Thắp hy vọng ở Trường Hy Vọng

Ngày hội tới trường tại Trường Hy Vọng (Hope School)-ngôi trường nuôi dưỡng và đào tạo các em nhỏ không may bị mất cha mẹ bởi đại dịch Covid-19 trở thành một ngày thật đặc biệt với không chỉ những trẻ nhỏ nơi đây.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học tại Trường Hy Vọng.
Giờ học tại Trường Hy Vọng.

Những vòng tay ấm xoa dịu nỗi đau

Đằng sau nụ cười rạng rỡ trong ngày khai trường của 200 học sinh đầu tiên đến từ 41 tỉnh, thành phố, mỗi em nhỏ đều phải chịu nỗi đau mất cha, mất mẹ, có em mồ côi cả cha mẹ vì đại dịch. Hai anh em Lưu Hữu Nghị (TP Hồ Chí Minh) được ngôi trường giang rộng vòng tay đón về, chăm sóc. Khi được hỏi về điều mình mong ước, em nói: Chỉ muốn khi cất tiếng gọi hai tiếng "mẹ ơi!" thì ngay tức khắc có lời đáp lại "mẹ đây!". Một em khác bày tỏ chỉ mong ước được ôm ba, "thơm ba một cái" lúc này. Những ước mơ tưởng chừng rất giản đơn, với những số phận kém may mắn ấy, giờ đã trở thành không thể.

Mất cha trong đại dịch, gia đình còn mẹ và anh trai, em Trần Ngọc Huy (14 tuổi, TP Hồ Chí Minh) vừa trở thành học sinh lớp 9 của Trường Hy Vọng. Em bộc bạch rằng, chưa bao giờ đi xa khỏi thành phố nên ban đầu đến đây mọi thứ đều lạ lẫm. Xa mẹ nhớ mẹ vô cùng nhưng em phải tập dần thói quen sống không có người thân bên cạnh mỗi ngày và nỗ lực bắt nhịp với môi trường mới. "Sống nơi đây điều kiện ăn ở tốt lắm, con được thầy cô quan tâm, động viên nhiều. Ngoài giờ học ở lớp con tham gia chăm sóc vườn rau và chơi thể thao với các em nhỏ, các bạn đồng lứa", Huy trải lòng.

Em Nguyễn Thiện Minh (14 tuổi) sinh ra trong gia đình có truyền thống theo nghề y. Trong đại dịch gia đình em đã có cống hiến rất nhiều cho công tác cứu chữa các bệnh nhân Covid-19. Vậy nhưng giờ đây, em chỉ còn bố. Trong Minh luôn thôi thúc mong ước lớn lên được làm bác sĩ để tiếp tục theo đuổi nghề y của cha ông mình. "Môi trường tại đây luôn rèn luyện cho con sự tự tin, năng động, thầy cô cũng tạo điều kiện để em tập làm MC, đại diện phát biểu tại nhiều chương trình. Con mong rằng qua những chương trình được phát trên ti-vi, bố ở nhà thấy con sẽ vui và tự hào về con trai của mình", ánh mắt ngời sáng, Minh chia sẻ.

Tại đại gia đình Hope School, em Trần Quang Bảo (18 tuổi, TP Hồ Chí Minh) được xem là học sinh đầu tiên đi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, và đã trúng tuyển vào Trường đại học FPT Đà Nẵng với thành tích Top 10 thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất. Bảo kể, ngày đi thi thật khó quên trong cuộc đời em, thay vì có gia đình bên cạnh thì thầy cô nơi đây đã đưa đón, động viên, hỏi thăm trong suốt quá trình thi cử. "Khi nhận được tin trúng tuyển với điểm số cao, người đầu tiên em báo tin vui là thầy Quyền-Giám đốc Dự án Hope School. Với em, thầy như người cha luôn bảo ban, hướng dẫn cho em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống", Bảo bộc bạch. Khi hỏi về ước nguyện của mình trong tương lai, Bảo cho biết: "Em chọn học truyền thông đa phương tiện trước hết là muốn lan tỏa, kết nối yêu thương tới mọi người trong xã hội, lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp ở cuộc sống này mà bản thân em là một minh chứng".

Lan tỏa mầm xanh

Vào tháng 9/2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường mang tên Hy Vọng dành cho các em nhỏ không may mắn mất cha, mất mẹ do đại dịch Covid-19, với mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, trưởng thành. "Trường Hy Vọng là ngôi trường của tình yêu thương. Đó là tình yêu thương của các thầy cô; tình yêu thương của anh, chị, em học sinh trong trường-những người cùng cảnh ngộ như các con; của những người trong quỹ Hy Vọng và những người trong đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Vào các dịp nghỉ lễ, trường sẽ đưa các con về sống trong tình yêu thương của gia đình. Hơn thế nữa, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê trong khoa học hay công nghệ, nghệ thuật hay thể thao, kinh tế hay xã hội....", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Hy Vọng nhấn mạnh.

Và để hoàn thiện trọn vẹn sứ mệnh này, bên cạnh nguồn lực của Hội đồng sáng lập gồm Tập đoàn FPT, quỹ Hy Vọng-Hope Foundation, nhà trường còn đón nhận sự quan tâm, chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và cá nhân cùng mong muốn mang đến những điều kiện nuôi dưỡng và yêu thương đủ đầy nhất đến với những trẻ em thiệt thòi. Giám đốc dự án Hope School Hoàng Quốc Quyền cho biết, không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu hoàn cảnh. Anh gọi đây là hành trình của yêu thương, mang "mầm xanh" hy vọng lan tỏa. Mỗi nơi cán bộ Hope School đi qua, sẽ là tin vui cho những em nhỏ, cho những gia đình đang chịu nỗi đau đại dịch để lại. "Covid-19 đã biến việc đi học, một điều tưởng chừng đơn giản của bao đứa trẻ, lại trở thành mơ ước. Ở tuổi ăn, ở tuổi học, các em xứng đáng được đến trường, được yêu thương, đó là điều mà chúng tôi luôn nghĩ, luôn đau đáu để làm sao kết nối các em đến với Trường Hy Vọng", anh nói.

Tại Trường Hy Vọng, các học sinh được chia thành "tiểu đội" 12 người và việc quản lý được giao cho từng giáo viên. Sự phân chia này sẽ giúp các em bảo ban, san sẻ nhau trong cuộc sống theo từng nhóm. Thầy cô ở Trường Hy Vọng đã xây dựng nên một ngôi trường mà ở đó, có một tập thể sống tự lập, chan hòa, thương quý nhau, anh chị lớn sẽ trông nom em nhỏ, cùng sinh hoạt theo nền nếp… Một giáo viên của trường nhận xét, so với những ngày đầu tiên về trường, các em đều đã có sự thay đổi rõ rệt trong tinh thần lẫn thể chất. Các bạn nhỏ biết cách chia sẻ niềm vui và sự tích cực, đồng thời không ngại thể hiện đam mê của bản thân.

Giờ đây, nơi mái ấm của niềm hy vọng, những ánh mắt buồn khôn nguôi, dáng điệu bần thần, ngơ ngác của các em học sinh dường như đã nhường chỗ cho tiếng hát rộn rã, nụ cười tỏa nắng mai. Điều kỳ diệu ấy không tự đến, mà được vun đắp bởi những tấm lòng ấm áp, giàu nặng tình người dành cho các em.