Meta liên tiếp vướng khiếu nại

Tập đoàn Công nghệ Meta Platforms mới đây bị tám nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đệ đơn khiếu nại tập đoàn mẹ của Facebook này vi phạm các quy tắc về quyền riêng tư của khối, khi tiến hành thu thập “trái phép” lượng lớn dữ liệu của người dùng. Nếu bị xác nhận hành vi truy cập dữ liệu bất hợp pháp, Meta có thể mất 4% doanh thu hằng năm trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Một văn phòng đại diện của META tại châu Âu. Ảnh: BUSINESS POST
Một văn phòng đại diện của META tại châu Âu. Ảnh: BUSINESS POST

Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC), cơ quan bảo trợ của 45 nhóm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày 29/2 vừa qua cho biết, khiếu nại của 8 nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quốc gia bao gồm: CH Czech, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Na Uy, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha đã được gửi tới các cơ quan bảo vệ dữ liệu ở quốc gia của họ. Theo đơn khiếu nại của các nhóm trên, Meta đã vi phạm các điều khoản của luật bảo mật dữ liệu của EU mang tên Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) khi thu thập một lượng thông tin không cần thiết về người dùng của mình.

BEUC cũng cho biết, Meta đã không tuân thủ các điều khoản GDPR về xử lý công bằng, giảm thiểu dữ liệu và giới hạn mục đích, không có cơ sở pháp lý cho việc thu thập và xử lý dữ liệu của công ty. Cơ quan này nêu rõ, “gã khổng lồ” công nghệ không có cơ sở pháp lý xác đáng để biện minh cho việc thu thập dữ liệu của người dùng Facebook và Instagram.

Cụ thể, theo Euronews, tháng 10/2023, Meta ra mắt một dịch vụ đăng ký, yêu cầu người dùng châu Âu phải trả phí nếu muốn sử dụng các phiên bản mạng xã hội Facebook và Instagram không có quảng cáo. Dịch vụ không có quảng cáo có giá 9,99 euro/tháng cho người dùng web và 12,99 euro/tháng cho người dùng ứng dụng trên iOS hoặc Android. Meta khẳng định dịch vụ này là một phần nỗ lực của công ty nhằm tuân thủ GDPR.

Bà Ursula Pachl, Phó Tổng giám đốc của BEUC cho biết, Meta đã cố gắng hết lần này đến lần khác để biện minh cho sự truy cập trái phép dữ liệu người dùng. Lựa chọn “trả tiền hoặc đồng ý” không công bằng là nỗ lực mới nhất của tập đoàn trên nhằm hợp pháp sự giám sát người dùng của Meta. Phó Tổng Giám đốc BEUC khẳng định, đã đến lúc các cơ quan bảo vệ dữ liệu phải ngăn chặn việc xử lý dữ liệu không công bằng của Meta, cũng như hành vi xâm phạm các quyền cơ bản của người dân.

Bà Ursula Pachl cũng chỉ trích việc gần đây Meta ra mắt các gói thuê bao đăng ký không có quảng cáo song phải trả phí trên nền tảng Facebook và Instagram tại châu Âu - điều mà công ty này cho là nhằm tuân thủ các quy định công nghệ mới của EU. Tuy nhiên, bà cho rằng, thực chất Meta đang lợi dụng vỏ bọc danh nghĩa là bảo vệ thông tin riêng tư của người dùng để kiếm tiền từ đó.

Trước các cáo buộc từ phía EU, người phát ngôn của Meta nhấn mạnh, tập đoàn “nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình và tự tin rằng cách tiếp cận của Meta tuân thủ GDPR”. Nếu bị xác nhận hành vi vi phạm quy định GDPR, Meta có thể đối mặt án phạt lên tới 4% doanh thu hằng năm trên toàn cầu.

Tuyên bố của 8 nhóm người tiêu dùng được đưa ra sau khi các tổ chức bảo mật và cơ quan bảo vệ dữ liệu bày tỏ lo ngại tương tự về việc truy cập trái phép dữ liệu người dùng của Meta trong những tháng gần đây. Tháng 1 vừa qua, các cơ quan bảo vệ dữ liệu của Hà Lan, Na Uy và Đức đã yêu cầu Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) - tổ chức bao gồm tất cả các cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu quốc gia của EU - đưa ra ý kiến ​​về mô hình quảng cáo hành vi của “gã khổng lồ” công nghệ. EDPB dự kiến sẽ có kết luận trong vòng 8 tuần, tính đến cuối tháng 3, với khả năng gia hạn thêm sáu tuần. Tổ chức bảo mật NOYB của Áo cảnh báo, nếu mô hình Meta được hợp pháp hóa, các công ty thuộc tất cả các lĩnh vực công nghệ có thể làm theo, gây nguy hại đối với sự riêng tư của người dùng châu Âu.