Thách thức để “xanh hóa” Hà Nội

Phát triển đô thị gắn với tăng trưởng xanh đang là một biện pháp hữu hiệu chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Hà Nội, nhiều chính sách đang triển khai trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy hoạch… vì những mục tiêu “đô thị xanh”, “công trình xanh”.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch tu bổ, cải tạo lại nhiều công viên, vườn hoa trong thời gian tới.
Thành phố Hà Nội đang lên kế hoạch tu bổ, cải tạo lại nhiều công viên, vườn hoa trong thời gian tới.

“Chuyển động xanh” để cứu đô thị

Sự biến đổi khí hậu với xu hướng nóng lên trên toàn cầu đang tác động xấu lên môi trường sống hằng ngày. Để đối mặt tình trạng này, trong các thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị đều phải dành một phần diện tích cho cây xanh, mặt nước, bởi đây là yếu tố vô cùng quan trọng để điều hòa lượng khí thải carbon. Ngoài ra, với những tác động từ nhịp sống đô thị, những yếu tố xanh này còn phải đáp ứng và chịu được những cực đoan về biến đổi khí hậu, từ đó cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.

Trong hơn nửa thập kỷ qua, Hà Nội đã có hàng chục công trình xây dựng được cấp chứng chỉ “công trình xanh”, bước đầu cho thấy kết quả của hướng đi đúng đắn và hiệu quả trong việc phát triển đô thị bền vững. Điều này càng đáng được ghi nhận khi tính đến năm 2015, trên địa bàn Thủ đô chưa có công trình nào được cấp “chứng chỉ xanh”. Nhưng từ đó đến nay, đã có hàng chục dự án được cấp cho thấy xu hướng xây dựng các công trình, “dự án xanh” đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và nguồn lực triển khai. Đặc biệt, xu hướng “công trình xanh” đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực. Từ các dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, nhà ở), đến các công trình xã hội (trường học, bệnh viện)… đều đang được đẩy mạnh phát triển sự thân thiện với môi trường và đạt nhiều lợi ích về kinh tế-xã hội.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành Quyết định 3102/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng mới sáu công viên gồm công viên Chu Văn An, khu công viên và hồ điều hòa CV1, công viên ở khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên văn hóa-vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Ngoài ra, Hà Nội còn lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang và đầu tư xây dựng năm công viên gồm Thiên văn học, Bách thảo, Hữu nghị, vườn hoa Lý Thái Tổ và công viên văn hóa thể thao quận Đống Đa. Bên cạnh đó, cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có (mức độ 1 có ba công viên và 10 vườn hoa; mức độ 2 có 10 công viên và 22 vườn hoa). Có thể thấy, với mức độ ô nhiễm ngày càng nặng, cùng tỷ lệ cây xanh đô thị thấp (hiện nay đạt khoảng 2-3m2/người, trong khi chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của LHQ là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20-25m2/người), Hà Nội đang nỗ lực tạo chuyển biến trong công cuộc xây dựng Thủ đô theo hướng phát triển bền vững, “xanh hóa” đô thị.

Không thể thiếu cơ chế phù hợp

Tuy nhiên, tốc độ xây dựng các “công trình xanh” tại Hà Nội còn nhiều vấn đề đáng bàn. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cần được khái quát rõ hơn thuật ngữ “công trình xanh”, công trình hiệu quả năng lượng. Đồng thời, thành phố cần thực hiện một chiến lược tổng thể để yếu tố “xanh” có thể được triển khai trên cả đô thị, hạ tầng kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Trong đó, những sản phẩm “xanh” cần được ưu tiên, hạn chế thấp nhất nguồn vật liệu thô gây ô nhiễm, riêng nguồn rác thải, nước thải… cần kiểm soát chặt chẽ, cũng như việc tăng cường tái sử dụng các vật liệu cũ.

Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động đầu tư “công trình xanh”, công trình năng lượng hiệu quả, Nhà nước cần có hướng dẫn thống nhất về tiêu chí, tiêu chuẩn cho các loại công trình này. Vì thế, các cơ quan như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới. Đồng thời để các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan khoa học đánh giá, thiết lập tiêu chí, tiêu chuẩn “công trình xanh” hoặc thừa nhận các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế dựa trên khung tiêu chí, tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng hướng dẫn.

GS, TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Kiến trúc nhiệt đới (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, hiện nay, “công trình xanh” là xu hướng tiến tới của các nước trên thế giới, nhưng nhiều chính sách và giải pháp thực thi ở Việt Nam còn thiếu. Do đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc thông qua các chính sách ưu đãi về vốn, thuế; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, nhất là đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, bảo đảm cho sự phát triển đô thị bền vững.

Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu đến năm 2030, 25% vật liệu xây dựng sản xuất trong nước được chứng nhận “sản phẩm xanh”, phân khúc chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính so năm 2020, 100 công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Đến năm 2050, mục tiêu 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí “đô thị xanh”, phát thải carbon thấp.