Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024:

Cuộc đối thoại thú vị

Mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội nữa đã khép lại với hơn 100 sự kiện thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tại các công trình kiến trúc nổi bật, trên các tuyến phố, vườn hoa. Hàng trăm nghìn người dân Thủ đô và du khách đã có những trải nghiệm thú vị trong cuộc đối thoại giữa kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản tinh hoa.
0:00 / 0:00
0:00
Tòa nhà Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ) mở cửa dón khách tham quan trong thời gian diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Tòa nhà Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính phủ) mở cửa dón khách tham quan trong thời gian diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Cho người dân thêm yêu thành phố

Lễ hội thu hút được những tài năng hàng đầu, mang đến nguồn cảm hứng lớn cho sáng tạo, “đánh thức” nhiều công trình, di sản kiến trúc sau nhiều năm đóng cửa im lìm hoặc nơi người dân hầu như không có dịp đặt chân vào như tòa nhà Đại học Tổng hợp, Nhà khách Chính phủ... Hàng chục nghìn lượt khách đã đến các điểm di tích, di sản mỗi ngày: Tấp nập Cung Thiếu nhi, đông nghịt người dân thăm Nhà khách Chính phủ, đoàn người trật tự xếp hàng dài vào tòa nhà Đại học Tổng hợp, kín ghế các cuộc tọa đàm… Sự quan tâm của người dân không chỉ theo trào lưu mà đã thật sự quan tâm đến những giá trị mà lễ hội mang lại.

Vừa cùng vợ tham quan trong tòa nhà Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, tại số 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm), nhạc sĩ Quách Thái Kỳ xúc động nhớ lại: Lúc 8 tuổi, tôi đã từng vào nơi này khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra. Giờ đây, sau gần 80 năm tôi mới lại có dịp bước vào để nhận thấy những đường nét kiến trúc Đông Dương đúng nghĩa với kiến trúc Pháp pha trộn cả nét văn hóa Việt Nam rất hợp lý, tạo cảm giác ấm cúng. Cùng với đó là những tương tác nghệ thuật như vẽ hoa lên các vết đạn còn hằn sâu trên hàng rào sắt quanh tòa nhà, dấu tích lịch sử trong trận Bắc Bộ Phủ năm 1946. Rất vui khi thành phố mở các không gian như thế này, giúp người dân được tìm hiểu sâu hơn những công trình biểu tượng của Thủ đô, qua đó gợi nhắc và cũng là một cách giáo dục thiết thực cho thế hệ trẻ về lịch sử. Nhiều nước trên thế giới đã mở cửa cả phủ tổng thống, tòa nhà quốc hội… đón người dân và du khách vào tham quan.

Sau gần một tiếng xếp hàng mới vào được không gian kiến trúc độc đáo cùng các sắp đặt của đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương” trong sảnh tòa nhà Đại học Tổng hợp, đôi bạn trẻ Tuấn, Trang (sinh viên Trường đại học KHXH&NV Hà Nội) cho biết, chúng em quyết tâm đứng đợi bởi đây là cơ hội hiếm có. Thật sự ấn tượng với các tương tác nghệ thuật và kiến trúc, sự hòa nhịp của hình ảnh, của âm thanh không cần ngôn từ diễn tả đã gợi mở những cảm xúc xưa cũ về kiến trúc, mỹ thuật sau gần 100 năm. Những giảng đường, hành lang đều trở thành không gian nghệ thuật, nơi các nghệ sĩ vừa thể hiện cái tôi sáng tạo của mình, đồng thời, tôn vinh nét đẹp của công trình kiến trúc Đông Dương. Rất mong, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động như thế này.

Cuộc đối thoại thú vị ảnh 1

Phố Tràng Tiền trở thành sàn trình diễn thời trang trong lễ hội.

Tìm công năng mới cho kiến trúc cũ

Lễ hội đã trở thành nơi kết nối các loại hình nghệ thuật. Như show trình diễn cổ phục Việt tại Bảo tàng Lịch sử có kiến trúc kết hợp với thời trang, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc… Các nghệ sĩ đã tạo nên sự kết hợp liên ngành nghệ thuật rất đặc sắc. Lễ hội mang đến góc nhìn mới cho các công trình vốn quen thuộc với người dân như vườn hoa, bảo tàng, giảng đường ở “Giao lộ sáng tạo”. Tòa nhà Bắc Bộ Phủ, từ một biểu tượng di sản về lòng yêu nước, các kiến trúc sư đã tìm kiếm sự kết nối mới mẻ và sáng tạo với không gian chung quanh, tạo ra cụm công trình kiến trúc với tên gọi - DÒNG, gợi sự liên tưởng về một dòng lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội. Cũng như vậy, chiếm phần lớn không gian ngoài trời vốn thuộc về các bia đá, tượng cổ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt là Pavilion “Rồng rắn lên mây”. Công trình trở thành một phần cảnh quan bảo tàng, tạo ra nơi chốn để thu hút mọi người đến ngắm nhìn công trình di sản này.

Những công trình tưởng như cũ kỹ không hợp với dòng chảy đương đại như Cung Thiếu nhi, cũng thu hút công chúng bởi sự mới lạ, độc đáo khi trở thành không gian cho các hoạt động nghệ thuật như trưng bày, trình diễn… 41 sự kiện tại đây nhấn mạnh đến hoạt động vui chơi, sáng tạo cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Như một sự kế thừa, gắn kết giữa quá khứ và tương lai của Cung. Trong đó, gợi mở những hướng phát triển tiếp theo.

Xem Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội trên nền tảng số

YooLife AIoT Platform đã triển khai các giải pháp IoT và các công cụ “ảo hóa” bằng hình ảnh 360 độ, đưa trải nghiệm Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội lên internet để những người chưa có cơ hội đến trực tiếp cũng có thể trải nghiệm. Qua đó, dự án ảo hóa không gian 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội cùng hàng trăm hiện vật là biểu trưng của kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật Việt… Ở mỗi khu vực, các mũi tên chỉ hướng xuất hiện để người dùng chọn hướng tham quan, tương tự trải nghiệm khi đi Lễ hội thực. Người dùng cũng có thể bấm vào hiện vật để xem thông tin chú giải. Nhóm phát triển đã tái hiện được khoảng 50 vị trí trong khuôn viên Lễ hội, cùng hơn 300 hiện vật.