Phát triển Đảng trên chốt tiền tiêu

Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An được mệnh danh là miền đất “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong 2 cuộc kháng chiến. Hòa bình, thống nhất huyện lại bị gán tên “vùng đất trắng” vì nghèo, vì thiếu. Huyện tạo đột phát từ phát triển nguồn cán bộ ngay tại cơ sở, thời gian qua, phương châm này đã có tín hiệu vui.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi chào cờ của cán bộ, chiến sĩ Trung đội dân quân xã Mỹ Bình.
Một buổi chào cờ của cán bộ, chiến sĩ Trung đội dân quân xã Mỹ Bình.

1/Lần này chúng tôi về thăm vùng đất được mệnh danh “trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” trong kháng chiến, đó là huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Huyện nằm kẹt giữa “vựa lúa” Đồng Tháp Mười và khu Bavet “mỏ vẹt” của biên giới Việt Nam-Campuchia, vậy nhưng lại là một huyện nghèo nhất của tỉnh Long An. Theo thói thường, địa phương nào có đường giao thông thuận lợi, gần những trung tâm kinh tế lớn, người dân ở đó không phú thì quý. Huyện Đức Huệ thì ngược lại, bị coi là “vùng đất trắng” mấy chục năm sau hòa bình, thống nhất. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Huệ, Hồ Minh Phương cười trừ trước những thắc mắc của chúng tôi. Đồng chí chia sẻ huyện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, do đặc thù thổ nhưỡng, đất không phù hợp với nhiều loại cây nông nghiệp; thứ hai, đường đi dù đã được khai thông đến các xã song chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng yếu kém; thứ ba, và cũng là yếu tố quan trọng nhất đó là nguồn lực con người thiếu và yếu. Phần lớn các xã trên địa bàn huyện mới được thành lập từ 30 năm trở lại đây, di dân từ vùng khác về nhiều người không bám trụ, chống chọi được khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ càng khó, bởi thanh niên đều muốn lập nghiệp nơi khác. Ngẫm ra cũng đúng, khi có tuổi trẻ và sức khỏe ta đều muốn làm ra thật nhiều của cải để tích lũy cho sau này.

Mấy năm gần đây, thực hiện nghị quyết của tỉnh Long An về xây dựng và phát triển văn hóa, con người bảo đảm nguồn nhân lực để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, huyện Đức Huệ triển khai nhiều mô hình thu hút, đào tạo cán bộ tại chỗ. Một trong những biện pháp là tìm nguồn cán bộ từ lớp quần chúng ưu tú, đảng viên trẻ ngay tại cơ sở. Bởi qua gian lao, lửa thử vàng, tâm thế người ta càng thêm gắn bó. Ở nơi càng gian khó, càng tìm được nhiều cán bộ tâm huyết với nghề. Xã biên giới Mỹ Bình là một thí dụ về mô hình “đào tạo cán bộ” này.

2/Từ thị trấn Đông Thành - trung tâm huyện- chúng tôi theo chân Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bình Huỳnh Thị Thái Lan trực chỉ hướng tây chừng hơn 20 km. Sát đường tuần tra biên giới thì không còn đường nhựa, đường bê-tông cũng chỉ rộng vừa 1 chiếc xe ô-tô đi. Chị Lan kể rằng, hệ thống đường này cũng là mới làm mấy năm gần đây. Trước đó vùng này đúng như tên gọi “vùng đất trắng”, bởi không điện, đường, trường, trạm, thông tin liên lạc và rất vắng bóng người. Biên giới trước mặt, đó là một trảng đất trống kéo dài hàng cây số. Mùa này nước nổi, người dân có thể luồn lách đi qua các vũng nước bằng thuyền tam bản, vừa đi vừa phải tránh mấy con trâu đang đầm mình trệu trạo nhai lại thứ cỏ sũng nước cuối mùa. Chúng tôi không ghé vào trụ sở xã, bởi chị Lan cho biết giờ này cán bộ cũng đi “bám dân” hết rồi. Vậy là cả xe lên thẳng chốt tiền tiêu của Trung đội dân quân xã. Trụ sở Trung đội dân quân nằm giữa vùng trang trại xanh um của các hộ dân sinh sống sát biên giới. Kiến trúc nhà dân ở đây đồng dạng một kiểu hướng mặt về phía biên giới, xây kiểu nhà ống trước cao, sau thấp. Nhà nào cũng được trang bị bể nước hợp tiêu chuẩn vệ sinh nông thôn ở phía sau, sân vườn thoáng sạch cho thấy sự cần cùng và kỹ tính của gia chủ. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Sớm sau phút vui mừng chào đón đoàn công tác liền giải thích: Người dân quanh vùng đều duy trì nền nếp sinh hoạt theo bộ đội. Không ai bắt họ phải vậy cả, chỉ là mọi người thấy dân quân sinh hoạt có nền nếp, tác phong chuẩn mực mọi người thấy thích nên tự giác làm theo. Tôi ngắm nhìn kiến trúc 2 tầng của chốt dân quân, mô hình khá giống doanh trại quân đội song có lẽ ở mức độ nhỏ hơn. Vậy nhưng cũng đủ đầy cho sinh hoạt, bảo đảm tính linh hoạt trong sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí Sớm cho biết: Đơn vị thực hiện theo Điều lệnh quản lý bộ đội, duy trì quân số thường xuyên có mặt là 100%, trừ trường hợp cắt phép, nghỉ phép theo chế độ. Như vậy đơn vị thực hiện nền nếp không khác bộ đội chính quy, thực tế này làm thay đổi cách nhìn của nhiều người về lực lượng dân quân, du kích.

Phát triển Đảng trên chốt tiền tiêu ảnh 1

Ban chỉ huy trung đội thăm hỏi các gia đình neo đơn.

Trung đội dân quân xã hiện có 12 đảng viên, Bí thư Đảng ủy xã là Bí thư chi bộ, đồng chí Trung đội trưởng là Phó Bí thư. Các năm gần đây Chi bộ dân quân xã Mỹ Bình luôn đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đảng. Năm 2024 này, chi bộ còn “phát triển” được một cán bộ xã trong tương lai. Đó là trường hợp đồng chí đảng viên mới Trần Nguyễn Quốc Khánh mới được cử đi học lớp đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn. Bí thư Huỳnh Thị Thái Lan cho biết: Phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng là nguyện vọng của hầu hết dân quân trong trung đội. Nên biết rằng những quần chúng tham gia lực lượng dân quân xã đều là những người có tâm huyết, khát vọng xây dựng quê hương. Nhiều người từng đi làm ăn xa có thu nhập khá, nhưng khi được vận động, tuyên truyền đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với vùng đất còn nhiều khó khăn này đã tự nguyện trở về gia nhập trung đội dân quân xã. Về thu nhập, dân quân thường trực chỉ có các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn hằng ngày, chi tiêu tằn tiện một tháng để ra không quá 2 triệu đồng. Nhiệm vụ, trọng trách thì rất nặng nề, như mùa nước nổi này, lực lượng dân quân thường được điều động ra đắp đê chống nước. Ở xã Mỹ Bình có mô hình chốt dân quân gắn với hộ dân biên giới, việc giúp dân vừa là trách nhiệm nhưng cũng là nhiệm vụ. Chốt dân quân xã Mỹ Bình hiện duy trì một thửa ruộng rộng 3 ha và một vườn ươm cây giống phục vụ hoạt động nông nghiệp và làm đẹp các tuyến đường nông thôn mới. Năm nay, đơn vị đã vượt mọi chỉ tiêu về tăng gia sản xuất, thu về hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra những công tác xã hội như chăm sóc gia đình người có công, gia đình neo đơn, xây dựng cảnh quan đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp… đều được đơn vị duy trì nền nếp và kỷ luật.

3/Tôi hỏi: “Phát triển đảng viên mới, tạo nguồn cán bộ cho xã làm nhiệm vụ hệ trọng, đồng chí có bí quyết gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này”. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Sớm tâm sự: “Trước hết phải sâu sát quần chúng, thực tế trong đơn vị chúng tôi sinh hoạt với nhau 24/24 giờ nên thuận lợi nắm bắt tâm tư tình cảm của đồng chí, đồng đội. Chúng tôi thường xuyên động viên, giúp đỡ nhau trong công tác cũng như công việc gia đình, bất cứ ai có khúc mắc đều kịp thời chia sẻ từ đó nảy sinh những đôi bạn cùng tiến. Qua quá trình thực hiện chức trách chuyên môn cũng như trong sinh hoạt chúng tôi phát hiện ra những đồng chí có uy tín được đồng đội nể trọng. Đây chính là đối tượng được trọng điểm bồi dưỡng. Kinh nghiệm của thời gian phục vụ trong quân đội còn cho tôi một đánh giá khác nữa đó là tư chất và khẩu khí của quần chúng ưu tú. Mỗi buổi sinh hoạt tiểu đội, trung đội chúng tôi tạo ra không khí thân tình và dân chủ, ai có sáng kiến gì đều phát biểu, góp ý xây dựng. Qua những phát biểu này ban chỉ huy phát hiện những điển hình và kịp thời khuyến khích. Một người mà thấy cái mới không dám nói ra, cái dở không dám phản biện thì dù nhận thức có tốt đến đâu cũng khó trở thành cán bộ tốt”.

Năm 2024, Chi bộ dân quân xã Mỹ Bình kết nạp được 2 đảng viên mới và bồi dưỡng 4 quần chúng ưu tú. Theo kế hoạch năm 2025 sẽ có 2 đồng chí được đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Tìm cán bộ trong khó khăn, thử thách là một chủ trương đã được nhiều địa phương thực hiện trong thời gian qua. Thực tế cho thấy đây là cách làm hiệu quả giúp tổ chức có được nhiều cán bộ gắn với phong trào, với công việc thực tế tại cơ sở. Tuy vậy cũng cần phải có sự “nâng tầm”, đào tạo để cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn, có tầm nhìn bao quát trong các lĩnh vực.