Sống mà nhớ lấy

Đã hơn hai năm kể từ ngày ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, một trong những đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của nhân loại dường như đã không còn là mối bận tâm lớn của mỗi con người đang sống. Những hình ảnh phố phường vắng lặng, dây cách ly giăng mắc khắp nơi, những dáng người mặc quần áo bảo hộ kín mít di chuyển vội vã hay tiếng còi xe cứu thương hú dài trong đêm vắng…, may mắn thay, đã trở thành quá vãng như rất xa xôi. Nhịp sống đời thường tất bật cuốn cả xã hội vào những guồng quay mới, dường như không ai còn muốn nhắc nhớ những ký ức đau buồn đó nữa.
0:00 / 0:00
0:00

Nhưng Covid-19, bằng một cách khác, vẫn hiện hữu trong đời sống xã hội. Tính đến ngày 27/2/2023, Việt Nam ghi nhận 11.526.905 trường hợp nhiễm Covid-19 và 43.186 trường hợp tử vong. Tôi muốn lấy mốc ngày 27/2, bởi đó chính là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày cả xã hội tôn vinh những con người làm nghề chữa bệnh cứu người, thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những nỗi vất vả, khó khăn của những người thầy thuốc. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ, đó lại là ngành nghề đang chịu nhiều hệ lụy tiêu cực nhất từ đại dịch Covid-19. Sau những mất mát, hy sinh không thể đong đếm được của đội ngũ những người chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến tranh thầm lặng suốt hơn hai năm qua, xã hội dường như vẫn đang mắc nợ họ rất nhiều, từ chế độ ưu đãi, sự tôn vinh, ghi nhận như những người anh hùng… cho đến những cơ chế để gỡ vướng giúp các bệnh viện từng đứng trên tuyến đầu chống dịch ngày ấy bớt lao đao, để có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp cứu giúp sinh mệnh con người.

Nhà văn nổi tiếng thời nước Nga Xô viết Valentin Rasputin có một tác phẩm được nhiều người Việt Nam tìm đọc: Sống mà nhớ lấy. Một tác phẩm viết về chiến tranh, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng súng, hay bóng dáng kẻ thù theo nghĩa thông thường. Câu chuyện bi kịch của tiểu thuyết nhắc nhở con người về sự hèn nhát, thói cá nhân ích kỷ vốn là điều có trong một số con người. Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, thứ "vi khuẩn" ấy sinh sôi nảy nở và tạo nên sức tàn phá khủng khiếp. Thông điệp ám ảnh ấy dường như vẫn mang đầy tính thời sự, khi đặt vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, với những đại án đang tiếp tục làm lao đao cả những kiến trúc thượng tầng.

Có lẽ, đã đến lúc cần chọn một ngày để cả đất nước nhắc nhớ về cái giá khủng khiếp mà chúng ta, và cả nhân loại, đã phải trả để vượt qua được cơn đại dịch kinh hoàng ấy. Một ngày, để những con người hôm nay biết Sống mà nhớ lấy!