AU nỗ lực chống nạn diệt chủng

Ông Adama Dieng (trong ảnh) vừa được bổ nhiệm làm Đặc phái viên đầu tiên của Liên minh châu Phi (AU) về ngăn chặn tội ác diệt chủng và các tội ác tàn bạo hàng loạt khác. Đây là nỗ lực mới nhất của giới chức “lục địa đen” trong việc chống hệ tư tưởng hận thù và diệt chủng trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: THE NEW TIMES
Ảnh: THE NEW TIMES

Ngày 6/4 vừa qua, trên tài khoản mạng xã hội X, Chủ tịch AU Moussa Faki Mahamat đăng tải nội dung trong đó cho biết, sẽ bổ nhiệm ông Dieng người Sénégal làm Đặc phái viên đầu tiên của khối này về ngăn chặn tội ác diệt chủng và các tội ác tàn bạo hàng loạt khác. Trên cương vị mới, ông Dieng sẽ lãnh đạo các nỗ lực của tổ chức liên chính phủ gồm 55 thành viên này chống lại hệ tư tưởng hận thù và diệt chủng.

Ông Dieng, 73 tuổi, từng giữ chức Cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về vấn đề ngăn chặn nạn diệt chủng. Giai đoạn 2001-2008, ông cũng đảm nhiệm vai trò Thư ký của Tòa án Hình sự quốc tế của LHQ về vấn đề Rwanda. Theo nguồn tin từ LHQ, ông Dieng là một chuyên gia nổi tiếng về pháp lý và nhân quyền, có nhiều đóng góp trong việc củng cố nhà nước pháp quyền, thúc đẩy xây dựng năng lực trong lĩnh vực thể chế tư pháp và dân chủ.

Đánh giá về ông Dieng, đại diện AU cho biết, ông là một đặc phái viên giàu kinh nghiệm trong việc chống lại nạn diệt chủng, khi đã làm việc lâu năm tại một tòa án xét xử tội diệt chủng chống lại người Tutsi ở Rwanda. Tutsi là nhóm người lớn thứ hai trong số ba nhóm dân tộc lớn ở Rwanda, sau người Hutu.

Theo Xinhua, việc bổ nhiệm ông Dieng diễn ra trong bối cảnh AU tổ chức một sự kiện cấp cao với chủ đề “Ghi nhớ - Đoàn kết - Đổi mới” vào ngày 7/4, nhân kỷ niệm 30 năm vụ diệt chủng nhằm vào người Tutsi, vốn do chính quyền Rwanda với phần lớn người Hutu lãnh đạo tiến hành. Ước tính, khoảng một triệu người Rwanda, tức 70% dân số người Tutsi, đã bị sát hại trong 100 ngày từ 7/4 đến 15/7/1994.

Theo quyết định của các nhà lãnh đạo châu Phi, kể từ năm 2010, AU đã tổ chức kỷ niệm sự kiện diệt chủng này vào ngày 7/4 hằng năm. Sự kiện kỷ niệm năm nay do Ủy ban AU cùng Đại sứ quán Rwanda tại Ethiopia, Phái đoàn thường trực của nước này tại AU và Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Phi (UNECA) phối hợp tổ chức tại trụ sở chính của AU ở Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).

Trong lễ kỷ niệm vừa qua, Chủ tịch AU Moussa Faki chia sẻ: “Chúng ta vẫn sửng sốt, đau đớn đặt câu hỏi về sự phi lý, điên rồ dẫn tới thảm kịch diệt chủng cách đây 30 năm. Những thế lực giết người, do các hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tai hại thúc đẩy, đã truyền bá lời nói căm thù, tiến hành một cuộc diệt chủng quy mô lớn. Hành động này đã hủy diệt Rwanda – một đất nước xinh đẹp, nổi tiếng với khí hậu ôn hòa và những ngọn đồi xanh tươi. Dù vậy, Rwanda đã kiên cường vượt qua thời kỳ đen tối để trở thành quốc gia theo chủ nghĩa quân bình mới, mạnh mẽ, thống nhất vì thịnh vượng chung”.

Ông Moussa Faki cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi thảm kịch diệt chủng xảy ra, giới chức các quốc gia tại châu Phi đã không thể có những phản ứng và hành động kịp thời nhằm ngăn chặn tội ác này. “Lời nhắc nhở lịch sử trước đây đang thách thức chúng ta. Không một ai, kể cả AU, có thể tự bào chữa cho việc mình không hành động trước một cuộc diệt chủng được dự đoán trước. Chúng ta hãy can đảm để nhận ra các tội ác diệt chủng và trên hết là chịu trách nhiệm về những tội ác này”, ông Faki nhấn mạnh.

Theo AU, năm 2024 là “một thời điểm quan trọng để tôn vinh những người đã khuất, đoàn kết với những người sống sót và cùng nhau ngăn chặn những hành động tàn bạo như vậy xảy ra lần nữa”. Phó Chủ tịch Ủy ban AU, Monique Nsanzabaganwa khẳng định, trong thời gian tới ông Dieng sẽ truyền bá tư tưởng về hòa bình và lòng khoan dung trên khắp lục địa, ngăn chặn nạn diệt chủng, ngôn từ kích động thù địch và các tội ác liên quan khác ở AU.