Trận đánh không tiếng súng
Ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, gồm 11 đồng chí. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản thành phố Hà Nội. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, làm Bí thư Thành ủy đồng thời trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Chính phủ thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch, đồng chí Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch.
Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn và cũng là đơn vị bộ đội duy nhất thay mặt cho Trung ương về tiếp quản Thủ đô. Trong Đại đoàn có Trung đoàn Thủ đô, từng được “khai sinh” trong 60 ngày đêm “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Còn Thiếu tướng Vương Thừa Vũ từng là Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội. Theo các nguồn tài liệu, với thế trận “trong đánh, ngoài vây” (trùng độc chiến) và nhiều cách đánh thiên biến vạn hóa của chiến tranh nhân dân, đồng chí Vương Thừa Vũ cùng quân và dân Thủ đô đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.
Đầu tháng 10/1954, Đại đoàn 308 thành lập 35 tổ, dưới danh nghĩa đơn vị cảnh vệ, vào Hà Nội trước 2 ngày để cùng canh gác với lính Pháp tại 35 vị trí quan trọng như Sở Cảnh sát, Tòa Đại hình, nhà đèn Bờ Hồ, nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ… Tiểu đoàn Bình Ca đã nhận nhiệm vụ trọng yếu này. Đại tá Dương Niết chỉ huy nhóm 3 chiến sĩ tiếp quản, bảo vệ Sở Cảnh sát Bắc Việt - nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội. Nhiệm vụ khá nặng nề: phải hạn chế thấp nhất mưu đồ phá hoại hạ tầng cơ sở của Pháp; không để chúng cưỡng ép dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô. Trong khi Pháp muốn tình hình trở nên rối ren thì ta phải làm sao để hoàn thành những nhiệm vụ đó một cách khéo léo, tránh nổ súng. Đại tá Dương Niết nhớ lại, bước vào cửa đã thấy khẩu hiệu quân Pháp căng: “Có đi vào Nam hay là ở lại. Để đi vào trại của Lý Bá Xơ” (Lý Bá Xơ là giám đốc trại giam của bên ta). Bộ đội ta đã bình tĩnh trao đổi, yêu cầu Pháp tháo gỡ những khẩu hiệu gây kích động. Lúc đó quân Pháp có hơn 100 trong khi ta chỉ có vỏn vẹn 3 người canh gác, phải thức suốt ngày đêm, cảnh giác với từng hoạt động nhỏ của đối phương. Anh em hát những bài hát về hòa bình, về quê hương. Chính tiếng hát đã làm địch hoang mang, rệu rã tinh thần.
Những ngày bảo vệ các vị trí trọng yếu của Thủ đô, các chiến sĩ Bình Ca luôn tuyệt đối giữ gìn kỷ luật. Đại tá Phạm Minh Nghĩa, chiến sĩ Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 khi về Thủ đô, ông cũng vô cùng tự hào, phấn khích. Tuy nhiên các chiến sĩ phải giữ thái độ ôn hoà, tránh gây kích động, chấp hành nghiêm túc 3 nguyên tắc: không được tự ý sử dụng bất cứ thứ gì của dân; không được tiếp xúc với những người nước ngoài; không được tự ý mua bán bất cứ thứ gì. Ông Nghĩa nhớ lại, phải kiểm tra xem nước ở đó có tắm giặt được hay không. Đề phòng địch bỏ thuốc độc. Ăn uống cũng không dám tự động, phải chờ bộ phận tiếp lương thực, thực phẩm cho từng tổ…
Giữ vững nơi trọng yếu
Gần đến ngày 10/10, tình hình càng căng thẳng, thực dân Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu hủy hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao cho Chính phủ kháng chiến; ngăn trở không cho ta hàn gắn vết thương chiến tranh để chúng dễ bề thực hiện âm mưu xâm lược mới.
Khi Tiểu đoàn Bình Ca vào tiếp quản Hà Nội, ngày 4/9/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn trực tiếp Phó Chính ủy Trung đoàn Thủ đô Trần Trác, nhấn mạnh tầm quan trọng của điện, nước khi tiếp quản. Chính vì thế, các tổ thông thường chỉ có 3-6 người nhưng riêng 2 tổ tiếp quản nhà máy điện và nhà máy nước có tới 13 người chốt giữ.
Đại tá, Tiểu đoàn trưởng Doãn Thạch Khôi chỉ huy tổ tiếp quản nhà máy nước Yên Phụ. Ngay khi đến vị trí, ông Khôi đã cảm nhận được sự căng thẳng khi những vị trí quan trọng trong nhà máy Pháp vẫn chiếm giữ, quân ta chỉ được canh gác từ tầng 2 trở lên. Bắt đầu từ chiều mồng 8 tình hình càng cam go khi Pháp huy động một đại đội chở đến nhà máy rất nhiều bao tải bột trắng. Đại tá nhớ lại, anh em nhận định, trước khi đi thế nào nó cũng thả những bao tải đó. Nếu là vôi bột không thì cũng đã là lấp giếng nước, nhưng nếu là thuốc độc thì sát hại cả thành phố! Ta sẵn sàng phương án tác chiến. Đại tá Khôi phân công mỗi vị trí canh gác sẽ có 2 chiến sĩ, súng ống lưỡi lê sẵn sàng. Nếu địch xuất hiện ở giếng nước, anh em sẽ xông lên để ngăn chặn. Chi bộ nhà máy nước và anh em công nhân cũng cùng nhau phối hợp. Trực tiếp đồng chí Bí thư chi bộ nhà máy nước Yên Phụ đã bí mật bắt được liên lạc với Đại tá Doãn Thạch Khôi để thống nhất phương án. “Anh em công nhân thì nó không cho vào, nhưng người ta bí mật từ chiều mồng 9, cứ một lúc thì lại có người tuồn vào. Người thì giả vờ mang cơm, mang nước. Cuối cùng cũng đủ cả chi bộ của nhà máy nước vào được hết”, Đại tá Khôi hồi tưởng.
8 giờ sáng 10/10 là thời điểm mà Pháp phải thu quân nhưng 6 giờ sáng, chúng tiếp tục mang đến hàng chục bao tải bột trắng. Lúc đó tất cả chiến sĩ và công nhân đều xác định sẵn sàng hy sinh nếu bị bắt cóc hoặc thủ tiêu. Không nổ súng trước những hành vi gây hấn của quân Pháp nhưng nếu có biến, ta sẽ thực hiện chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”. Tất cả công nhân không mang gậy gộc, sử dụng các thùng, chậu, que gõ, sẵn sàng đứng ra trước cửa, gõ ngay nếu địch có hành động, để bộ đội chạy xuống bảo vệ.
Đến giờ phút cuối cùng, viên chỉ huy Pháp lên chào bộ đội ta để lui quân mà không có hành động gây hấn gì thêm. Khi đoàn xe đi khuất, bộ đội ôm lấy nhau, vỗ tay mừng chiến thắng. Vậy là vị trí đó, cũng như nhiều điểm trọng yếu khác của Thủ đô đã được bảo vệ toàn vẹn.
Ngày tiếp quản trọn vẹn niềm vui
Ngày 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 tiến về Thủ đô trong không khí hào hùng bao trùm khắp thành phố. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đoàn xe diễu hành đi trong tiếng reo hò của nhân dân.
Các nguồn tài liệu còn ghi lại, buổi chiều nhân dân đổ dồn về khu vực Cột cờ Hà Nội để đón chờ giây phút lá cờ Tổ quốc tung bay sau 9 năm kháng chiến trường kỳ. Đúng 15 giờ, còi Nhà hát Lớn vang lên một hồi dài, quân nhạc cử Quốc ca. Khi tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra trước máy phóng thanh, đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lịch sử bước sang trang mới. Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể...”. Đồng bào Hà Nội và các chiến sĩ lắng nghe lời Bác, không nén được xúc động. Nhất là khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay, ai nấy nước mắt rưng rưng trong giờ phút lịch sử huy hoàng của Thủ đô.
Đại tá Phùng Đệ, vốn là Vệ út quân của Trung đoàn Thủ đô, nay trực tiếp đi trong đoàn quân chiến thắng trở về nhớ mãi giây phút thiêng liêng đó: “Lịch sử nhé, cờ của mình có bao giờ được treo lên đấy đâu. Cách mạng Tháng Tám cũng không phải được vào đấy. Thế mà hôm ấy mới đúng là lịch sử được cờ đỏ sao vàng bay trên cột cờ Thăng Long. Rồi còi Nhà hát Lớn hú báo hiệu bắt đầu giờ chào cờ. Cả Hà Nội yên ắng. Xúc động lắm! Vô cùng, vô cùng cảm động! Có lẽ ngày ấy không thể quên được đối với những người Hà Nội đầu tiên”.
70 năm sau những ngày mùa thu lịch sử đó, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội như lời khẳng định cho sự lớn mạnh không ngừng của Thủ đô và toàn non nước Việt. Dù thời gian có ngày càng lùi xa nhưng công lao của cha anh đã dũng cảm, mưu lược, đoàn kết một lòng chiến đấu quên mình cho độc lập tự do của Hà Nội, của đất nước, sẽ mãi được lịch sử, được dân tộc khắc ghi.