“Rì rầm” gầm cầu vượt

Mấy năm nay, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng một số cây cầu vượt trên nhiều tuyến đường nhằm giảm ách tắc giao thông. Bên cạnh những tiện ích mang lại cho người đi đường, vẫn còn những mong ngóng cũng như lời góp ý thông qua nhiều câu chuyện kể dí dỏm mà người dân thành phố muốn gửi đến các cấp quản lý.

Hàng quán tụ họp, buôn bán là hình ảnh thường thấy dưới chân cầu vượt.
Hàng quán tụ họp, buôn bán là hình ảnh thường thấy dưới chân cầu vượt.

Gầm cầu thành quán nhậu

Trước đây, cầu Sài Gòn, cầu Ông Lãnh được xem là “điểm đến” của người vô gia cư. Nay nhiều người đã chọn nơi khác là cầu vượt. Câu chuyện bên dưới gầm cầu vượt đang là sự để ý, quan tâm của nhiều người. Người ta thường đùa nhau rằng nếu ai đó hỏi sẽ đi đâu nếu chỗ đang ở bị quy hoạch lấy đất? Câu trả lời sẽ là… gầm cầu vượt. Nhưng cây cầu mà họ dự định cho chuyện đó nằm trên đường nào? Sẽ ở hay kinh doanh cái gì dưới gầm cầu đó? Họ sẽ đáp: để còn coi!

Chuyện ở đầu đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), quán cà-phê của ông Chín Xu tuềnh toàng. Thành phố đã có nhiều đổi thay nhưng quán của ông vẫn không chịu thay đổi. Bàn nhựa, ghế khung sắt bọc dây mành. Ông Xu cho rằng, đủ ăn là được, “làm giàu đau đầu nhức óc” mất sự thảnh thơi. Ông Xu quan niệm, bán cà-phê mà ngồi ghế ngon, bàn đẹp thì thu hút mấy thanh niên kéo máy tính vô ngồi bốn năm tiếng, quán sẽ thành công sở. Khi được hỏi đường Ung Văn Khiêm sẽ giải tỏa mở rộng, khi đó ông sẽ đi đâu, làm gì? Ông Xu cười tít mắt: “Gầm cầu vượt mới mọc lên, chỗ đó đón tui. Mình tới đó bán cà-phê dạo, gặp bạn hiền”.

Thực tế thì có nhiều người mưu sinh dưới gầm cầu vượt. Họ cũng biết mình đang làm cái việc ít được ngành giao thông cho phép, làm nhiều người trong phố ái ngại. Ông Chín Xu kể: “Tôi thấy nhiều người lợi dụng quá lắm! Biến gầm cầu vượt thành quán nhậu, chỗ nằm lê la. Nhìn nhếch nhác”. Ông Phạm Mạnh Tường - khách hàng uống cà-phê cho rằng: “Gầm cầu vượt là không gian công cộng của người dân thành phố, tầm mắt của người nơi khác đi qua thành phố này. Để tình trạng buôn bán như vậy thứ nhất mất an toàn, thứ nhì mất vệ sinh, mỹ quan”.

Hơn 20 năm, người dân bán đảo Bình Quới nằm trong quy hoạch, cấm không được sang nhượng bán mua, không được xây dựng nhà cửa. Nhiều hộ gia đình có chút tiền đã mua đất trên huyện Củ Chi, Hóc Môn nhưng vì đất thổ công Bình Quới vẫn còn, họ vẫn về đây kinh doanh. Ông Tư Củi đi về giữa huyện và quận cho hay: “Tui hay nói chơi với mấy người ở đây, “phố” cầu vượt nhiều lắm! Khỏi lo chuyện phải làm nhà”. Nhưng ông Tư Củi cũng phân vân, không biết sao họ ở được. “Xe chạy suốt ngày, đêm rần rần. Mình ở đó một ngày hết chịu nổi!”.

Ý tưởng “lột xác” gầm cầu

Họa sĩ Quách Văn Hùng, thiết kế bối cảnh phim truyện, cho rằng: “Khi chiếc cầu vượt hoàn thành, chúng ta có hai mặt đối xứng. Ở phía dưới góc hẹp theo tôi nên để các chậu hoa, lắp đặt đèn chiếu. Phía trần của gầm cầu có thể kẻ vẽ những bức tranh khiến người đi phía dưới gầm cầu có cảm giác như đi qua một cái cổng đẹp”.

Trở lại câu chuyện của ông Tư Củi, ông Chín Xu, thì đối với họ, việc nhớ tên cầu, nhất là những cây cầu vượt đối với họ quá khó. Câu chuyện của hai ông đều có chung chữ “giá như”. Liên hệ quá khứ, họ kể ngày trước cây cầu Ba Cẳng bắc trên kênh Hàng Bàng. Cây cầu có tên bằng tiếng Pháp khó nhớ, nhưng vì nó bắc qua ngã ba sông nên có ba chân, thành tên gọi ba cẳng từ bấy giờ. Nỗi niềm biết, nhớ tên cầu đã không chỉ là của riêng hai ông mà của nhiều người khác nếu được hỏi về tên gọi của cây cầu vượt nặng chịch.

Từng cải tạo lại nhiều mẫu cầu thang cho các căn nhà đã hoàn thiện, tạo không gian thân thiện, dễ chịu hơn cho căn nhà. Kiến trúc sư Nguyễn Bá Hùng, Công ty kiến trúc Thuận Tâm cho biết: “Các đơn vị thi công cầu đường cũng như các ban ngành của thành phố chưa thật sự quan tâm cảnh quan gầm cầu. Họ mới chỉ quan tâm dàn đèn lan can”. Nếu như vậy thì gầm cầu cũng sẽ lắp dàn đèn nhiều mầu chiếu sáng hoặc biến nó thành tấm biển kinh doanh quảng cáo? Kiến trúc sư Hùng phản biện: “Vẽ tường đường phố là không được phép còn nếu lắp dàn đèn sẽ tốn kém chưa tính đến lúc hư hỏng thay lắp nhiêu khê. Chúng ta nên có những hình vẽ mỹ thuật chuyên nghiệp. Dùng đèn chiếu phía dưới vào ban đêm cũng sẽ tạo nên hiệu ứng tốt, giúp mềm mại cây cầu”.

Giao thông là hiệu quả đi lại, là an toàn tính mạng, liệu hình ảnh nhiều mầu, có gây mất an toàn cho người tham gia giao thông? Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ tâm lý học Huỳnh Thị Hà cho hay: “Thực tế trên đường có rất nhiều cảnh quan nhưng không tác động đến người điều khiển phương tiện giao thông. Khi chúng ta có những phối cảnh đẹp, chỉ gây nên sự nhận biết cho họ. Nhưng nó lưu được khá lâu đối với những người ngồi sau, ngồi trong xe”.

Có những cây cầu đã tốt rồi. Có những cây cầu trang trí đẹp, có tên, điều này cũng nên ước ao, ông Chín, một người dân ở quận Phú Nhuận cho hay.