Tết vắng một người “khó tính”

Bố chồng tôi đã về hưu từ lâu nhưng luôn giữ tác phong quân đội nghiêm trang, quyết đoán.
0:00 / 0:00
0:00

Ông luôn muốn mọi thứ trong gia đình phải nền nếp, quy củ, nhanh nhẹn, gọn gàng, nghiêm túc. Mẹ chồng tôi và các cô con dâu thường rất sợ ông, tuân thủ các mệnh lệnh của ông răm rắp.

Vì đại gia đình tôi ở trên thành phố nhưng ở quê vẫn còn bà nội và các cô, các bác nên gần Tết là bố chồng tôi phân công mẹ chồng tôi và các cô con dâu thay nhau về quê tổng vệ sinh nhà cửa, mua sắm dần các nhu yếu phẩm. Sau đó là mua sắm lương thực thực phẩm chuẩn bị cho ngày tất niên, Giao thừa và những ngày Tết, ngày hóa vàng… Nhà đông người, và đều phải đông đủ con cháu và một số anh em họ hàng trong ngày Tất niên, phải cúng đủ ba ngày Tết nên thực phẩm thật sự nhiêu khê. Chúng tôi phải lên danh sách, thời gian cụ thể, mua cái gì, đồ khô, đồ tươi, đồ đông lạnh… Rồi vàng mã, hoa quả, rượu, bánh kẹo, mứt, trà… Mới về làm dâu chúng tôi rất bỡ ngỡ, nhưng qua hai cái Tết là ai nấy đều thoăn thoắt, trôi chảy, thạo việc.

Tuy bố chồng tôi khắt khe, khó tính nhưng ông luôn sẵn sàng chỉ bảo, hướng dẫn con cháu một cách kiên nhẫn, tỉ mẩn nên dù có vụng về đến mấy cũng biết làm. Điều làm ông khó chịu nhất là những người đứng không, không nhìn ra việc để làm trong khi những người khác tất bật, vội vàng. Ông bảo đó là một sự khiếm khuyết về nhận thức. Mới nghe thì thấy hơi khó chịu nhưng càng về sau này chúng tôi càng thấm thía. Người tinh tế là phải biết nhìn nhận tình hình và ứng biến một cách nhanh nhạy, không cần phải để ai nhắc.

Ngày mồng 1 Tết. Sau khi sắp mâm cỗ cúng và mọi người đã thưởng thức mâm cơm đầu xuân, bố chồng tôi sẽ gọi tất cả con cháu lúc này đều đã xúng xính trong những bộ quần áo tươm tất, đẹp đẽ nhất, ngồi quây quần quanh bàn trà, bà nội sẽ ngồi chính giữa. Sau đó ông sẽ cầm một tập bao lì xì, đỏ chót. Ông sẽ nói vài câu rất trang trọng, nghi thức, sau đó trang trọng trao phong bao cho từng người, đầu tiên là cụ, sau đó là mẹ chồng tôi rồi đến cô chồng, rồi đến các con và cháu. Phong bì rất dày dặn và thường làm mọi người vui sướng. Điều đó chứng tỏ ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc này. Khi các con cũng có phong bao biếu lại, ông vui vẻ nhận và nở nụ cười hiếm hoi.

Rồi bố chồng tôi sẽ dẫn đầu đoàn con cháu đi vào trong làng chúc Tết các gia đình anh em họ hàng từ cao nhất xuống thấp nhất. Đoàn gia đình chúng tôi rồng rắn kéo nhau đi khắp làng như thế. Gặp ai cũng mừng gặp ai cũng chúc tụng, rất vui vẻ. Bố chồng tôi đi đầu đoàn, khuôn mặt rạng rỡ khác hẳn ngày thường. Con cháu đi sau cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ không kém.

Năm nay bố chồng tôi đã không qua được một cơn bạo bệnh. Khỏi phải nói, từ bà nội đến cô chồng, mẹ chồng, các con cháu và anh em họ hàng chúng tôi sốc và sững sờ như thế nào.

Nhưng rồi người sống vẫn tiếp tục phải đi trên con đường của mình, mọi người trong gia đình tôi dần dần hiểu như vậy khi những nụ đào bắt đầu nảy nở trên cành. Tuy bố chồng tôi không còn nhưng cả cuộc đời ông là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho con cháu của mình. Chính sự nghiêm chỉnh, khắt khe, yêu cầu mọi thứ phải tuyệt đối của ông đã khiến chúng tôi đã biết chủ động quán xuyến mọi việc trong gia đình, tiến hành mọi việc trơn tru. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc, thực hiện nền nếp gia phong như khi ông vẫn ở đây.

Trên con đường làng, sẽ lại có một đoàn con cháu đi chúc Tết từng nhà, dẫn đầu là mẹ chồng tôi…