Bộ máy nhà nước đang bất cập với yêu cầu phát triển
Ông đánh giá thế nào về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay?
Chúng ta cải cách nhưng chưa tạo dựng được tổ chức bộ máy nhà nước phát triển phù hợp với thời kỳ chuyển đổi sang quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vẫn còn tư duy cũ, bao cấp, chỉ huy, còn duy trì cơ chế xin cho. Bộ máy nhà nước đang bất cập với yêu cầu phát triển, chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của đất nước với 90 triệu dân; tính hình thức trong tổ chức và hoạt động còn nặng. Hệ thống chính trị khá nặng nề, còn lẫn lộn chức năng và nhiệm vụ chồng chéo, các đoàn thể chính trị xã hội còn bị nhà nước hóa, hành chính hóa nên hoạt động kém hiệu quả.
Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý hành chính cả đất nước từ cấp huyện trở lên chỉ gần 300 nghìn người, nhưng khối phục vụ sự nghiệp công là 2,5 triệu, chưa kể bộ phận hưởng phụ cấp, phí, cộng thêm 250 nghìn cán bộ, công chức cấp xã. Như vậy, thực chất chúng ta mới có nửa triệu người thật sự làm quản lý nhà nước, còn lại hàng triệu người có trợ cấp các loại. Con số này quá lớn đối với ngân sách nhà nước vốn ít ỏi. Hơn 400 nghìn tỷ đồng mỗi năm dùng để trả lương, đầu tư cho phát triển bị nhỏ lại, trong khi đầu tư quốc phòng an ninh không thể làm ngơ. Như vậy ngân sách nhà nước luôn trong tình trạng bội chi, chưa kể việc sử dụng ngân sách chưa hiệu quả, còn bị thất thoát, lãng phí khá nghiêm trọng.
Cần xem xét trong bản chất là mô hình quản trị đất nước chưa phù hợp. Đây là thách thức lớn nhất, cái gốc phải sửa. Rõ ràng phải thay đổi căn bản mới làm cho đất nước phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh. Bây giờ cứ loanh quanh luẩn quẩn, bộ máy thì chồng chéo, ba, bốn cấp cùng làm một việc. Cấp trên cũng làm việc của địa phương. Tôi từng đề xuất từ đầu những năm 2000 cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn, phù hợp hơn trên cơ sở của hệ thống pháp luật chứ không phải chỉ đạo trực tiếp hoặc bằng các quy định văn bản dưới luật.
Vì sao thời gian qua, càng hô hào tinh giản thì biên chế lại càng phình to, thưa ông?
Lúc nào cũng có lý do bao biện cho việc không tinh giản được biên chế và chính là không có người quyết liệt thực hiện. Những năm 2000, đã ban hành các quy định pháp luật một Bộ chỉ có một Bộ trưởng với ba Thứ trưởng, trừ trường hợp đặc biệt thêm một Thứ trưởng phải có đề án giải trình được phê duyệt. Hệ thống tổ chức còn lại là một trưởng, hai hoặc ba phó thôi, đến phó thứ ba là phải giải trình, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh một Chủ tịch và bốn Phó Chủ tịch, còn tất cả các tỉnh chỉ một Chủ tịch và ba Phó Chủ tịch. Chúng ta giữ được bao năm, sau này mới bị làm ngơ, cơ quan có trách nhiệm không sát sao quan tâm, dẫn đến tùy tiện, phong trào, lạm phát cấp phó, bộ máy phình to.
Phải nhìn nhận một thực tế bộ máy của hệ thống chính trị còn kém hiệu lực, hiệu quả, mặt khác chưa tham gia quyết liệt để thực thi các tư tưởng cải cách, thậm chí còn làm chậm và tạo ra nhiều nút thắt, nên kỳ này cần phải kiên quyết thay đổi. Tôi nghĩ Đảng đã nhận thức rõ yêu cầu cấp bách cải cách nên Hội nghị Trung ương 6 lần này đã đặt ra vấn đề tiếp tục tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, tôi đang rất hy vọng.
Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.10 (2001-2010) “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” cũng từng nhận thức rõ căn nguyên của thực trạng hệ thống chính trị nước ta cần đổi mới, cải cách. Tôi tham gia Ban Chủ nhiệm chương trình, trực tiếp làm hai đề tài đổi mới Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, đã từng kiến nghị phải sắp xếp gọn các tổ chức này để làm đúng chức năng, thật sự phục vụ dân, phản ánh ý chí và nguyện vọng của người dân.
Nhân đây tôi muốn nói về việc với hệ thống tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cồng kềnh hiện nay, đội ngũ cán bộ đã bị phân tán bởi nhiều công việc không thuộc trách nhiệm của tổ chức mình. Riêng chuyện đi họp của cán bộ đã rất mệt rồi. Ở địa phương, cán bộ lãnh đạo nói có nhiều cuộc họp cùng nội dung. Thường vụ họp, sau đó đến Ban Chấp hành, HĐND, Ban cán sự của ủy ban, lãnh đạo các Sở họp, có phải tốn thời gian không? Như vậy nạn họp đã trở thành căn bệnh. Hồi làm Tổng Thư ký cải cách hành chính, tôi đã ý thức tổng kết giữ tất cả các giấy mời họp. Cấp Thứ trưởng như tôi mỗi năm có gần 400 giấy mời đi họp. Nguyên nhân của họp nhiều có nguồn gốc từ chế độ tập thể tràn lan thì không thể không họp, mặc dù pháp luật đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu nhưng vẫn họp…Có những vấn đề luật pháp đã quy định, Quốc hội đã thông qua, trước khi trình ra Quốc hội thì Chính phủ, các cơ quan liên quan đã tổng kết, cày xới chán rồi, thế nhưng về đến cơ sở, dù có pháp luật, có chính sách rồi vẫn đòi họp.
Ông xử lý gần 400 giấy mời họp đó như thế nào?
Xử lý thế nào được, phải dự họp thôi, chưa kể họp qua điện thoại. Trung bình mỗi ngày hơn một cuộc họp, chạy sô họp đã hết ngày. Họp nhiều, không làm hết việc, đêm phải thức làm tiếp.
Tôi nhận thấy, trong quản trị, quản lý khoa học phải phân cấp rõ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng người một. Công chức của mình cũng là công chức hành chính, chung chung. Trong khí đó công chức hiện đại phân định rõ chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp làm bao nhiêu việc, quy định trong luật, là người được ký, giải quyết công việc trong phạm vi đó. Ở nước ta, vẫn việc đó các chuyên viên phải đề nghị lên Vụ phó, Vụ trưởng rồi lên Thứ trưởng để giải quyết và ký văn bản. Hiện nay, công chức làm việc gián tiếp là chủ yếu chứ không phải là người trực tiếp giải quyết về vấn đề được giao và phải chịu trách nhiệm. Ở các nước truy tìm thủ phạm rất nhanh, còn ở mình truy mãi không ra lỗi của ai, đều là lỗi tập thể hết.
Mài sắc công cụ quản lý nhà nước
Thưa ông, tại sao chúng ta không thể áp dụng phân cấp, phân quyền trong bộ máy?
Chúng ta có đủ “bài” nhưng không dùng được. Luật Cán bộ, công chức xác định rõ chế độ công vụ mới theo vị trí việc làm của công chức, giao cho công chức ở vị trí đó là bao nhiêu việc, cần hao phí thời gian bao lâu; việc nào của chuyên viên chính, của chuyên viên cao cấp. Như vậy xác định luôn thẩm quyền và trách nhiệm từ đó hình thành tiêu chuẩn chức danh công chức. Biên chế phải dựa vào cái đó, chứ không phải báo cáo, giải trình là nhiều việc lắm, nhưng việc chính không làm, việc không cần làm lại đi làm.
Tôi đã từng nói tư tưởng cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 là hãy xác định rõ việc nào của Chính phủ, Trung ương, việc nào do chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải làm. Cấp xã chỉ làm 4-5 việc thôi chứ không phải tất cả, để rồi kêu trời là nhiều việc rồi tăng biên chế. Vì sao giờ mình ban bệ, hệ thống đủ cả nhưng dân vẫn kêu, việc nhỏ 10m đất dân vẫn kêu lên đến tận Thủ tướng trong khi cấp huyện lẽ ra phải giải quyết rồi. Vì vậy, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, rõ việc và rõ trách nhiệm đối với từng cấp.
Hệ thống của chúng ta có đủ cơ quan kiểm tra giám sát như Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra nhân dân, tại sao vẫn có hiện tượng bộ máy phình to, lạm phát cấp phó, có nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên?
Hậu kiểm rất quan trọng. Các cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra, giám sát. Nếu cái gì cấp trên cũng “gật đầu” với cấp dưới là vô trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nếu không có kiểm soát, đôn đốc thì người đứng đầu có quyền lực thích lập cái này, thêm cái kia, đưa ra chẳng ai cản.
Nước ta hiện chưa có hệ thống giám sát độc lập không bị chi phối bởi các yếu tố quyền lực bị lạm dụng và lợi ích nhóm. Khi nghiên cứu, tôi thấy Singapore có bộ công cụ rất minh bạch, rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm và quyền lợi. Họ trả lương cao để bảo đảm duy trì sự trong sáng của nền công vụ, công chức nào vi phạm thì bị phạt nặng hoặc không bao giờ được vào bất cứ một cơ quan nào kể cả tư nhân. Họ làm cho xã hội dị ứng với chuyện vòi vĩnh, tham nhũng. Ở hệ thống hành chính của chúng ta vẫn còn cái sai dễ lọt cửa, hệ thống bộ máy không hiệu quả, chưa phù hợp.
Theo tôi, muốn thay đổi cần đột phá. Phải làm từ bên trên, từ hệ thống của Đảng và đoàn thể, các tổ chức của Nhà nước phải gọn lại. Để giảm số lượng biên chế viên chức khổng lồ, phải xã hội hóa, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận, phương pháp quản lý, quản trị. Khoa học về quản lý nhà nước không dung thứ cho sự tùy tiện, vô trách nhiệm, vô pháp luật. Hãy mài sắc công cụ quản lý nhà nước, công cụ pháp luật, chính sách để quản trị tốt.
Ông hy vọng gì từ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sau Hội nghị T.Ư 6 lần này?
Tôi nghĩ sẽ có chuyển động mới để điều chỉnh tổ chức bộ máy, thiết kế, sắp xếp lại hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống chính trị của chúng ta là hệ thống song trùng, thậm chí tứ, ngũ trùng, không còn phù hợp nữa. Nếu trong điều kiện chưa có chính quyền thì các tổ chức quần chúng là lực lượng cách mạng quan trọng, là chủ lực để giành chính quyền; nhưng trong điều kiện hiện nay công cụ quan trọng nhất là bộ máy nhà nước với công cụ quản lý là chính sách pháp luật và đội ngũ cán bộ công chức thực thi công vụ chuyên nghiệp và trung thành, tận tụy với sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!