KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)

Ký ức đẹp về Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng

Cùng trở về trong hàng ngũ những người lính Cụ Hồ năm ấy có bác sĩ Trần Duy Hưng, người đứng trên chiếc xe mui trần vẫy chào đồng bào dọc theo tuyến phố Hà Nội.
Gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng trên chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng trên chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

1/70 năm trôi qua, người Hà Nội thế hệ cũ lại có dịp nhớ đến khoảnh khắc trọng đại khi cờ hoa tung bay khắp bốn cửa ô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Hồi tưởng hình ảnh của Trần Duy Hưng, vị chủ tịch đầu tiên và lâu nhất của Thủ đô Hà Nội, cũng là vị chủ tịch để lại nhiều dấu ấn trong lòng dân, nhà báo, NSNA Mai Nam đã từng kể lại: Vào khoảng năm 1950-1951, lần đầu tiên tôi được gặp bác sĩ Trần Duy Hưng ở chiến khu Việt Bắc lúc ông đang là Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Thời gian này, tôi làm việc cho Trung ương Đoàn Thanh niên, được cử sang cơ quan Bộ lấy một số tài liệu cho đoàn thanh niên đi dự Festival Thanh niên thế giới. Tôi bước lên nhà sàn, nơi làm việc của ông và được đón tiếp niềm nở. Ông bắt tay ân cần hỏi “Chú đã ăn cơm chưa? Đi bộ có xa không?”. Tôi đáp đã ăn rồi và đường cũng không xa lắm khoảng 7-8 cây số thôi. Lúc ấy bác sĩ Trần Duy Hưng khoảng 30 tuổi còn tôi ngoài 20. Ấn tượng ban đầu là cảm giác dễ gần và vô cùng thiện cảm, sao ông giản dị, phong cách quần chúng làm vậy, thăm hỏi cặn kẽ cán bộ cấp dưới, khiến tôi rất cảm động và nhớ mãi đến tận ngày nay.

Trở về Hà Nội sau năm 1954, lúc này bác sĩ Trần Duy Hưng trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội còn tôi là phóng viên báo Tiền Phong. Tôi tiếp tục có nhiều dịp được gặp ông trong các ngày lễ trọng đại của đất nước, các hội nghị và những lần tiếp đón những đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.

2/Còn nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành thì không thể quên quãng thời gian đầu những năm 1960. “Khi ấy tôi là phóng viên của TTXVN nên có dịp theo bác sĩ Trần Duy Hưng đi thăm và chúc Tết bà con Thủ đô. Một sáng ngày giáp Tết, bác sĩ tới thăm hỏi cán bộ, nhân viên tại bến xe Kim Liên, Hà Nội. Tiện dịp, ông tới gần chiếc xe khách vừa từ mạn ngược về bến. Chủ tịch thành phố chào và thăm hỏi vài người trên xe bước xuống. Thấy chú bộ đội còn rất trẻ đang sắp xếp lại ba-lô và lủng củng vài bó măng khô với lồng chim gáy, ông hỏi:

Chú từ tỉnh nào về?

- Tây Bắc gần biên giới ạ.

- Trên ấy, Tết có đủ bánh chưng, thực phẩm không? Đơn vị chắc liên hoan vui lắm.

- Vui thì có vui, nhưng còn nghèo, bà con dân tộc vẫn thiếu ăn trong năm.

- Thế đơn vị chú đóng ở đâu?

- Đã nói là gần biên giới mà, nhưng ông hỏi làm gì?

Rồi sực nhớ ra điều gì, chú bộ đội buông một câu “bí mật quân sự”.

Trần Duy Hưng chỉ cười hài hước và bắt tay chú bộ đội”.

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912 (mất ngày 2/10/1988) tại thôn Hòa Thi, nay thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ông học Đại học Y Hà Nội cùng thế hệ với bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ. Từ tháng 8/1945, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Từ năm 1945 - 1946 ông là đại biểu Quốc hội khóa I. Tháng 4/1947, ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 6/1954, ông tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội (sau này là UBND thành phố Hà Nội) cho đến năm 1977 khi ông viết đơn xin nghỉ công tác. Bác sĩ Trần Duy Hưng được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vào ngày 3/2/2005.

3/Bà Trần Ánh Tuyết, con gái thứ ba của bác sĩ Trần Duy Hưng kể rằng: Giai đoạn ở chiến khu Việt Bắc quãng 1950-1951, lúc ấy tôi mới 7-8 tuổi. Gia đình tôi được Bác Hồ rất quý mến. Bác luôn thăm hỏi nơi ăn, chốn ở, sức khỏe của bố mẹ, anh em tôi, cả việc học hành của chúng tôi cũng được Bác quan tâm. Thường vào ngày chủ nhật, Bác cho các chú bảo vệ sang đón chúng tôi rồi cùng ăn cơm, chơi đùa, đến chiều các chú lại đưa về nhà. Năm ấy mẹ tôi ở cữ, bố tôi lại đi công tác xa. Nghe tin, Bác Hồ sang thăm, cho một bao gạo và quả bí đao rất dài ở vườn Bác trồng. Bác hỏi:

- Cô chú đặt tên cho cháu chưa?

- Chưa ạ!

- Thế để bác đặt tên cô chú có đồng ý không?

- Vâng, bác đặt tên cho cháu ạ - Mẹ tôi trả lời.

- Bác có bút danh Thắng Lợi, bác đặt tên cho cháu là Trần Thắng Lợi nhé.

Vậy là em trai tôi có cái tên bút danh của Bác Hồ. Năm 1954 tiếp quản Thủ đô Hà Nội, bố tôi giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Ông vẫn giản dị như ở chiến khu. Đối với các con, ông rất bình đẳng, ân cần chỉ bảo lối sống, cách làm người. Đến ngày tôi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội gặp bố tôi hỏi: “Chủ tịch có yêu cầu sắp xếp cho em Tuyết về dạy trường nào không ạ?”. Ông trả lời “Cái đó tự em nó quyết định, tôi không can thiệp”. Thời gian sau, tôi lên Ban Tổ chức Sở Giáo dục Hà Nội hỏi trường nào khó khăn nhất, xa nhất Hà Nội thì xin về dạy. Sau tôi được phân công về dạy học ở Đông Anh. Cha tôi cả một đời sống đơn giản như vậy đó.