Nhiều đề tài, dự án đi vào thực tiễn
Phát huy vai trò động lực phát triển nhanh và bền vững của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh triển khai nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ vào thực tế.
Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, Sở đã triển khai thực hiện hơn 130 đề tài, dự án cấp tỉnh ở các lĩnh vực như khoa học-kỹ thuật-công nghệ, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, xã hội và nhân văn, y-dược,… Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Quang Nhật cho biết, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ hiện nay tiếp tục có sự đổi mới theo hướng đặt hàng, có địa chỉ ứng dụng cụ thể và ngày càng gắn với nhu cầu thực tiễn phát triển các ngành, địa phương.
Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ có giá trị khoa học và thực tiễn cao gắn với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên phát triển của tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; khoa học và công nghệ về biển,... Một số đề tài, dự án nổi bật như: Đề tài Địa chí tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Dự án ứng dụng công nghệ mềm Stabiplage phòng, chống xói lở bờ biển Lộc An (huyện Đất Đỏ); Dự án ứng dụng công nghệ phát hiện, cảnh báo sớm ao xoáy/dòng rip tại Bãi Sau (thành phố Vũng Tàu); Dự án cảnh báo sớm và phòng chống sét tại bờ biển Vũng Tàu; Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo,…
Đáng chú ý, việc triển khai Đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2021-2026, định hướng đến 2030" sẽ đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của địa phương cũng như chủ trương phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Đảng và Nhà nước đề ra, đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.
Xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham mưu triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã tổ chức các hội nghị, sự kiện tuyên truyền, phổ biến về khởi nghiệp với hơn 10.000 lượt đại biểu là đại diện cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp, giảng viên, sinh viên trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tổ chức thành công ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và ba cuộc thi Đổi mới sáng tạo lĩnh vực ngành thủy sản mang tính tiên phong ở cấp tỉnh trong cả nước. Các cuộc thi đã thu hút gần 400 ý tưởng, dự án dự thi với hơn 65 dự án đạt giải. Ngoài ra, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp Cục Công tác phía nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức thành công Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ và Cuộc thi "Sáng tạo trong tầm tay" vùng Đông Nam Bộ.
Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được quan tâm triển khai. Từ năm 2019 đến nay, có 30 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ với số tiền hơn 993 triệu đồng. Qua đó, góp phần hình thành các câu lạc bộ và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy việc hình thành và phát triển các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hoạt động khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đã được quan tâm triển khai từ những năm 2011-2012 với việc liên tiếp ban hành Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 và Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2012-2015". Nhằm thống nhất nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở Chương trình và Dự án nêu trên, năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh giai đoạn 2014-2020. Với sự triển khai tích cực, hiệu quả, đến nay đã có 502 lượt đề án của doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí đạt hơn 21 tỷ đồng, tổng kinh phí đối ứng của doanh nghiệp hơn 163 tỷ đồng.
Chương trình cũng đã tổ chức chín lớp đào tạo, tập huấn cho 625 lượt cán bộ tham gia, qua đó đã giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận và ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh,... Đặc biệt, việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến chính là giấy thông hành giúp doanh nghiệp chủ động phát triển và hội nhập, vươn tới những thị trường khó tính ở trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.