Dồn nén nỗi đau thể xác và tinh thần
Nếu như ai mới gặp chị Phạm Thiên Trang (sinh năm 1992, sống ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) thì rất khó nhận ra chị đang sử dụng chân giả, bởi từng bước đi thành thạo của chị hiện giờ đã được tôi luyện trong sự đau đớn tột cùng. Năm 25 tuổi, Trang đang có một công việc ổn định và dự định học lên đại học thì bỗng tai nạn ập đến khiến Trang phải gác lại giấc mơ.
“Một ngày năm 2017, hôm đó tôi ngồi sau xe máy bỗng nhiên có tiếng va đập mạnh khiến tôi ngã ra đường. Ban đầu, tôi không bị ngất đi và cố đứng dậy thì thấy chân đã dập nát, tôi rất sợ và ngất đi sau đó”, Trang kể lại.
Tỉnh lại trong bệnh viện, chị Trang phải cắt bỏ chân phải lần 1 ở bệnh viện tuyến huyện nhưng chẳng may bị hoại tử. Gia đình vội vàng đưa chị lên Bệnh viện Việt Đức cắt chân lần thứ 2. Những ngày tháng nằm bệnh viện, có lúc chị hy vọng giữ lại được chân nhưng rồi lại rơi vào thất vọng khi các bác sĩ thông báo bắt buộc phải cắt chân mới giữ được tính mạng.
Những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần cứ dồn dập lên Phạm Thiên Trang. Chị còn từ chối dùng thuốc giảm đau mà cắn răng chịu đựng. Rất may, trong lúc tuyệt vọng cùng cực về tương lai, chị Trang luôn có mẹ, em trai và con gái ở bên cạnh. Họ không chỉ giúp đỡ chị mà còn là động lực tinh thần để chị quyết tâm vượt qua hoạn nạn, đương đầu với thực tại và hy vọng về tương lai.
Cô Nguyễn Thị Thược, mẹ của Trang chia sẻ: “Khi nghe tin con gái bị tai nạn giao thông nặng tôi ngã quỵ xuống và rất đau đớn, tôi phải nhờ đồng nghiệp đưa tôi đến bệnh viện. Bố Trang cũng qua đời vì tai nạn giao thông, mới giỗ đầu được một tháng thì đến lượt Trang, rất may là con còn giữ được tính mạng. Hai lần phải cắt chân vô cùng đau đớn, giá như tôi có thể chịu đau thay con lúc đó tôi cũng chịu nhưng Trang đã vượt qua được. Sau biến cố tôi thấy con gái mình cũng thật sự nghị lực”.
Làm theo lời Bác dạy
Sau vài tháng xuất viện, chị Trang bắt đầu làm quen với nạng và chân giả. Đặc biệt, khi đi chân giả khiến chị rất đau đớn nhưng chị dặn lòng rằng phải cố gắng vì việc này không ai giúp chị được cả. Muốn đi lại được phải nhờ vào chân giả này cho dù đã có lúc chị chỉ muốn quăng nó đi thật xa.
Trong công việc, chị may mắn được cơ quan bố trí công việc phù hợp với sức khỏe tại phân xưởng Cơ khí - Lắp máy - Xây dựng thuộc Công ty Môi trường - TKV giúp cuộc sống tạm đi vào ổn định và lấy lại niềm tin cuộc sống.
Chị Trang tích cực vận động và tham gia hiến máu trong nhiều năm qua. |
Vốn yêu thích làm thiện nguyện từ khi còn đi học nên dẫu sau biến cố, đi lại khó khăn hơn nhưng chị Trang vẫn hăng hái tham gia thiện nguyện. Năm 2021 Câu lạc bộ Giọt máu hồng Đất Mỏ được thành lập, chị Trang làm Phó trưởng Nhóm. “Lúc tôi bị tai nạn bị mất nhiều máu nếu không có nguồn máu hiến dự trữ ở bệnh viện thì tôi giờ không biết sẽ thế nào. Vì vậy tôi tích cực vận động hiến máu nhân đạo cũng như nhận trực tại các bệnh viện trong trường hợp cần máu khẩn cấp, tôi sẽ kêu gọi mọi người hiến máu. Bác Hồ từng dạy rằng “Tàn nhưng không phế”, tôi sẽ cố gắng làm được những việc ý nghĩa trong điều kiện sức khỏe của mình ”, chị Trang cho biết.
Ngoài ra, chị Trang còn vận động bạn bè thành lập Câu lạc bộ Thiện nguyện trẻ Quảng Ninh để thường xuyên tổ chức các chương trình quyên góp, ủng hộ cho bệnh nhân nghèo, trao viện phí hỗ trợ các bệnh nhi không may bị tai nạn giao thông, hỗ trợ mai táng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Trong thời gian dịch Covid-19, đặc biệt trong hơn chục ngày tháng 2/2021 chị Trang đã vận động được nguồn lực hỗ trợ bệnh viện dã chiến số 2 Sao Đỏ (Hải Dương), Bệnh viện Phổi Quảng Ninh và bệnh viện dã chiến số 3 huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) cùng một số điểm phòng chống dịch ở Đông Triều, Vân Đồn, Hải Hà… tặng đồ bảo hộ, tấm chắn giọt bắn, nhu yếu phẩm cần thiết với tổng trị giá hơn 84 triệu đồng. Đặc biệt, chị đã kêu gọi các nhà hảo tâm được hơn 100 triệu đồng hỗ trợ 200 người có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch.
Trong năm 2023, chị Trang đã tổ chức 25 hoạt động thiện nguyện tiêu biểu như vận động xây nhà tình thương cho thiếu nhi, hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo hay phối hợp với Huyện đoàn Đầm Hà tổ chức Đêm hội trăng Rằm; chị cùng với tình nguyện viên kêu gọi vận động được hơn 700 triệu đồng hỗ trợ dự án “Xây điểm trường - Dựng ước mơ số 2” tại bản Suối Ngang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, riêng chị Trang đã vận động được gần 200 triệu đồng, vận động được hơn 200 người tham gia hiến máu nhân đạo.
Điểm trường được khánh thành vào cuối tháng 1/2024 trong niềm hân hoan vui sướng của cô và trò bản Suối Ngang, đây cũng là dự án chị Trang vận động được số tiền lớn nhất trong năm 2023. Trung bình, cứ mỗi năm chị Trang lại vận động được từ 300 - 350 triệu đồng cho các hoạt động thiện nguyện, trong 8 năm tổng số kinh phí ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Một số giải thưởng tặng chị Phạm Thiên Trang: Giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt 2023 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2023 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023 do Tỉnh đoàn Quảng Ninh bình chọn.
Thiện nguyện kết nối tình người
Trên những nẻo đường thiện nguyện, những bước chân chị Trang đã truyền đi cảm hứng và nghị lực sống cho không ít bạn trẻ, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, xua tan sự tự ti đã đeo bám từ nhỏ. Chị Trang nhớ nhất trường hợp của em Nguyễn Hồng Thanh ở TP Cẩm Phả. “Thanh bị cong vẹo cột sống từ nhỏ, chưa một lần đứng thẳng lên được. Hoàn cảnh gia đình Thanh rất khó khăn không có tiền để thực hiện phẫu thuật. Lúc tôi biết Thanh khi em đã 14 tuổi, em càng lớn thì tật cong vẹo cột sống càng nặng khiến em rất khó thở, vậy nên tôi đã vận động kinh phí hỗ trợ em phẫu thuật. Rất may ca phẫu thuật thành công và giờ Thanh đã có cuộc sống bình thường”, chị Trang chia sẻ.
Em Nguyễn Hồng Thanh trong nét mặt rạng ngời và ánh mắt tươi sáng chia sẻ: “Hôm đầu tiên em gặp chị Trang em rất ấn tượng vì chị xinh xắn và nói chuyện thân thiện. Từ nhỏ em không dám nghĩ một ngày sẽ được phẫu thuật vì gia đình em rất nghèo, có 4 chị em thì em út bị hội chứng Down, bố mẹ chỉ làm lao động bình thường. Em cũng càng không thể tưởng tượng được rằng có một người xa lạ sẽ xuất hiện và giúp đỡ em phẫu thuật. Sau phẫu thuật em đã đi học nghề và hiện có một công việc ổn định, quan trọng hơn là em cảm nhận được yêu thương và nghị lực của chị Trang đã truyền cho em, giúp em có được cuộc sống như hôm nay”.
Chị Trần Lệ Hằng, TP Cẩm Phả, thành viên CLB Giọt máu hồng Đất Mỏ cho biết: Trang là một người rất tích cực trong CLB, tuy đi lại có phần khó khăn nhưng bạn rất nghị lực. Có lần đi thiện nguyện ở Lạng Sơn đường đi rất khó nhưng Trang đồng hành suốt chương trình tự đi bộ, leo núi đến tận những nơi gia đình khó khăn. Trang nhỏ nhắn nhưng tràn đầy năng lượng và một trái tim nhân ái luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Trong chuyến thiện nguyện tại Bình Liêu, Trang đã gặp 2 em bé bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, chị không dừng lại ở trao tặng quà mà còn vận động hỗ trợ 2 em lâu dài.
Giờ, đã 8 năm sau vụ tai nạn giao thông, mọi cơn đau đã chìm vào trong quá khứ, chị Trang chỉ mong muốn bản thân có sức khỏe để chăm sóc con gái và mẹ, làm tốt công việc ở cơ quan cũng như tích cực công tác thiện nguyện. “Mỗi ngày thức dậy thấy mọi thành viên trong gia đình khỏe mạnh là tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi sẽ cố gắng lan tỏa yêu thương đến khi nào sức khỏe cho phép”, Trang tâm sự.