“Thời kỳ suy thoái” của NRA

Phiên tòa xét xử Chủ tịch vừa từ chức của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) Wayne LaPierre đang gây chú ý trong công chúng nước này. LaPierre là lãnh đạo lâu năm, đã đưa NRA trở thành một trong những tổ chức vận động hành lang quyền lực nhất ở Mỹ bất chấp tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
Wayne LaPierre đến tòa án tại New York. Ảnh: REUTERS
Wayne LaPierre đến tòa án tại New York. Ảnh: REUTERS

Wayne LaPierre là một trong những lãnh đạo cốt cán đã gắn liền với quá trình phát triển của NRA. Năm 2020, ông này bị cáo buộc đưa hối lộ và chi khống hàng triệu USD của tổ chức, sử dụng số tiền này cho các hoạt động hoang phí như nghỉ dưỡng, dịch vụ máy bay riêng hay siêu du thuyền. Theo Reuters, trong phiên xét xử diễn ra ngày 23/2 vừa qua, ông Wayne LaPierre đã được yêu cầu phải hoàn trả gần 4,4 triệu USD cho NRA.

Ngoài ra, hai thành viên ban lãnh đạo khác bị xét xử trong đợt này, bao gồm cựu Giám đốc tài chính của NRA Wilson Phillips, cũng phải hoàn trả 2 triệu USD. “NRA đã không quản lý hợp lý tài sản của mình, bỏ sót hoặc trình bày sai thông tin trong hồ sơ thuế và vi phạm luật định tại New York”, hồ sơ của cơ quan điều tra nêu ra. Báo chí Mỹ đưa tin, Wayne LaPierre mới chỉ tuyên bố từ chức Chủ tịch NRA một ngày trước khi phiên tòa diễn ra. Do đó, việc điều tra hối lộ tại tổ chức này sẽ còn tiếp tục sau phiên xét xử.

Ông LaPierre năm nay 74 tuổi, đã từng trải qua các vị trí lãnh đạo, bao gồm Giám đốc điều hành và sau đó là Chủ tịch NRA, từ năm 1991. Là “gương mặt đại diện” của NRA, LaPierre cũng trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng trong quá trình định hình chính sách quản lý vũ khí tại Mỹ. Trong suốt hơn 30 năm, ông này dẫn dắt Hiệp hội bảo vệ cho các công ty kinh doanh súng đạn, đã phát triển trở thành tổ chức vận động hành lang cho việc mua bán, sử dụng súng. NRA ban đầu khuyến khích việc tham gia những hoạt động bắn súng và phổ biến sử dụng súng trường trong thể thao. Sau đó, Hiệp hội này bước vào lĩnh vực vận động hành lang chính trị. NRA ủng hộ các đạo luật hỗ trợ cấp phép, buôn bán súng, song phản đối việc thành lập một cơ quan quản lý chung về sử dụng vũ khí ở cấp quốc gia.

Những năm gần đây, NRA đã bước vào “thời kỳ suy thoái” khi vướng phải nhiều bê bối cả về tài chính và pháp lý, trong đó có cáo buộc hối lộ, chi khống kể trên. Tháng 8/2020, cơ quan điều tra thành phố New York chuyển hồ sơ đến tòa án cho thấy bằng chứng về việc thất thoát hàng triệu USD ở NRA. Cơ quan tư pháp New York trước đó đã yêu cầu đóng cửa hoạt động của Hiệp hội tại thành phố này. Năm 2021, NRA hoàn thiện đơn xin phá sản và nộp lên chính quyền bang Texas, nhưng đã bị bác bỏ. Hồ sơ tòa án cho thấy, doanh thu của NRA đã giảm 44% kể từ năm 2016, chủ yếu do số lượng thành viên giảm sút. Ở thời điểm cao nhất, số thành viên đóng phí cho Hiệp hội từng lên tới 5,5 triệu; tính đến tháng 9/2022, số thành viên đã giảm xuống còn 4,2 triệu.

Cho dù uy tín Hiệp hội suy giảm nghiêm trọng, ông LaPierre vẫn được hội đồng quản trị của NRA gồm 76 thành viên bầu lại vào năm ngoái. Một bài báo trên The New York Times cho biết, điều đó phản ánh ảnh hưởng của LaPierre trong việc gây quỹ và vận động chính sách trong những năm qua. LaPierre đã giúp NRA vận động hành lang ở Washington và các cơ quan chính quyền bang, nhằm mở rộng quyền sử dụng súng, chống lại những phong trào kêu gọi kiểm soát súng ngay cả khi tình trạng xả súng hàng loạt gia tăng trên khắp đất nước. Bạo lực liên quan súng đã trở thành “căn bệnh trầm kha” ở Mỹ, với hàng loạt vụ xả súng đẫm máu, đặc biệt là tại các trường học hay nơi công cộng, tập trung đông người.

Hiện, Giám đốc truyền thông lâu năm đang là Phó Chủ tịch của NRA Andrew Arulanandam, sẽ tạm thời thay thế vị trí điều hành tại đây. Việc ông Wayne LaPierre rút lui khỏi NRA được xem là một chiến thắng quan trọng cho những người ủng hộ kiểm soát súng. Theo ông Kris Brown, Chủ tịch nhóm phòng, chống bạo lực súng đạn Brady ở Mỹ, chia sẻ: “Phiên tòa xét xử thể hiện sự ủng hộ đối với các nạn nhân của những vụ xả súng hàng loạt, là bước tiến cho nỗ lực kêu gọi luật pháp kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn ở Mỹ”.