Bao giờ hết cảnh "ăn đong"?

Cứ tầm này hằng năm kể từ năm 2003, lời mời gửi tác phẩm tham dự Vòng sơ tuyển giải Oscar năm tiếp theo cho phim nước ngoài lại được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chuyển tới các đơn vị sản xuất phim trong nước. Một Hội đồng tuyển chọn cấp quốc gia đồng thời được thành lập, để tìm ra gương mặt xứng đáng đại diện Việt Nam tham dự giải thưởng điện ảnh tầm vóc toàn cầu kể trên.
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ".
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ".

Vẫn thụ động "so bó đũa chọn cột cờ"

Động thái nói trên có thể được xem là duy nhất của cơ quan quản lý Nhà nước, mỗi năm, trên lộ trình hiện thực hóa giấc mơ đưa phim Việt Nam ra với đấu trường quốc tế.

Qua hơn ba thập niên tham dự Oscar, điện ảnh Việt Nam đã từng có không ít ứng cử viên được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, được dư luận đồng thuận tuyệt đối. Có thể kể đến phim của các đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh (Bụi hồng), Tony Bùi (Ba mùa), Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng), Nguyễn Võ Nghiêm Minh (Mùa len trâu), Lưu Huỳnh (Áo lụa Hà Đông)… bên cạnh tác phẩm của những gương mặt đạo diễn trong nước nổi trội như Đặng Nhật Minh (Đừng đốt), Bùi Thạc Chuyên (Tro tàn rực rỡ)…

Nhưng nhìn chung, hầu hết các "thí sinh" được chọn gửi dự giải đã tạo ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi về chất lượng nghệ thuật, rất khó được khán giả trong nước coi là "đại diện xứng đáng", chưa nói tới thuyết phục được đông đảo thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS), nhà tổ chức giải thưởng danh giá Oscar. Thực tế, Hội đồng tuyển chọn chỉ có thể thụ động "so bó đũa chọn cột cờ" trong danh sách những bộ phim hội đủ tiêu chuẩn được sản xuất năm đó. Thụ động theo kiểu "ăn đong" như thế nên mới gửi những phiên bản sơ sài của phong cách phim hành động Hollywood như Hai Phượng, Trúng số, 578- Phát đạn của kẻ điên, hay dạng phim cổ trang hời hợt kiểu Khát vọng Thăng Long, khai thác tình yêu lãng mạn tuổi mới lớn kiểu Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… tham dự giải thưởng Oscar.

Nhìn vào danh mục những phim từng "ẵm" tượng vàng Oscar của các quốc gia cùng khu vực châu Á, sẽ thấy: Câu chuyện mới lạ, in đậm dấu ấn văn hóa bản địa cùng nhãn quan độc đáo, ngôn ngữ điện ảnh sáng tạo mới là điểm nhấn giúp Ngọa hổ tàng long, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp (Trung Quốc), Ký sinh trùng, Khát vọng đổi đời (Hàn Quốc) hay Rashomon, Cậu bé và chim diệc, Vùng đất linh hồn (Nhật Bản) được trang trọng xướng tên trong lễ trao giải. Trong khi với phim Việt Nam, có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ "thi thố cho vui", hoặc như cách diễn đạt quen thuộc của giới thể thao, "đi thi để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm là chính".

Bởi thế, sau 31 năm hiện diện tại giải thưởng Oscar, Mùi đu đủ xanh (năm 1993) là tác phẩm tham dự lần đầu, cũng là cái tên duy nhất trong các đại diện điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử chính thức của Oscar. Phải nói thêm, phim được ghi danh là phim Việt Nam và được gửi dự giải Oscar theo con đường độc lập. Điểm sáng duy nhất kể từ năm 2003 hiện thuộc về Những đứa trẻ trong sương, phim tài liệu độc lập của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm,

vinh dự lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc nhất của Oscar năm 2023, trước khi bị loại ở vòng đề cử chính thức.

Chủ động đầu tư sản xuất phim dự thi, tại sao không?

Cho đến nay, Oscar là giải thưởng điện ảnh quốc tế duy nhất mà Việt Nam, đại diện là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận được lời mời tham gia chính thức từ nhà tổ chức. Những liên hoan phim quốc tế đình đám tầm thế giới và khu vực khác vẫn chỉ là điểm đến quen thuộc của các nhà làm phim độc lập, nhẫn nại từng bước nhỏ, trên hành trình nỗ lực tự thân mang phim do người Việt Nam thực hiện ra với thế giới.

Đáng buồn là ngay tại những liên hoan phim quốc tế do chính phía Việt Nam khởi xướng tổ chức trong hơn 10 năm qua, tình trạng thụ động, "ăn đong" trong chọn lựa phim dự giải của nước chủ nhà vẫn diễn ra. Sở hữu trong tay tới ba ngày hội điện ảnh tầm cỡ quốc tế và khu vực nhưng câu hỏi "đại diện Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) hay Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) sắp tới là tác phẩm nào" chỉ có thể tìm được câu trả lời khi thời điểm diễn ra đã cận kề. Thậm chí, tại kỳ HIFF đầu tiên tổ chức, tháng 4/2024 vừa qua, sau hàng năm trời chuẩn bị, vẫn phải chứng kiến một thực tế không vui: Trong danh mục tranh giải của hai hạng mục chính (Phim Đông Nam Á và Phim đầu tay hoặc thứ hai), không hề xuất hiện một gương mặt nước chủ nhà, trong khi các nước láng giềng như Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia đều có hai, ba phim tranh giải.

Cần nhấn mạnh là trong khi tính chủ động của ngành điện ảnh chưa cao, tâm lý "được chăng hay chớ" vẫn đang tồn tại, những nỗ lực cá nhân của các nghệ sĩ trẻ lại đặc biệt hiệu quả và mang lại những thành công rất đáng ghi nhận. Không chỉ dừng lại ở những giải thưởng đáng khích lệ cho các phim ngắn, vốn được coi như tấm danh thiếp ban đầu đưa những tên tuổi mới toanh bước vào ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, phần lớn những phim dài đầu tay mang lại vinh quang cho nước nhà thời gian gần đây đều là tác phẩm của những gương mặt rất trẻ. Mới đây nhất, Mưa trên cánh bướm của gương mặt đạo diễn nữ Dương Diệu Linh đã vượt lên 700 tác phẩm dự thi cùng hạng mục để giành hai chiến thắng, Giải thưởng Lớn và Giải Phim sáng tạo nhất, trong khuôn khổ Tuần lễ phê bình phim quốc tế tại Liên hoan phim quốc tế Venice, diễn ra từ ngày 28/8 đến 7/9/2024.

Các nhà làm phim trẻ Việt Nam hiện nay thường thai nghén, ấp ủ và triển khai dự án theo từng công đoạn trong nhiều năm, hướng tới cái đích ra mắt lần đầu và gửi dự thi, lọt vào vòng tuyển chọn của một "đấu trường điện ảnh" cụ thể ngay từ khi còn là kịch bản trên giấy. Kinh nghiệm chọn sân chơi, định vị sản phẩm hướng tới sân chơi đó một cách hiệu quả nhất của họ chính là điều mà các cơ quan quản lý có thể tham khảo và áp dụng. Đã đến lúc ngành điện ảnh cần hoạch định một chiến lược cụ thể, với những bước đi cụ thể để hướng tới cái đích in đậm cái tên Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thứ bảy thế giới. Thay vì "ăn đong", kiểu "có sao làm vậy", như bây giờ!