lặng” của Katsumi Mukai tại triển lãm.

Và dự án “Sóng Mây”

Cũng cần nói đến dự án “Sóng Mây” - nhân tố chủ thể - chủ đạo cuộc trưng bày của hai tác giả cao niên lần này. Đây là tạo tác khá quy mô của họa sĩ Vũ Hồng Nguyên (sinh năm 1976). Anh nguyên là cựu giảng viên của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, là người tham gia cổ phần và đồng sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật đương đại của Flamingo Đại Lải Resort (nằm trong khu du lịch Hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc).

Sau khi tổ chức dự án “Art in the Forest” năm 2017 tại Flamingo, mời gọi được khá nhiều tác giả là các họa sĩ, điêu khắc gia thành danh trong và ngoài nước ở nhiều lứa tuổi, nhằm hướng tới các sáng tác “làm sang” cho khu du lịch Flamingo Đại Lải, thì Vũ Hồng Nguyên chuyển dịch sang dự án mới của anh - độc lập ý tưởng cá nhân, là sẽ xây dựng một Bảo tàng Nghệ thuật đương đại khác mang tên “Sóng Mây”. Nơi này sẽ trưng bày tổng hòa nhiều mảng tác phẩm từ kiến trúc đến mỹ thuật.

Vẫn đang trong quá trình tìm địa điểm xây dựng (cũng gần khu Đại Lải), Vũ Hồng Nguyên song song tiến hành đầu tư hỗ trợ và thảo luận tọa đàm, kích thích sáng tác tới các tác giả mà anh lựa chọn trong vai trò “curator - giám tuyển”. Sau gần 5 năm thực thi dự án “Sóng Mây”, nửa cuối tháng 11, Nguyên tiến hành triển lãm và giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Quân và Katsumi Mukai.

Sang tháng 12, dự án sẽ tiếp tục giới thiệu tác phẩm của hai nhà điêu khắc trung niên đều đang là giảng viên Khoa điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đó là triển lãm của tác giả Lê Lạng Lương mang tên “Vọng Sơn” và triển lãm của tác giả Hoàng Mai Thiệp mang tên “Khải Sinh”, từ ngày 5 đến 15/12, sẽ cũng diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.