Mất mát của ngành vật lý thế giới

Ngày 8/4 vừa qua, nhà vật lý người Anh Peter Higgs (trong ảnh), nổi tiếng với dự đoán về sự tồn tại của hạt Higgs boson, đã qua đời sau cơn bạo bệnh tại nhà riêng ở Edinburgh (Scotland) thuộc Vương quốc Anh. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với ngành vật lý thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: GETTY IMAGES
Ảnh: GETTY IMAGES

Trường đại học Edinburgh, nơi nhà vật lý nổi tiếng Peter Higgs là giáo sư danh dự, xác nhận ông đã qua đời ở tuổi 94. “Nhà vật lý Peter Higgs qua đời một cách thanh thản tại nhà sau một cơn bạo bệnh. Gia đình ông yêu cầu giới truyền thông và công chúng tôn trọng quyền riêng tư của họ vào thời điểm này”, thông báo của Trường đại học Edinburgh cho hay.

Theo The Guardian, nhà vật lý Higgs sinh tại thành phố Newcastle (Anh). Cha ông làm kỹ sư âm thanh cho Tập đoàn Phát thanh truyền hình Anh. Do tính chất công việc, gia đình ông thường xuyên phải di chuyển. Ban đầu, Higgs nghĩ mình sẽ trở thành một nhà hóa học nhưng ông sớm nhận ra bản thân “vô vọng trong phòng thí nghiệm”, kể từ đó ông quyết định theo đuổi vật lý lý thuyết. Ông lấy bằng Tiến sĩ tại Trường đại học King’s College London năm 1954. Sau đó, ông đã dành phần lớn cuộc đời để tiến hành nghiên cứu tại Trường đại học Edinburgh, nơi đã thành lập Trung tâm Vật lý lý thuyết Higgs để vinh danh ông vào năm 2012.

Nhà vật lý người Anh nổi tiếng với nghiên cứu tiên phong dự đoán khối lượng của các hạt hạ nguyên tử vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Nghiên cứu của ông dự đoán về sự tồn tại của một hạt cung cấp khối lượng cho hạt khác khi tương tác với chúng. Hạt này được đặt tên là hạt Higgs boson.

Dù vậy, phải gần 50 năm sau, các nhà khoa học tại Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) mới có thể đã tìm thấy hạt Higgs boson nhờ sử dụng máy gia tốc hạt lớn đặt trong một đường hầm dài 27 km ở khu vực biên giới Thụy Sĩ - Pháp. Đây cũng được xem là một trong những đột phá lớn nhất của lĩnh vực vật lý trong nhiều thập kỷ. Theo các nhà khoa học CERN, hạt Higgs boson có khối lượng lớn gấp 130 lần proton, nhưng không mang điện tích và spin (mô-men động lượng). Không có nó, những hạt khác sẽ không có khối lượng.

Công trình của Peter Higgs đã giúp các nhà khoa học giải thích các vụ nổ lớn (Big Bang) tạo ra vũ trụ cách đây 13,8 tỷ năm. Cụ thể, không có khối lượng từ hạt Higgs boson, các hạt không thể kết dính với nhau thành vật chất mà chúng ta tương tác hằng ngày. Hạt Higgs boson là miếng ghép còn thiếu cuối cùng của “Mô hình chuẩn”, được mệnh danh là “hạt của Chúa”, bởi có thể giúp các nhà khoa học giải thích mọi điều về hạt hạ nguyên tử và lực tự nhiên. Chính nhờ nghiên cứu này, giáo sư Higgs đã được trao giải Nobel Vật lý năm 2013 cùng với nhà vật lý người Bỉ François Englert - người cũng có dự án góp phần khẳng định nghiên cứu của ông.

Đánh giá về tầm quan trọng mà khám phá của nhà vật lý người Anh đem lại cho giới khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, đơn vị tổ chức trao giải Nobel cho biết: “Ngay cả khi vũ trụ dường như trống rỗng, hạt Higgs boson này vẫn ở đó. Không có nó, chúng ta sẽ không tồn tại, vì chính nhờ tiếp xúc với những hạt này mà các hạt khác thu được khối lượng”.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Edinburgh Peter Mathieson cũng khẳng định, Peter Higgs là “một cá nhân xuất sắc, một nhà khoa học thật sự tài năng với tầm nhìn và trí tưởng tượng đã làm phong phú thêm kiến ​​thức của con người về thế giới chung quanh chúng ta. Công trình tiên phong của ông đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn nhà khoa học và di sản của ông sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ mai sau”.

Trong khi đó, cựu chuyên gia phụ trách mảng học thuyết tại CERN, ông John Ellis đã gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của giáo sư Higgs: “Một người khổng lồ trong làng vật lý hạt nhân đã lìa trần”. Ông cũng cho rằng, sự ra đi của giáo sư tài năng người Anh là một mất mát lớn của giới khoa học thế giới.