Sân khấu tìm đường vượt khó

Nhìn lại quá trình hoạt động nghệ thuật thời gian qua, nhiều nghệ sĩ bày tỏ những trăn trở về nghề. Theo đó, tìm cách kéo khán giả đến với sân khấu là cả một hành trình đầy những thách thức liên tục.
0:00 / 0:00
0:00
Công diễn vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản năm 2024. Ảnh: LÊ MINH
Công diễn vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản năm 2024. Ảnh: LÊ MINH

1/ “Trong nhiều năm trở lại đây, sân khấu vẫn chấp chới, chơi vơi trong nhiều công tác như tổ chức, cách tiếp cận khán giả, hoặc nỗi đau đáu làm thế nào để có tác phẩm hay. Cá nhân tôi và nhiều anh chị em nghệ sĩ nói chung mong khán giả sẽ cởi mở hơn với sân khấu. Từng diễn viên luôn ý thức cần mang tới cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật cao trong khả năng, điều kiện của mình. Bởi vậy, chúng tôi vẫn trau dồi, rèn giũa để chờ đến ngày được trình diễn trước khán giả những gì tâm huyết, tinh túy nhất”, diễn viên Nguyễn Thu Quỳnh của Nhà hát Tuổi trẻ bộc bạch.

Nhiều nghệ sĩ đồng tình với chia sẻ của diễn viên Thu Quỳnh về những vấn đề lớn mà các nhà hát, đơn vị nghệ thuật truyền thống và hiện đại đang gặp phải nhiều

năm qua.

Hơn 45 năm lăn lộn với nghề, từng kinh qua các vị trí từ diễn viên tới giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung cho rằng, cái khó đầu tiên là quản lý nhân lực, bởi các diễn viên trẻ một nửa là không được vào biên chế hay hợp đồng mà theo kiểu bán thời gian. Nhiều diễn viên chính tài năng thì phần lớn đang đi làm phim chưa về được. Họ cũng phải làm nhiều việc để duy trì cuộc sống và khát vọng với nhà hát. Các diễn viên lớn tuổi có biên chế lại khó đóng vai trẻ. “Nhiều khi cứ hô hào tinh giản biên chế, nhưng nghệ sĩ cũng như nhà khoa học phải mất nhiều năm khổ công đào tạo, chọn bao nhiều người mới được một vài tài năng. Bởi vậy, trong điều kiện vật chất còn hạn chế, ban lãnh đạo nhà hát vẫn cố gắng tạo điều kiện cho các diễn viên vừa mưu sinh vừa giữ khát vọng gắn bó với nhà hát”, NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Hiện nay, trình độ, thị hiếu và điều kiện của khán giả đã tiến rất nhiều nhưng mô thức làm nghệ thuật dường như đã cũ, chỉ còn phù hợp với thời kỳ trước. Không thể kêu gọi khán giả yêu sân khấu, mà phải tìm hướng đi mới thông qua những vở diễn, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu đương đại. Chỉ nói riêng việc thiếu những kịch bản hay cho sân khấu cũng đã cho thấy “độ trễ” này. “Sân khấu đang thiếu những kịch bản hay mang hơi thở thời đại này, bởi thế các đơn vị nghệ thuật vẫn phải tìm kịch bản cũ của các tác giả lớn của thời kỳ trước như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình... Nhưng sân khấu là sự phản ánh hiện thực của đời sống hiện tại, nên rất cần nhà biên kịch trẻ nhiệt huyết giúp cho sân khấu hấp dẫn hơn”, diễn viên Thiện Tùng bày tỏ.

2/Trong “cái khó ló cái khôn”, cụ thể thời gian qua một số đơn vị nghệ thuật tiên phong như Nhà hát Tuổi trẻ hay Nhà hát kịch Hà Nội đã có những tìm tòi đáng chú ý. Trước hết, hiện nay cả hai đơn vị đều định hướng tới sự giáo dục, tiếp cận và khơi dậy cảm hứng nghệ thuật từ sớm trong các khán giả trẻ. Thí dụ như Nhà hát Tuổi trẻ năm nay chào xuân bằng chương trình mang tên “Tiếng vọng mùa hè”, hướng tới nội hàm giáo dục nhân cách con người bằng những tiếng cười dung dị, nhẹ nhàng, xâu chuỗi từ ba vở hài kịch. Song song với các dòng kịch như kịch chính luận, dòng kịch Lưu Quang Vũ, sắp tới nhà hát còn có sự đầu tư hơn về dòng nhạc kịch, hợp tác đưa từ nước ngoài về từ âm nhạc, biên đạo cho tới việc mời cả đạo diễn nước ngoài. Trong khi đó, đề án “Sân khấu học đường” của Nhà hát Kịch Hà Nội đang nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía học sinh và nhà trường, giúp lớp trẻ hiểu rõ hơn về văn học nước nhà và gieo mầm tình yêu với sân khấu.

Đối với những khó khăn liên quan điều kiện vật chất, ngoài việc tìm kiếm nguồn kinh phí nhà nước hoặc xã hội hóa, các đơn vị nghệ thuật như Nhà hát Tuổi trẻ hay Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, vẫn phải dựa vào sức mình trước nhất. “Tôi đánh giá các diễn viên trẻ hiện nay đang rất thiệt thòi. Đơn vị không có cơ chế để giữ người có năng lực, trong khi mỗi năm phải cắt giảm nhân sự.

Chúng tôi kỳ vọng những ủng hộ tiếp theo của Nhà nước và phương thức xã hội hóa sẽ thuận lợi hơn sau khi các doanh nghiệp vượt qua chặng cam go hậu Covid-19. Nhưng quan trọng hơn cả, chất lượng vở diễn phải nâng cao và tươi mới để được khán giả yêu mến và bán được vé. Chúng tôi có kênh bán vé online từ năm 2018, tạo một thói quen xem kịch cho công chúng và đem lại doanh thu khá tốt. Bởi vậy, cá nhân tôi cũng mong sớm có những trang web chính thống cung cấp thông tin về các vở diễn tại những đơn vị nghệ thuật tại Hà Nội để khán giả tiện theo dõi, đặt vé”, NSƯT Sỹ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phân tích.