Một tình yêu đẹp
Về thôn Quất Động (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) hỏi thăm gia đình chị Hòa - anh Bộ thì ai cũng biết, không phải vì họ giàu có vật chất mà vì nghĩa cử cho đi là nhận lại của hai vợ chồng anh chị. Anh Bộ đã mất cách đây được hơn 1 năm nhưng 2 quả thận, 1 quả tim và 1 lá gan của anh hiện vẫn còn sống trong cơ thể của 4 người khỏe mạnh cũng như nghĩa cử của anh còn sống mãi trong cộng đồng dân cư.
Chị Nguyễn Thị Hòa, 39 tuổi quê ở Sóc Sơn, Hà Nội. Chị sinh ra trong gia đình nghèo khó, mẹ bỏ đi từ sớm còn bố bị bệnh thần kinh và mù lòa. Năm 15 tuổi chị một mình xuống Hà Nội làm giúp việc và nhặt ve chai. Năm 2006 chị tình cờ quen anh Bộ khi anh đi giao hàng bằng xe ba gác. Anh Bộ vốn là người khuyết tật, lưng bị gù gập xuống vẫn chăm chỉ lao động, sống tình cảm nên hai người đã thương nhau và đi đến hôn nhân sau 2 năm tìm hiểu.
Lấy nhau chẳng có tài sản nào đáng giá, anh chị cần cù lao động và đã xây được một căn nhà nhỏ kiên cố, chị cũng đón bố đẻ từ Sóc Sơn về Thường Tín để thuận tiện chăm sóc. Năm 2011, anh chị sinh con gái đầu lòng và năm sau sinh thêm một cháu trai nữa. Để có tiền nuôi các con ăn học, chị Hòa làm đủ mọi công việc vất vả như thu nhặt ve chai, cấy thuê, gặt thuê, nuôi gà lợn, làm giúp việc. Chị còn xin nhận lại 9 sào ruộng bỏ hoang để cấy hái lấy hạt thóc ăn hằng ngày.
Anh Bộ tiếp tục công việc lái xe chở hàng, ngày nào tốt thì kiếm được 150 nghìn đồng, ngày nào ít chỉ được 100 nghìn đồng. Đến buổi chiều anh lại cùng vợ gom ve chai về nhà phân loại, tái chế rồi mang đi bán kiếm thêm tiền. Gia đình bé nhỏ tuy vất vả nhưng tràn đầy hạnh phúc, anh chị yêu thương nhau trong lúc khó khăn nhất, bần cùng nhất. Đặc biệt, anh Bộ còn tích cực tham gia công tác hội người khuyết tật tại địa phương. Anh còn làm Phó ban kiểm tra Hội Người khuyết tật huyện, giúp đỡ người khuyết tật vươn lên và từng được nhận giấy khen của các cấp trong công tác hội.
Vượt lên nỗi đau, hiến tạng cứu người
Bao năm tần tảo sớm hôm, bỗng năm 2015 chị phát hiện bị ung thư tuyến giáp, sụt cân nghiêm trọng và phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, vét hạch cổ rồi sau đó phải xạ trị. Trong những ngày điều trị tại bệnh viện, sức khỏe chị có tiến triển, đến ngày chuẩn bị ra viện chị nhận hung tin từ chị dâu báo chồng bị đột quỵ và đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp. “Tôi tức tốc đến bệnh viện thì các bác sĩ nói anh ấy bị xuất huyết não, tim ngừng đập rồi. Các bác sĩ cố gắng hồi sức tích cực cứu anh ấy trong 3 ngày nhưng không được, hôm qua anh ấy còn bảo mai sẽ đến bệnh viện đón tôi về”, chị Hòa nghẹn ngào nói.
Trong lúc đau thương nhất nhìn người chồng nằm im trên giường bệnh, chị Hòa nhớ về một buổi tối hai vợ chồng cùng xem tivi thấy một bà cụ bán hàng rong tình nguyện hiến tạng cứu người. Anh Bộ bỗng nói với vợ rằng, sau này nếu có mệnh hệ gì anh cũng mong được hiến tạng cứu người như cụ. Câu nói ấy tưởng chừng như chỉ là câu nói bình thường hằng ngày nhưng đã trở thành di nguyện của anh Bộ và chị Hòa tự nhận thấy trách nhiệm của người vợ cần thực hiện di nguyện nhân văn đó của chồng.
Cũng trong vài tháng trước khi nằm xạ trị, chị Hòa cũng chứng kiến một bệnh nhân 3 năm nằm chờ ghép tạng nhưng không có tạng ghép. Người bệnh cứ héo mòn đi từng ngày, ngóng trông và mong chờ nhưng chẳng có một tin tức nào về người hiến tạng. Chị Hòa quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức, nếu như cứu được thì tốt còn không sẽ hiến tạng anh tại đây. Cuối cùng, anh Bộ đã ra đi và chị đã ký giấy hiến tạng của chồng. Từ tạng của anh Bộ, các bác sĩ đã cứu sống 4 người gồm ghép 2 quả thận, 1 quả tim và 1 lá gan.
Chị Hòa nói thêm, Bác Hồ từng nói lương y phải như từ mẫu, tuy chị không phải là bác sĩ nhưng chị biết rằng, nếu như hiến tạng của chồng thì sẽ có thể cứu được người khác. Điều đó càng thôi thúc chị quyết định thực hiện tâm nguyện của người chồng quá cố. “Bây giờ tôi mang thi thể chồng về lo hậu sự, nếu mai táng sẽ tiêu tan vào đất, thiêu sẽ cháy thành tro bụi, tôi thấy như vậy rất lãng phí nên tôi quyết định hiến tạng của chồng để cứu người. Cho đi là còn mãi, hiến tạng giúp anh ấy vẫn còn sống cùng tôi và các con theo một cách rất đặc biệt”, chị Hòa tâm sự.
Việc hiến tạng cứu người của chị Hòa không những không ai ngăn cản mà còn nhận được sự ủng hộ của gia đình nhà chồng và bà con xóm làng, cho dù đây là việc làm trước nay chưa từng có tại địa phương. Không những thế, sau khi hiến tạng chồng cứu người, chị Hòa cũng đăng ký hiến tạng sau khi qua đời để cùng giữ lời hứa với chồng trong câu chuyện buổi tối hôm nào. Chị còn có ý định hiến giác mạc của anh cho những bệnh nhân hỏng mắt như bố của chị, chỉ tiếc rằng hai giác mạc của anh đã hỏng nên các bác sĩ không thể sử dụng được. Đến nay, 4 người được nhận tạng của anh Bộ sức khỏe đã ổn định, hồi phục tốt, đó cũng chính là niềm vui của chị Hòa, anh Bộ dưới suối vàng, cho dù đó đều là những người xa lạ, không hề quen biết trước.
Hai tháng trước vào ngày giỗ đầu của anh Bộ, một gia đình nhận tạng ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã xuống thắp hương cho anh và bày tỏ sự cảm ơn với gia đình anh chị. “Ông cụ nhận gan đã ngoài 70 tuổi nhưng sức khỏe hiện rất tốt, tôi rất vui khi biết tin đó”, chị Hòa nói.
Từ chối vào hộ nghèo
Thấy hoàn cảnh của chị khó khăn bỗng dưng trở thành chỗ dựa duy nhất cho các con và bố đẻ, trưởng thôn Quất Động đã vận động chị làm đơn hộ nghèo để được trợ cấp nhưng chị nhất quyết không làm. Chị bảo, tôi vẫn còn sức khỏe và đi thu mua đồng nát mỗi ngày cũng có đồng ra đồng vào để nuôi con nên tôi không nhận vào hộ nghèo và nhường lại cho những người còn nghèo hơn mình.
Ông Phạm Viết Sáng, Trưởng thôn Quất Động cho biết: Anh Bộ khi còn sống là một hội viên người khuyết tật năng nổ, nhiệt tình, trong gia đình anh Bộ là một người chồng, người cha mẫu mực, yêu thương vợ con, chăm chỉ lao động. Anh Bộ là người đầu tiên trong xã hiến tạng và cũng từ đó đã truyền cảm hứng cho một số người đăng ký hiến tạng, trong đó có chính vợ anh. Về phía thôn, chúng tôi rất cảm kích trước nghĩa cử của vợ chồng anh và cũng muốn hỗ trợ hoàn cảnh của chị Hòa nhưng chị Hòa muốn nhường cho những người khó khăn hơn.
Mới đây, chị Hòa đã xin được vào làm công nhân ở công ty gần nhà với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng tuy ít nhưng cũng đủ chi tiêu cho gia đình 4 miệng ăn. Một ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng dậy vệ sinh cá nhân cho bố, chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà rồi đi làm. 5 giờ chiều về, chị tranh thủ đi nhặt ve chai, trồng rau đến tối muộn. Với chị bây giờ con cái học hành khôn lớn, chị có sức khỏe để chăm bố, chăm con là điều quan trọng nhất. Chị tin rằng, dưới suối vàng chồng chị cũng sẽ mãn nguyện vì hai vợ chồng đã thực hiện được lời hứa tưởng chừng như bâng quơ trong buổi tối hạnh phúc hôm nào.
“Tôi vẫn thường dặn con rằng, bố vẫn sống bên cạnh mẹ con mình, sau này lớn lên ngoài theo đuổi ước mơ của mình các con hãy noi gương bố làm thật nhiều việc tốt, góp ích cho cộng đồng”, chị Hòa tâm sự.