Mong làm mới cách giáo dục lịch sử, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên đã xây dựng hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong không gian di tích, gieo cảm hứng hào hùng về những người lính kéo pháo năm xưa. Cách làm này sẽ tiếp tục có sáng tạo mới và đang được kỳ vọng nhân rộng trong nhiều trường học trên địa bàn tỉnh.
Vượt qua chính mình từ những xúc động về lịch sử
“Thử thách tiếp theo của chúng em phải vượt qua là thử thách tình đồng đội mang tên “Tiếp lương tải đạn”. Mỗi người phải mang cho mình 7 kg cát và một khẩu súng đi trên quãng đường 500 m. Sau khi hoàn thành thử thách em cảm thấy mình đã thật sự vượt qua chính mình, bởi khi em đã dường như sắp bỏ cuộc thì đã có những người đồng đội luôn khích lệ và giúp đỡ em… nước mắt em sắp tuôn ra bởi thấy mình thật sự rất may mắn được sống trong cuộc sống bình yên” .
Đó là một đoạn trong bài thu hoạch của một em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên sau hôm tham gia chương trình trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” trong một ngày tại khu vực Tượng đài kéo pháo ở xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Nhà trường đã phối hợp đơn vị kết nghĩa là Cụm kho K79 và Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Cụm tượng đài kéo pháo tổ chức, chia chương trình làm 3 phần: “Tiếp lương tải đạn”, “Chiến sĩ anh nuôi” và “Thử tài chiến sĩ”.
Ở phần 1, các em được “biên chế” vào những tiểu đội “hẳn hoi” gồm 12 người. Trong đó có 1 thầy hoặc cô giáo cùng 1 chiến sĩ của đơn vị kết nghĩa. Phần này thật sự là một hành trình nhọc nhằn nhưng hào hứng với các em và cả thầy giáo, cô giáo. Sang phần “nuôi quân”, các tiểu đội được chia gạo, thịt, rau, mắm muối, xoong, 2 con dao và 1 bình 20 lít nước. Xuất hiện không ít tình huống hài hước khi rổ rá không có, thớt cũng không, thầy trò phải hái lá, tìm khúc tre làm thớt, hoặc lần lượt vo gạo, rửa rau, rửa thịt trong xoong. Có nhóm lại bê bình, vặn nhỏ vòi nước để rửa từng lá rau rồi cho đến miếng thịt một cách thật tiết kiệm… Chính những cái khó làm ló cái khôn này đã giúp cho học sinh nhận ra nhiều điều. Em Tống Trung Nghĩa, lớp 10A7, thuộc tiểu đội 4 tâm sự: “Qua các phần thi leo đèo và nấu ăn với một số đồ dùng ít ỏi nhưng vẫn nấu ra những món ăn ngon cho các chú bộ đội cùng tiểu đội 4, chúng em đã có 1 buổi trải nghiệm vui vẻ và quý giá”. Còn em Vàng Thị Mai Liên, lớp 12C4 bộc bạch: “Với những vật tư không đầy đủ nhưng em đã cùng tiểu đội mình nấu được những món ăn ngon cho mọi người, điều đó cũng như làm em hình dung được những ngày tháng chiến đấu chống thực dân Pháp của bộ đội ta vô cùng khó khăn”.
Vất vả, nhưng vui tươi, sau những giờ đầu chật vật mang đeo, hành quân đường dốc nhưng hào hứng vì đã vượt qua, các em học sinh còn được tổ chức đọc thơ, múa hát và ghi lại những hình ảnh khó quên. Những bức ảnh cùng các dòng tâm sự, bài thu hoạch sau chuyến đi, rồi cuốn album được các em làm thủ công và những bức tranh vẽ cảnh kéo pháo vào trận địa, cả những bài thơ hồn nhiên đã được nhà trường lưu lại. Đọc những dòng viết ấy, cảm giác như các em đã thêm một chút trưởng thành. Có em mô tả: “Với thử thách đầu tiên đó là “Hành quân lên khu dốc nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh” dù đoạn đường dài khoảng 4 km chúng em được đi xe máy lên nhưng đã cảm thấy rất khó khăn. Một bên là núi, một bên là vực, đường xấu và dốc. Qua đó có thể cảm nhận được khó khăn mà các anh hùng chiến sĩ kéo pháo từng cm một để lên con đường ấy”. Có em liên tưởng: “Em cảm thấy rất xúc động trước sự hy sinh của chiến sĩ Tô Vĩnh Diện mà sự quyết tâm trên gương mặt các tượng đá chiến sĩ đó là gương mặt hiền từ, phúc hậu, dũng cảm, sải mình kéo pháo”.
Một số cảm nghĩ, tranh vẽ, ảnh, album của các em học sinh sau cuộc trải nghiệm. |
Gieo thiêng liêng giữa đời thường
Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên có 665 học sinh với 17 thành phần dân tộc, 93% là người dân tộc thiểu số, về lâu dài sẽ là nguồn nhân lực được bồi dưỡng, được kỳ vọng cống hiến cho tỉnh, cho đất nước. Vì thế cần có những hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục tình yêu Tổ quốc, lý tưởng sống tốt đẹp cho các em, cô Nguyễn Thị Huệ, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về những ý tưởng ban đầu để có cuộc trải nghiệm mới mẻ và hào hứng này.
Thực tế, đã có những hoạt động phối hợp với Đoàn thanh niên TP Điện Biên Phủ, nhưng tổ chức như vừa rồi, với trường là lần đầu. Và dù mới, nhưng đã “thu hoạch” thành công bất ngờ. Ngay cả với các thầy giáo, cô giáo “thử làm chiến sĩ” hôm đó, dù có người “thở không ra hơi” nhưng đều cảm ơn nhà trường đã giúp các thầy các cô vượt qua chính mình. Ban quản lý di tích thì đánh giá cao hình thức và hiệu quả hoạt động, mong có thể nhân rộng được đến nhiều trường khác. Bởi sẽ rất ý nghĩa khi học sinh được trải nghiệm thực tế bằng chính việc mô phỏng lại các hoạt động ở chiến trường xưa một cách sinh động, được nghe giới thiệu về các thế hệ cha ông giữa không gian văn hóa-lịch sử. Các em còn được lao động công ích, dọn dẹp vệ sinh trong không gian văn hóa-lịch sử như một đóng góp nhỏ và thiết thực. Cô Vũ Phương Thanh, Phó Bí thư Đoàn trường cho biết, từ các nguồn tư liệu và sau chuyến trải nghiệm, các em còn thiết kế một số tờ rơi tuyên truyền khá ấn tượng. Các em còn ghi hình cuộc trải nghiệm và có những clip sinh động về các hoạt động đã diễn ra.
“Được sống trong môi trường đất nước hòa bình, chúng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích cho xã hội, không phụ sự hy sinh của các chiến sĩ. Em mong rằng nhà trường sẽ tạo điều kiện để chúng em có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa như vậy nữa”, em Vì Thị Ngọc Ánh, lớp 10A6.
Cô Nguyễn Thị Huệ nhận xét: Tuyên truyền bằng tư liệu, bằng các tiết chào cờ, bằng hình thức sân khấu hóa… là một mảng thiên về lý thuyết. Nếu bổ sung vào đó những hoạt động trải nghiệm thực tế thì những điều thu được sẽ càng thêm ý nghĩa qua những tình cảm và đúc kết rất chân thực của các em học sinh. Niềm phấn khởi với cuộc trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” đang truyền cảm hứng cho các thầy, cô giáo để mong đợi những hoạt động mới. Đã có ý tưởng cho các em tập làm dân công hỏa tuyến với xe đạp thồ lên chiến trường Điện Biên Phủ - giả định trên một đoạn đường khó đi lại. Nếu không tìm được xe đạp thồ như thời 1954 thì hoàn toàn có thể dùng xe đạp cũ. Rồi có thể cho học sinh tập làm bếp Hoàng Cầm để các em biết bộ đội ta xưa khéo léo, tài tình thế nào. Không dám chắc các em “nấu không khói” được như yêu cầu trong quân đội, nhưng sẽ có sáng tạo linh hoạt, sẽ là một kỷ niệm hay.
Nếu làm được dài hơi và nhân lên, đó sẽ là những “khóa huấn luyện” ngắn nhưng không thuần túy chỉ để làm quen với môi trường quân đội, mà còn giúp thế hệ trẻ được “sống” cùng những câu chuyện lịch sử, được hiểu về đời sống sinh hoạt, lao động và chiến đấu của cha anh xưa tại những địa danh cách mạng, những vị trí có ý nghĩa biểu tượng an ninh, quốc phòng quan trọng. Như trong thời gian qua, ngoài hoạt động trải nghiệm trên, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên còn tham gia đề án bảo vệ đường biên Tổ quốc tại ba đồn biên phòng: Mường Pồn, Tây Trang và Mường Mươn. Cô hiệu phó Nguyễn Thị Huệ cho biết: “Một số em học sinh được các chiến sĩ biên phòng cho cùng đi lên cột mốc 89 Việt - Lào. Lên đó, các em càng cảm nhận được sự thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc”.
(Còn nữa)