Theo AP, phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo mới đây, Tổng thống Iohannis bày tỏ mong muốn kế nhiệm ông Stoltenberg trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh, việc ứng cử vào chức Tổng Thư ký NATO thể hiện “khát vọng chính đáng” của Romania, quốc gia đã trải qua “những biến đổi căn bản trong hai thập kỷ qua và có thể đóng góp kinh nghiệm của mình để hình thành một tầm nhìn mới” về cách liên minh quân sự này có thể ứng phó “nhanh chóng và hiệu quả” với một loạt thách thức đa dạng và phức tạp hiện nay.
Ông Iohannis cũng cho biết, quyết định ứng cử “ghế nóng” của NATO là do những thành tích của Romania trong lĩnh vực quốc phòng, kinh nghiệm mà ông thu được trong hai nhiệm kỳ Tổng thống và “sự hiểu biết sâu sắc của ông về những thách thức mà NATO, châu Âu và đặc biệt là khu vực Đông Âu phải đối mặt. Ông cũng bày tỏ cam kết chắc chắn với các giá trị và mục tiêu cốt lõi của NATO.
Tổng thống Romania tuyên bố tranh cử khi nội bộ NATO xuất hiện xu hướng ủng hộ ứng cử viên tới từ quốc gia Đông Âu. Ông Iohannis tin rằng, NATO cần “sự đổi mới tư duy về sứ mệnh”, đồng thời xem trọng hơn sự cân bằng Đông - Tây trong liên minh. “Đông Âu cũng đóng góp quan trọng cho những thảo luận và quyết định trong NATO. Với số lượng cân bằng quan chức đến từ cả hai khu vực Đông Âu và Tây Âu, liên minh sẽ có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất nhu cầu và quan ngại của mọi thành viên”, ông Iohannis khẳng định.
Tuy nhiên, hiện ứng cử viên được coi là sáng giá nhất trong cuộc đua vào vị trí Tổng Thư ký NATO là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, khi ông nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh và Đức. Theo đó, năm 2023, Chính phủ Anh bày tỏ tin tưởng ông Rutte có thể tiếp tục bảo đảm một NATO mạnh mẽ, sẵn sàng phòng thủ và có tính răn đe.
Trong khi đó, CNN dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá ông Rutte phù hợp chức vụ đứng đầu NATO: “Tổng thống Biden ủng hộ mạnh mẽ Thủ tướng Rutte ứng cử vào vị trí Tổng Thư ký tiếp theo của NATO. Ông có hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của liên minh này, là một lãnh đạo và người truyền đạt tài năng. Sự lãnh đạo của ông ấy sẽ phục vụ tốt cho liên minh ở thời điểm quan trọng này”.
Dù vậy, chính trị gia 57 tuổi của Hà Lan vấp phải sự hoài nghi không đủ sức lèo lái NATO khi bản thân Hà Lan một thập kỷ qua không thể làm tròn cam kết tăng ngân sách quốc phòng của NATO lên mức 2% GDP.
Theo AP, quá trình chọn ra người sẽ lãnh đạo của NATO nhiệm kỳ tiếp theo dựa trên nguyên tắc đồng thuận từ toàn bộ 32 thành viên liên minh. Nguyên tắc này không bao gồm tổ chức biểu quyết, các thành viên sẽ tham gia thảo luận và tham vấn cho đến khi đạt được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên. Giới chức NATO kỳ vọng liên minh sẽ chọn được Tổng Thư ký mới trước Hội nghị cấp cao NATO vào tháng 7 tới tại Washington D.C (Mỹ), nhân kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh này.
Tổng Thư ký NATO chịu trách nhiệm chủ trì các cuộc họp và hướng dẫn tham vấn giữa các nước thành viên để bảo đảm NATO là tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận. Tổng Thư ký cũng sẽ lên tiếng thay mặt cho tất cả quốc gia thành viên, đồng thời bảo đảm những quyết sách của liên minh được đưa vào hành động.
Bất cứ ai tiếp quản chiếc ghế Tổng Thư ký NATO nhiệm kỳ tới sẽ phải giải quyết một loạt thách thức, trong đó phải cân đối kế sách hỗ trợ Ukraine, đồng thời ngăn chặn những sự cố có thể leo thang thành xung đột trực tiếp với Nga. Đó là chưa kể kế hoạch kết nạp các thành viên mới vốn đang “giẫm chân tại chỗ”, cũng như vực dậy vị thế của liên minh sau hàng loạt rạn nứt nội khối liên quan ngân sách quốc phòng chung và nguy cơ Mỹ rút khỏi NATO trong trường hợp ông Donald Trum tái đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới…