Trong giới văn nghệ phải nói rất thật là tôi khó chơi được với các nhạc sĩ. Dù xét ở cái vỏ nhân dạng thì nhạc sĩ bao giờ cũng chỉn chu, phong thái đàng hoàng, không xù xì thậm chí là nham nhở như cánh văn veo và phần nào đó ở dân hội họa.
Bỏ qua hình thể và những biểu hiện bên ngoài, các nhạc sĩ trong mắt tôi luôn là những bậc đạo mạo khác thường ở trí tuệ. Họ được học hành bài bản và sinh hoạt của họ cũng là thứ gì đó đặc biệt khó hòa đồng với cánh nghệ sĩ khác. Trời lại cho các nhạc sĩ giọng hát, ngón đàn. Và nghề cho họ những ánh hào quang mà chỉ tính riêng những ca sĩ trẻ trung nổi tiếng vây quanh đã đủ tạo nên khác biệt.
Thế nên dù hoạt động văn nghệ rôm rả cỡ nào, tôi luôn giữ khoảng cách với các nhạc sĩ. Nói thế cho hách chứ họ cũng chả hơi đâu để ý đến thằng “nhà văn cám hấp” như tôi làm gì. Nhưng với Trọng Đài hoàn toàn khác. Không hề có bất cứ rào cản nào, dù ngay trong lần gặp đầu tiên. Ngay từ ngoại hình, Trọng Đài đã gợi cho người đối diện những thiện cảm. Thấp, đậm, người tròn, mặt tròn, mắt tròn, mái tóc húi cua tròn tròn, đến cái tròng kính cận cũng tròn nốt. Đặc biệt là tiếng cười giòn tan và âm thanh tròn vành vạnh đến lạ vây bủa lấy cặp mắt lồi ra sáng lấp lánh tạo nên một khuôn mặt rất trẻ và trong sáng. Trọng Đài lại hơn người ở bộ râu quai nón lởm chởm, cái đen cái trắng lô nhô vừa nghịch, vừa ngạo. Tóm lại với cánh nhà văn, không như những nhạc sĩ khác khó chơi thì Trọng Đài là một ngoại biệt. Anh chơi thân với khá nhiều nhà văn, trong đủ mọi tâm thế từ suồng sã đến bác học khả kính.
Tất nhiên cánh nghệ sĩ tìm đến nhau chẳng vì lý do gì thì cũng bắt buộc phải có một lý lịch nằm lòng về sáng tác cùng tương đồng về sở thích. Khi tôi gặp Trọng Đài ở Liên hoan sân khấu nhỏ tại Ninh Bình năm 1996, anh đã rất nổi tiếng với những bài hát Hà Nội đêm trở gió và Chị tôi. Mỗi nhạc sĩ có một cách sáng tạo ra tác phẩm đỉnh cao của mình. Với Trọng Đài là dựa trên nền một tác phẩm khác. Với hai bài hát trên, ca khúc đầu anh sáng tác cho vở kịch nói cùng tên, tác phẩm sau dành cho phim truyền hình dài tập Người Hà Nội. Trình nhạc của tôi mít đặc nên nghe người nói nhạc Trọng Đài là nhạc bác học, tôi u ơ chẳng hiểu gì, chỉ biết với hai bài hát trên được sử dụng ở nơi bình dân nhất là quán karaoke và các đĩa nhạc gia đình. Nhớ có lần đi hát hò linh tinh, sau khi nhậu sương sương, Trọng Đài hát sai nhạc chính tác phẩm của mình khiến mấy giọng sĩ quán xá phải thốt lên “bốc phét”, “mạo nhận người nổi tiếng” khi được giới thiệu đấy là chủ nhân của bài hát. Về giọng hát, Trọng Đài cũng khác các nhạc sĩ khác. Lạ nữa, tuy là nhạc sĩ nổi tiếng nhưng anh không hề có giọng, lại hiếm khi hát đúng nhạc, ngay cả với những bài hát phổ thông ai ai cũng biết.
Trọng Đài ham rượu. Đó là đặc điểm dễ kéo những người bạn văn nghệ lại với nhau. Tôi sở dĩ thân quen với Trọng Đài là nhờ ở những cuộc rượu vô tiền khoáng hậu. Cũng bởi đặc thù công việc của cả hai khiến việc rượu chè hư hỏng kia có chiều thuận lợi. Ấy là vì Trọng Đài hay làm nhạc phim, trong khi tôi lại công tác ở hãng phim. Nổi tiếng nhưng anh rất cần mẫn cho công việc làm nhạc có phần bó buộc này. Nhạc phim ngoài ca khúc chính ở đầu và cuối phim còn bao gồm toàn bộ nhạc nền. Với phim truyền hình dài tập, đó là một công việc đằng đẵng. Nhưng chính tài năng của Trọng Đài lại thể hiện ở công việc tưởng như bị bó buộc trong sáng tạo này. Những ca khúc nền cho các phim như Đường đời, Đất và người, Mùa lá rụng... cực kỳ thăng hoa, gây những ấn tượng mạnh mẽ đã góp phần làm nên thành công cho phim. Có lẽ phải nói thêm một chút về chỗ này. Vì làm nhạc cho phim nên những ca khúc của Trọng Đài luôn bám sát hơi thở cuộc sống và những truân chuyên của kiếp người. Cảm giác một Trọng Đài luôn vặn trở những nỗi niềm nhân thế để giãi bày bằng hết những xúc cảm nhẽ đời tạo ra những ca khúc sang trọng, lắng sâu nhưng cũng bội phần dân dã.
Tôi rất không thích sự chân truyền dòng dõi gia tộc trong văn nghệ. Một thương hiệu phở gia truyền rất có lý nhưng sự nối dõi văn nghệ nó cứ sao sao ấy. Nhưng không hề mâu thuẫn, tôi lại đặc biệt kính trọng những truyền nhân kiểu này nếu đó thật sự là những tài năng. Trọng Đài không ngoại lệ. Anh là con của nhạc sĩ đã quá cố Nguyễn Trọng Nho. Âm nhạc không thể bát nháo kiểu như văn chương mà phải kinh qua đào tạo bài bản. Trọng Đài theo học ở Nhạc viện Tchaikovsky (Cộng hòa Liên bang Nga), khoa sáng tác - lý luận - chỉ huy trong suốt bảy năm, từ 1980 đến 1987. Với vốn liếng kiến thức âm nhạc sâu rộng không phải bất cứ nhạc sĩ nào cũng sở hữu, ngoài sáng tác, Trọng Đài luôn đảm trách những vị trí quan trọng trong giới âm nhạc như các hội đồng chuyên môn của Hội Nhạc sĩ, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long và hiện tại là Trưởng ban âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Một nhạc sĩ tên tuổi sinh năm 1958, gốc phố Bát Đàn, từng có nhiều giải thưởng âm nhạc nhưng Trọng Đài lại có một cuộc sống phóng túng, hào sảng như bất kỳ một trai phố cổ Hà Nội nào.
Công việc bận rộn, đam mê sáng tác nên thời gian rảnh với Trọng Đài luôn là một cái gì đó rất xa xỉ. Ấy vậy mà anh luôn có mặt cùng với bạn bè trong những sự kiện và tụ gặp cá nhân. Nói về bạn bè, tôi thấy hiếm người chơi chung thủy như Trọng Đài. Bạn của Trọng Đài cũng rất dị biệt. Trong làng văn nghệ, không ai không biết họa sĩ lập dị Hoàng Hà Tùng. Anh này ăn mặc sặc sỡ nhất là khi vào sân vận động cổ vũ đá bóng. Có hôm giữa trưa nắng tôi thấy anh ngồi vẽ trên một chiếc cầu bất chấp thiên hạ đi qua nhòm ngó ái ngại. Hoàng Hà Tùng đi đâu cũng gắn với Trọng Đài, suốt mấy chục năm nay. Chịu được nhau đến mức ấy chả chung thủy là gì. Chung quanh Trọng Đài có khi là những người chả mấy liên quan đến văn nghệ. Một nhà nghiên cứu cổ học và sưu tầm đồ cổ, một doanh nhân hay một cảnh sát giao thông... ai cũng vậy đều có một vị trí trang trọng trong cách đối xử của Trọng Đài. Anh sống phóng khoáng, lãng tử, nhiệt tình với mọi người, thích là chơi hết mình, tuy vẫn giữ những nguyên tắc riêng, không xô bồ. Điểm này thì tôi nể phục. Trọng Đài ở bất kỳ chỗ nào, trong hoàn cảnh nào vẫn luôn là một con người chuẩn chỉ. Điều mà tôi không bao giờ làm nổi, dù cố học.
Với cánh nhà văn, Trọng Đài có nhiều kỷ niệm. Phần nhiều cũng bởi đam mê ô-tô của anh. Trong làng văn nghệ sĩ, có lẽ Trọng Đài là người chơi ô-tô đầu tiên. Lâu lắm, tôi không còn nhớ rõ nhưng cái xe Lada anh sở hữu thì chẳng bao giờ quên, dù tôi cũng đã đổi đến mấy đời xe. Con Lada thần thánh ấy được Trọng Đài xưng tụng là con chiến mã tốt và tiện nhất thế giới. Nó không bao giờ phải vào bãi gửi mà có thể nằm ở bất cứ chỗ nào chủ nhân của nó muốn. Vỉa hè, góc phố, gốc cây dầm dãi, những vết xước hay nước sơn loang lổ chẳng hề hấn gì đối với chiếc xe. Đến mức các trung tâm đăng kiểm kiên quyết không cấp gia hạn lưu hành nếu xe không được sơn lại. Tôi không ít lần rong ruổi cùng nó và cũng vinh dự được chia sẻ những đắng đót trên đường. Lần thì hết xăng vào lúc nửa đêm, lết đến được cây xăng thì bảo vệ không dậy bán. Phải giới thiệu rát cổ đây là tác giả “Chị tôi nhuộm bông hoa gạo” thì mới được chắt cho dăm lít từ cây xăng đã niêm phong, đủ bò về được đến nhà. Một lần khác gặp phải tai nạn giữa đường, bao nhiêu xe biển xanh, biển trắng mặc kệ phóng qua thì Trọng Đài trắc ẩn dừng con la già lại để cả đám muộn bữa nhậu vần hai chú lính máu me bê bết đến bệnh viện. Nhà văn Bảo Ninh, sau một lần được Trọng Đài nhiệt tình chở về tận nhà đã quá sợ hãi cả vì độ an toàn của xe và trình lái liều lĩnh của Trọng Đài nên từ đó mắc phải chứng sợ ô-tô. Thấy ai có ý định mua xe đều gàn, thôi đừng, ô-tô kinh lắm cứ taxi cho tiện. Điều này thì Bảo Ninh có phần đúng. Nói về tính liều thì (trộm vía) Trọng Đài là số một, khi từng phải mổ cấp cứu vì vỡ bàng quang trong một cú phi xe máy. Tất nhiên là say rượu.
Không vì những điều ấy mà Trọng Đài kém phần đạo mạo và hấp dẫn với tôi, với không ít bạn bè cùng số đông người hâm mộ. Một Trọng Đài ham ô-tô, thích rượu không lấn át nổi một nghệ sĩ đích thực luôn mê đắm trong sáng tạo, với những thành công rực rỡ. Và tuy Trọng Đài đổi xe và chuyển nhà xoành xoạch thì đó vẫn là một con người của gia đình đúng nghĩa. Với người vợ là một ca sĩ tài danh và hai cô con gái thiên thần.