Theo Malta Today, các tổ chức mafia của Italy trong những năm gần đây mở rộng đáng kể hoạt động ra nước ngoài, thâm nhập hơn 45 quốc gia trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng EU, các tổ chức này có phạm vi hoạt động rộng rãi, chủ yếu ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Malta, Romania và Tây Ban Nha. Ngoài EU, Colombia, Thụy Sĩ và Mỹ cũng là khu vực hoạt động ưa thích của các băng đảng Italy.
Thành viên các nhóm tội phạm được cho là đến từ nhiều quốc gia, trong đó các vai trò then chốt của băng đảng thường được giao cho các thành viên có quốc tịch Italy, Croatia, Gruzia, Romania… Những kẻ này thường điều phối các hoạt động tội phạm, khai thác các lỗ hổng an ninh, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan thực thi pháp luật và mở rộng ảnh hưởng của tổ chức.
Các băng đảng tội phạm có tổ chức khét tiếng nhất Italy phải kể đến ‘Ndrangheta, Cosa Nostra, Camorra… ‘Ndrangheta được thành lập tại vùng Calabria nghèo khó, ban đầu chỉ thực hiện các hoạt động như cướp bóc, buôn lậu, bắt cóc đòi tiền chuộc. Kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhóm phát triển mạnh nhờ đầu tư tiền vào các dự án công và hoạt động buôn ma túy, chủ yếu là cocaine. Trong khi đó, Cosa Nostra từ lâu được biết là tổ chức tội phạm bí mật của người Sicily. Nhóm này nổi tiếng với các hoạt động như thu tiền bảo kê, buôn bán hàng cấm, mại dâm, buôn ma túy tới kinh doanh ô-tô, bất động sản…
Báo cáo có tiêu đề “Giải mã các mạng lưới tội phạm đe dọa nhất của EU” cho thấy, các mạng lưới tội phạm nguy hiểm nhất ở châu Âu hoạt động rất linh hoạt, sử dụng cơ cấu kinh doanh hợp pháp để tạo điều kiện hoặc che giấu hoạt động tội phạm của chúng. Đây là báo cáo đầu tiên lập bản đồ các đặc điểm khiến các tác nhân tội phạm trở nên đặc biệt đe dọa. Trên thực tế, 86% mạng lưới băng đảng tội phạm sử dụng vỏ bọc kinh doanh hợp pháp, bằng cách thâm nhập các doanh nghiệp cấp cao hoặc thành lập doanh nghiệp mới. Các lĩnh vực dễ bị tội phạm có tổ chức thâm nhập nhất được xác định là xây dựng, khách sạn và hậu cần…
Trước đó, tháng 5 vừa qua, Europol cũng công bố thống kê cho thấy, hiện có hơn 820 mạng lưới tội phạm đang hoạt động ở EU với hơn 25.000 thành viên. Ước tính các thành viên trong các băng nhóm này có 112 quốc tịch. Chỉ 32% tổng số mạng lưới tội phạm có thành viên chỉ đến từ một quốc gia. Các mạng lưới có thể phát huy quyền kiểm soát và tập trung mạnh mẽ vào hoạt động của mình, với sự lãnh đạo của 82% mạng lưới tội phạm đe dọa nhất định cư ở quốc gia hoạt động chính hoặc quốc gia xuất xứ của các thành viên chủ chốt. Chỉ 6% trong số các mạng có mối đe dọa lớn nhất có lãnh đạo điều phối các hoạt động từ bên ngoài EU.
Nguy hiểm nhất là các mạng lưới tội phạm này gây thiệt hại đáng kể cho an ninh nội bộ, pháp quyền và nền kinh tế của EU. Các hoạt động của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của công dân EU, như gia tăng bạo lực liên quan ma túy hoặc các cuộc chiến trên đường phố tại các thành phố EU. Theo Europol, 71% các mạng lưới này hối lộ cho giới chức địa phương mà chúng hoạt động để tạo điều kiện cho các hành vi phạm tội, cản trở việc thực thi pháp luật hoặc thủ tục tố tụng tư pháp. Hơn nữa, 68% mạng lưới sử dụng bạo lực và đe dọa như một đặc điểm cố hữu trong phương thức hoạt động của họ.
Trước tình hình đó, Giám đốc Europol Catherine De Bolle khẳng định, tất cả các mạng lưới tội phạm hiện đều nằm trong tầm ngắm của cảnh sát khu vực. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Annelies Verlinden khẳng định, EU đang thiết lập một công cụ mới trong cuộc chiến chống tội phạm nguy hiểm và có tổ chức. Dù đã khoanh vùng và có những thông tin mấu chốt về các nhóm tội phạm, song giới chức EU cũng cho rằng, đây mới chỉ là bước khởi đầu, đòi hỏi khu vực này cần có hành động cụ thể nhằm triệt phá hoàn toàn các băng đảng tội phạm trong thời gian tới.