EU nỗ lực “giải mã” tội phạm

Một báo cáo gần đây của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã lần đầu tiên lập bản đồ các tổ chức tội phạm nguy hiểm, đồng thời đưa ra những hướng dẫn hành động cho cơ quan thực thi pháp luật và các nhà hoạch định chính sách, nhằm bảo đảm an ninh ở Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Đức trong một chiến dịch truy quét tội phạm tại bang Saarlouis. Ảnh: AP
Cảnh sát Đức trong một chiến dịch truy quét tội phạm tại bang Saarlouis. Ảnh: AP

Ngày 5/4, Giám đốc Điều hành Europol, bà Catherine De Bolle, đã chủ trì họp báo trình bày những phát hiện chính trong báo cáo phân tích hàng trăm mạng lưới tội phạm được xem là đe dọa nhất ở châu Âu hiện nay. Báo cáo có tựa đề “Giải mã các mạng lưới tội phạm đe dọa nhất của EU” đã phân tích các tác nhân tội phạm trên toàn châu Âu, đồng thời lập bản đồ đầu tiên về các mạng lưới tội phạm có tổ chức, cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động bất hợp pháp, cách thức và địa điểm chúng hoạt động.

Những năm gần đây, Europol đã liên tục triển khai những hành động thực thi pháp luật quy mô lớn nhằm vào tội phạm có tổ chức trong khu vực. Trong đó phải kể đến vụ thu giữ cocaine tại cảng Antwerp (Bỉ) vào năm 2023, lập kỷ lục mới về số lượng ma túy thu giữ được; bắt giữ một số tên trùm ma túy đang cầm đầu những đường dây trung chuyển từ Mỹ latin vào châu Âu; hàng loạt vụ điều tra buôn người… Thông qua đó, cơ quan thực thi pháp luật tái khẳng định, tội phạm có tổ chức vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nội bộ của EU.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo, bà De Bolle cho biết: “Tội phạm thường bí mật phát triển, nhưng chúng tôi đang làm sáng tỏ hoạt động của các mạng lưới tội phạm đe dọa nhất ở EU. Báo cáo vừa công bố là nghiên cứu sâu rộng nhất về các mạng lưới tội phạm từng được cơ quan thực thi pháp luật ghi nhận ở châu Âu”. Tất cả các nước thành viên EU và 17 quốc gia đối tác của Europol đã đóng góp dữ liệu cho nghiên cứu. “Bằng cách lập bản đồ và đưa ra bộ công cụ đánh giá, báo cáo sẽ mang lại lợi thế cho những cơ quan thực thi pháp luật trong các cuộc điều tra tội phạm xuyên biên giới”, lãnh đạo Europol nhấn mạnh.

Tổng cộng đã có 821 mạng lưới tội phạm được đưa vào “giải mã”. Các mạng lưới tội phạm này có số lượng thành viên hơn 25.000 người, được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về mức độ, tính chất và hành vi phạm tội. “Chúng hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực tội phạm, từ buôn bán ma túy đến đưa người di cư trái phép, thâu tóm tài sản và các lĩnh vực khác”, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, bà Annelies Verlinden cho biết thêm. Theo bà Verlinden, báo cáo của Europol đã cung cấp một khuôn khổ để lực lượng an ninh có thể dựa vào đó đánh giá mức độ đe dọa, cách thức và địa điểm hoạt động của tội phạm, được gọi là Khuôn khổ ABCD.

Khuôn khổ này được đưa ra bằng cách phân tích toàn diện 821 mạng lưới tội phạm có trong cơ sở dữ liệu của Europol. Chẳng hạn, dựa vào kết quả bản đồ hóa bộ dữ liệu, báo cáo “giải mã” tội phạm vừa qua cho thấy, hơn 33% mạng lưới tội phạm nguy hiểm nhất ở EU đang rửa tiền thông qua bất động sản và nhiều hình thức kinh doanh bình phong khác trên khắp khu vực. Ủy viên Tư pháp châu Âu Didier Reynders cho biết: “Khi các mạng lưới tội phạm thực hiện hoạt động xuyên biên giới, sự hợp tác giữa các chuyên gia và lực lượng an ninh là rất quan trọng. Giờ đây, lần đầu chúng tôi có được những dữ liệu cần thiết về tội phạm và sẽ tiếp tục thu thập thêm thông tin để có thể tiếp tục truy tố và triệt phá những mạng lưới này”.

“Khuôn khổ ABCD đã làm sáng tỏ những dấu hiệu của tội phạm có tổ chức, phân loại những đặc điểm cơ bản của chúng như tính thích ứng (A), không biên giới (B), mức kiểm soát (C) và mức độ phá hoại (D). Đây là công cụ hoàn toàn mới trong cuộc chiến chống lại tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức, một minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết và đổi mới trong EU. Báo cáo này phản ánh cam kết vững chắc của chúng tôi trong việc bảo vệ sự an toàn và an ninh. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là bước khởi đầu và còn cần phải triển khai nhiều bước tiếp theo trong thời gian tới”, bà Verlinden giải thích.