Qua việc nhà văn Annie Ernaux nhận Giải Nobel Văn học năm 2022

Tài năng và trách nhiệm xã hội

Ngày 10/10/2022, dư luận báo chí Pháp và thế giới xôn xao về tin nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao Giải thưởng Nobel Văn học. Xôn xao, dù nhiều người vẫn nghĩ sự kiện này sớm hay muộn rồi cũng sẽ diễn ra. Annie Ernaux là nhà văn nữ đầu tiên của nước Pháp nhận Giải Nobel và là người phụ nữ thứ 17 trên toàn thế giới đón nhận giải quốc tế bề thế trong lĩnh vực văn chương này.
0:00 / 0:00
0:00
Nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux. Nguồn: www.annie-ernaux.org
Nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux. Nguồn: www.annie-ernaux.org

Năm ngoái, cũng vào dịp này, bà cụ tuổi ngoài 80 nhìn dáng người có vẻ hom hem nhưng vô cùng thông tuệ ấy sống một mình trong căn biệt thự nhỏ không mấy xa trung tâm Paris, nhận được tin bà được Giải thưởng Nobel Văn học. Hóa ra là tin rác. Bực bội, bà ngồi bệt xuống bậc cầu thang nhà, lầm bầm một mình: "Ta thề từ nay ta chẳng buồn để ý những loại tin kiểu này trên các mạng nữa". Thực tế, đón nhận giải thưởng là việc không lạ đối với cây bút nữ xuất sắc, giảng viên đại học về văn chương đương đại. Trong cuộc đời cầm bút bà đã ẵm hai chục giải quốc gia và quốc tế. Gần hơn cả, năm 2019, bà vừa nhận Giải của Viện Hàn lâm Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, và mới năm ngoái 2021, vào thời điểm tin rác ấy lọt vào mắt bà cũng là năm bà được trao giải của một tổ chức Liên hiệp văn học được sự bảo trợ của công quốc Monaco mang tên Giải Hoàng tử Pierre de Monaco.

Thế nhưng, năm nay cái tin ấy lại đến với bà cũng vào sáng sớm, giữa lúc bà cụ đang đứng bếp chuẩn bị bữa ăn lót dạ. Lần này không phải tin rác mà là thông tin được long trọng công bố qua Đài phát thanh quốc gia. Thế là bà đồng ý chấp thuận lời mời, ngay trong chiều hôm đó sẽ là nhân vật chủ chốt tại một cuộc họp báo được phát sóng trọng thể qua France Inter trực thuộc Đài phát thanh quốc gia Pháp. Đến chiều, rất đông nhà báo Pháp và quốc tế tề tựu, tranh nhau đặt câu hỏi, những câu nghiêm trang và những câu móc ngoáy. Nhà văn cao niên trả lời rõ ràng, dí dỏm, thông tuệ tất cả bốn mươi câu hỏi các nhà báo nêu lên về nội tâm và sự nghiệp văn chương của mình trong cuộc sống Pháp thời nay.

Nhà văn Annie Ernaux bước vào con đường văn chương có phần hơi muộn. Tác phẩm đầu tay của bà được trình bạn đọc năm 1974, lúc này nhà giáo đã 34 tuổi, khá quen thuộc với tư cách một giảng viên đại học sắc sảo về văn chương đương đại. Đó là cuốn tiểu thuyết tự truyện. Qua chừng 100 trang sách, tác giả bộc bạch về cuộc đời một cô gái sinh ra và lớn lên trong môi trường bình dân, "Những ngăn tủ rỗng". Qua các dòng hồi ký, tác giả giãi bày cuộc sống nội tâm và qua đó phản ánh cuộc sống xã hội. Sau đó, bà liên tiếp công bố hơn hai chục tác phẩm văn chương, nhiều cuốn được chuyển ngữ 40 tiếng nước ngoài, và tác giả đã được trao cả một tá giải danh giá như vừa nói ở trên. Năm 2016, nhà văn lúc này về tuổi đời đã vượt qua mốc cổ lai hy lại quay về thể tiểu thuyết tự truyện, qua tác phẩm nhan đề "Hồi ức thiếu nữ". Có vẻ như tác giả vẫn cứ day dứt do trong hồi ký trước chưa thổ lộ hết, chưa nói đủ về mình và mọi chuyện đời chăng. Nội tâm một cô gái mười tám giữa cuộc sống xã hội những năm nào: mối tình vụng trộm, quan hệ lần đầu với một chàng trai thô bạo để rồi phải lén lút phá thai, nỗi day dứt suốt đời về những sai lầm tuổi mới lớn, chứng bệnh ung thư vú của phụ nữ, v.v. Cuộc sống nội tâm một thiếu nữ phơi bày cuộc sống xã hội cùng với những tâm tư.

Sang năm sau, 2017, nữ nhà văn ẵm Giải thưởng Marguerite Yourcenar về toàn bộ các tác phẩm của đời bà.

Đi đôi với tài năng văn học, nhà văn Annie Ernaux được đặc biệt hoan nghênh và kính trọng một phần còn vì quan điểm chính trị cấp tiến. Lần tổng tuyển cử nào ở Pháp, nữ nhà văn cũng ủng hộ các chính khách cánh tả. Nhà văn đồng hành về tinh thần với những người lao động qua các cuộc biểu tình liên tục diễn ra trong toàn nước Pháp mấy năm gần đây đòi tăng lương, cải thiện các điều kiện làm việc..., mang tên "Phong trào Áo cánh vàng" - loại áo những người lao động vẫn khoác bên ngoài trang phục những khi làm ăn kiếm sống. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lúng túng trong việc đối phó, cuối cùng đành dựa vào một sắc lệnh mới ban hành là cấm tụ hội đông người ở những nơi công cộng nhằm hạn chế Covid-19 lây lan mà tạm chặn phong trào.

Đại dịch Covid-19 tràn vào nước Pháp làm các nhà cầm quyền lúc đầu có phần loay hoay do thiếu chủ trương nhất quán và chưa có đủ các phương tiện chống đỡ. Nhà văn Annie Ernaux công bố luôn một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Macron, được các phương tiện truyền thông Pháp lan truyền rộng khắp. Mỗi lần có dịp nói về quê hương Normandie nơi bà chào đời, nhà văn nữ dường như không kìm được những lời đắng cay, chua chát. Điều đó có lẽ bởi Annie Ernaux là con gái một gia đình nghèo nhưng xuất sắc trong việc học hành, gia đình sinh sống dựa vào một cửa hiệu của bố mẹ vừa bán hàng tạp hóa vừa bán cà-phê. Mặc dù vậy, khi đưa tin về việc nhà văn nữ Pháp nhận Giải Nobel, báo Paris-Normandie, một trong số nhật báo thanh thế nhất nước Pháp ngày nay, vẫn trịnh trọng bày tỏ "niềm tự hào về cô gái người Normandie".

Đọc báo Le Monde qua mạng, tôi tình cờ gặp một tên báo nghe là lạ, báo Slate.fr. Tới khi đọc lướt tất cả các trang của số báo ra hôm ấy, qua lời đáp câu hỏi tờ báo tự đặt ra "Chúng tôi là ai", tôi mới biết Slate.fr là một magazine trực tuyến chuyên trình bày thời sự về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, công nghệ, văn hóa, xã hội. Cơ quan này do một số nhân vật lừng danh cùng đứng tên sáng lập, với sự tài trợ của một tập đoàn doanh nghiệp hùng hậu. Bất kỳ ai cũng có thể vào mạng đọc báo không mất tiền, qua đó thoải mái nghe cách tờ báo ấy phân tích qua các thể loại bình luận, điều tra, xem tranh ký họa, ảnh chụp và video soi tỏ các vấn đề thời sự cùng những hiện tượng xã hội nổi bật ở Pháp. Báo Slate.fr số tôi đọc hôm ấy có bài viết khá dài về sự kiện nhà văn nữ Annie Ernaux được trao Giải Nobel (dưới đây xin tóm lược một số ý):

Chưa bao giờ việc một nhà văn nhận được giải Nobel Văn học lại gây nên cuộc ra tay đấu kiếm trong xã hội văn chương quyết liệt tới mức này. Nước Pháp vốn nức tiếng thô bạo mỗi lần có các cuộc tranh luận văn chương nhân những dịp này. Phải chăng đây là một đặc điểm trong tính cách quốc gia Pháp.

Sự kiện nhà văn Annie Ernaux năm nay phản ánh sự hằn học vẫn luôn khuấy động giới "cực hữu" về chính trị đã đành, mà lần này cả giới "cực trung" tại Pháp nữa. "Phái hữu chĩa mọi mũi nhọn vào nhà văn được giải là chuyện dễ hiểu. Người ta cố tình không nhìn thấy cái tài nơi con người ấy. Trong khi đó cánh tả nhiệt liệt tôn vinh hết mức tài năng, đức độ, trí tuệ một cây bút sắc sảo lại có quan điểm chính trị rõ ràng". (Slate.fr, tháng 10/2022).