KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 1)

Sáng tạo trong tôn vinh những chiến công, kỷ niệm dấu son của dân tộc đang là một gợi mở lớn. Hướng về 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch… đang diễn ra trên cả nước. Tại thành phố lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, đón những làn gió mới, nhiều cá nhân, tập thể đang trân trọng quá khứ theo cách riêng của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Các cựu chiến binh và du khách thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: KHIẾU MINH
Các cựu chiến binh và du khách thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: KHIẾU MINH

Kỳ 1: Số hóa và cộng hưởng dân gian

Xu hướng ứng dụng công nghệ và giao thoa bản sắc với các giá trị hiện đại để cùng tôn nhau lên, hai chiếc “chìa khóa vàng” này đang tạo ra những giá trị thiết thực như du lịch, trải nghiệm, giải trí… song song với ngợi ca lịch sử và bảo tồn văn hóa. Nét mới này đang được thúc đẩy qua hoạt động bảo tàng và dân vũ học đường tại Điện Biên.

Nét mới hút khách muôn phương

Trong dòng cựu chiến binh từ nhiều tỉnh, thành phố lên thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có đoàn Bắc Ninh. Các ông, bà tuổi đều đã cao, mang mặc quân phục chỉnh tề. Những phù hiệu khác nhau trên áo cho thấy mọi người từng công tác, chiến đấu ở nhiều quân, binh chủng khác nhau. Chúng tôi hòa vào những người lính một thời, nghe hướng dẫn viên thuyết minh bên các hiện vật, hình ảnh dân công tải gạo, bộ đội kéo pháo; hình ảnh Bế Văn Đàn khi đã bị thương nặng, vẫn ghé vai làm giá súng, tay nắm chắc càng súng đến lúc hy sinh; rồi cảnh quân y chăm sóc thương binh, ca mổ dưới chiến hào…

Liên tiếp, đoàn này sang điểm trưng bày khác, lại có đoàn nối vào. Nhiều cựu chiến binh Bắc Ninh bất ngờ thấy gian trưng bày chuyên đề “Bắc Ninh trong kháng chiến chống thực dân Pháp”, được chia tiêu đề: “Bắc Ninh vùng đất yêu nước cách mạng” và “Bắc Ninh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ”…

“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 1) ảnh 1

Các cựu chiến binh và du khách tham quan bức tranh toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ tại bảo tàng.

Đó là 1 trong 4 chuyên đề bày mà Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ phối hợp các địa phương thực hiện từ đầu năm 2024 đến nay: “Quân và dân tỉnh Hòa Bình đóng góp với chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Ninh Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”, “Từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972”… Như bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc bảo tàng nhấn mạnh, thì Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công của toàn quân, toàn dân cả nước. Vì thế, ngoài các trưng bày thường xuyên, bảo tàng và đồng nghiệp các địa phương phải làm sâu sắc hơn tinh thần này.

Nhiều cuộc tuyên truyền, triển lãm về chiến dịch Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Pháp đã được bảo tàng giới thiệu đến công chúng các địa bàn trong tỉnh Điện Biên, một số cuộc đưa sang tỉnh bạn. Với sự hỗ trợ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bảo tàng còn xây dựng Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” kèm theo các tour online, phối hợp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các tiết dạy sử về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đến với nhiều học sinh, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi khác. Như cuộc trải nghiệm cho hơn 100 học sinh Trường Quốc tế Bình Minh (Sơn La) đã tạo hứng thú và dấu ấn Điện Biên Phủ rất sâu đậm trong các em. Bà Tuyết Nga kể: Đến nay, dù đã được đánh giá tích cực từ nhiều kênh cũng như đông đảo người tham gia trải nghiệm, chúng tôi vẫn tiếp tục tìm những hướng đi mới, những cách làm độc đáo hơn.

Tìm hiểu thêm được biết, trải nghiệm tại bảo tàng cũng là nội dung mới, nhằm biến nơi đây thành một trung tâm giáo dục lịch sử qua các hình thức học tập, giải trí gần gũi, dễ tiếp cận. Thí dụ như cho học sinh “tập” đẩy xe thồ lương thực và nấu cơm chiến sĩ… Lịch sử có nhiều cách tiếp cận, qua sách vở, qua các câu chuyện tại bảo tàng hay các ứng dụng mới. Với quan điểm đó, cán bộ, nhân viên bảo tàng đang số hóa gần 1.000 hiện vật gốc nhằm giúp cho khách tham quan được đầy đủ và hấp dẫn hơn. Một bộ phim 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm” cũng sắp hoàn thành. Tới đây, trước thềm kỷ niệm 7/5, bảo tàng sẽ khởi động hình thức tương tác bằng công nghệ thực tế ảo. Du khách, học sinh sẽ được dùng kính thực tế ảo - Virtual Reality Glasses (AR) và công nghệ thực tế ảo - Virtual Reality (VR) để tham gia vào các game là những trận đánh mô phỏng chiến dịch Điện Biên Phủ. Lượng khách về Điện Biên cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ càng đông. “Hiện mỗi ngày đã đón 3.000, có khi 5.000 lượt khách, vì thế bảo tàng sẽ mở cửa thêm buổi tối, trước mắt là thứ 6 và thứ 7”, bà Tuyết Nga cho biết.

“Sống” cùng Điện Biên Phủ lịch sử (kỳ 1) ảnh 2

Học sinh “thử” làm dân công thồ gạo tại di tích lịch sử đồi A1.

Lan rộng vòng xòe nghìn người

Nếu như tận dụng thế mạnh công nghệ, đa dạng hóa hình thức trải nghiệm… là những nét mới hấp dẫn của hoạt động bảo tàng, thì trong phong trào văn, thể, mỹ học đường còn có một số hoạt động mới mẻ khác. Ngành văn hóa và giáo dục của tỉnh đã phối hợp tổ chức tập huấn trình diễn múa xòe cho giáo viên Đoàn-Đội ở các trường trong TP Điện Biên Phủ và các huyện lân cận. Mới đây, cuộc thi dân vũ học đường đã diễn ra rộng rãi với hơn 40 đội, gần 200 người 1 đội. Những điệu xòe truyền thống được ghi hình tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của tỉnh. Qua đó chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh.

Theo nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên, các clip được phát rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng và lan tỏa trong cộng đồng mạng, đã tạo nên không khí theo dõi sôi nổi. Đặc biệt, 12 đội của TP Điện Biên Phủ và 2 câu lạc bộ xòe đã tham gia chương trình “Lễ hội hoa ban” với 29 điệu xòe biểu diễn trên nền chủ đạo là các ca khúc mang âm hưởng về Điện Biên.

Chúng tôi gặp ông Phạm Minh, 69 tuổi, ở Quảng Yên, Quảng Ninh dưới tầng hầm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi giới thiệu bức tranh toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông lên Điện Biên lần thứ 3, thăm bảo tàng thấy nhiều nội dung hay. “Lần đầu tiên tôi được xem bức tranh lớn này, đây là một cái rất mới, vừa xem vừa nghe thuyết minh, thấy quá đỗi xúc động và tự hào”, ông Minh nói.

Được biết, từ tháng 4/2022, khi bức tranh được đưa vào khai thác, khách tham quan bảo tàng đã tăng lên 120.700 lượt khách năm 2022; 155.675 lượt khách năm 2023. Năm 2024, chỉ trong quý I, bảo tàng đã đón hơn 70 nghìn lượt khách, đến thời điểm hiện tại, đã đạt hơn 100 nghìn lượt khách, vượt xa chỉ tiêu hằng năm trước đây.

Nhiều đơn vị đang kỳ vọng sẽ tổ chức được 1 màn xòe kỷ lục của 7.000 sinh viên, học sinh, thể hiện những chủ đề gắn với các sự kiện đặc biệt của tỉnh. Nghệ sĩ Thanh Hương cho rằng: Việc khai thác bản sắc văn hóa đặc trưng của Điện Biên có thể tạo dấu ấn để tôn vinh truyền thống lịch sử, quảng bá du lịch, đồng thời gắn các giá trị lịch sử và truyền thống với du lịch một cách mềm mại, cuốn hút, giàu giá trị thẩm mỹ. Đó là một con đường ngắn cần phải đi.

Được biết, tinh thần kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được lấy làm chủ đề cho hoạt động tuyên truyền lưu động năm nay của Điện Biên. Khoảng 50-60 tuyên truyền viên thuộc các ngành nghề sẽ dự thi tại nhiều địa điểm trong tỉnh chứ không theo hình thức tập trung, “hội trường hóa”. Cách làm mới này được cho là gần dân hơn và sẽ mời gọi được sự hưởng ứng của đồng bào. Ở phạm vi rộng hơn, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 vừa qua, Hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc “Về với Điện Biên” đã có sự tham gia của 37 đội thi trong cả nước. Khai mạc tại Vĩnh Phúc, hội thi đã phục vụ rộng rãi cho nhân dân tại 32 điểm của 9 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.

(Còn nữa)