Tham vọng của Mỹ trong lĩnh vực khí hậu

Cố vấn cấp cao về năng lượng sạch của Nhà trắng, ông John D. Podesta (trong ảnh) được xác nhận sẽ thay thế ông John Kerry làm Đặc phái viên khí hậu Mỹ. Trước đó, ông Kerry tuyên bố từ chức nhằm tập trung cho kế hoạch tái tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Sau khi thông tin trên được công bố ngày 31/1, trong một bài phát biểu, ông Podesta cho biết: “Ông John Kerry đã đưa nước Mỹ quay trở lại vị thế lãnh đạo toàn thế giới trong lĩnh vực khí hậu. Tôi sẽ bảo đảm duy trì động lực đã được xây dựng từ những nỗ lực của ông”.

Ông Podesta, 75 tuổi, là chiến lược gia kỳ cựu. Ông đã hoạt động dưới ba thời Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, ông giữ chức Chánh Văn phòng Nhà trắng, chỉ đạo các chính sách môi trường. Năm 2015, ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Thỏa thuận khí hậu Paris khi đó với tư cách là cố vấn cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông cũng từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch phụ trách chiến dịch tranh cử của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton năm 2016.

Theo The Washington Post, quyết định chọn gương mặt mới vào vị trí Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ được đưa ra sau khi ông John Kerry có kế hoạch từ chức sau ba năm đảm đương vị trí này, nhằm tập trung hỗ trợ kế hoạch tái tranh cử của đương kim Tổng thống Joe Biden. Trước đó, ông Kerry đã dẫn đầu các cuộc đàm phán của Mỹ tại ba Hội nghị cấp cao về khí hậu LHQ (COP), trong đó mới nhất là COP28 được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ông Kerry đặc biệt ưu tiên khởi động lại các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là người đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán Sunnylands, thỏa thuận khí hậu trên diện rộng giữa hai nước trước COP28 diễn ra vào tháng 11/2023.

Trong một tuyên bố, Chánh văn phòng Nhà trắng Jeff Zients đã ca ngợi ông Kerry vì “những chuyến đi vòng quanh thế giới không mệt mỏi” trong ba năm qua, “đưa khả năng lãnh đạo về khí hậu của Mỹ trên bờ vực trở lại và kêu gọi các nước trên thế giới thực hiện hành động để đương đầu với biến đổi khí hậu”. Ông Zients cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục đối mặt với mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu thời điểm này và không có ai tốt hơn John Podesta để bảo đảm chúng ta làm được điều đó. Ông là một chính khách Mỹ, một nhà đấu tranh quyết liệt cho hành động táo bạo vì khí hậu và là một nhà lãnh đạo mà chắc chắn thế giới sẽ biết đến. Ông Podesta sẽ tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện những điều quan trọng nhất”.

Động thái của Mỹ diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Biden và những nỗ lực toàn cầu nhằm làm chậm quá trình nóng lên nguy hiểm của Trái đất. Ông Biden đang cố gắng hoàn thiện các quy định mạnh mẽ về môi trường vào cuối nhiệm kỳ hiện tại, trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump vận động tranh cử với cam kết hủy bỏ những hành động đó. Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống có thể ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Theo nhiều nguồn tin thân cận, Đặc phái viên khí hậu mới của Mỹ có kế hoạch tiếp tục triển khai các chương trình năng lượng sạch trong nước. Mặc dù vậy, với tư cách là đặc phái viên về khí hậu trên thực tế, Podesta chắc chắn sẽ được kêu gọi giải quyết xung đột và duy trì liên lạc với các đồng minh và cường quốc trong Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc.

Hiện, ông Podesta giám sát việc thực thi Đạo luật Giảm lạm phát. Đạo luật này đã dành hàng nghìn tỷ USD để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi quốc gia sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác. Đây được cho là một công việc “khó nhằn”, mất nhiều thời gian. Do đó, nhiều người hoài nghi khả năng đảm đương hai vai trò cùng lúc của ông. Dù vậy, ông Podesta cho biết, với đội ngũ cộng sự năng lực hùng hậu, ông tin tưởng có thể cân bằng các trách nhiệm trong nước và quốc tế.