![]() |
“Gặp gỡ mùa thu” sẽ vẫn có Trần Anh Hùng
Trở lại với LHPQT quan trọng hàng đầu khu vực Bắc Âu (nơi từng xướng tên anh cùng cộng sự tại hai hạng mục Phim đầu tay xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất cho Bi, đừng sợ vào năm 2010) nhưng lần này là ở vị trí giám khảo, tâm trạng của anh có gì khác?
Thường thì sau khi có phim đoạt giải tại một số LHP có tiếng và sau đó vẫn tiếp tục có thêm đóng góp thì bạn sẽ được mời ngồi ghế giám khảo ở một LHPQT mà không nhất thiết đã từng vinh danh bạn. Chẳng hạn như Trần Anh Hùng mới đây vừa được mời làm giám khảo tại LHPQT Tokyo, chỉ bởi cái tên được đảm bảo bằng nhiều giải thưởng quốc tế và đang có mối liên hệ mật thiết với Nhật Bản kể từ sau tác phẩm Rừng Na Uy. Hay như hồi đầu năm nay, tôi cũng được mời ngồi ghế giám khảo LHP Đông-Nam Á diễn ra tại Malaysia...
Việc được mời làm giám khảo LHPQT Stockholm (SIFF) không gây bất ngờ lớn nhưng cũng mang lại cho tôi khá nhiều hứng khởi. Thứ nhất, dù SIFF không phải là một sân chơi quá lớn nhưng từng có những phát hiện tinh tường và gu thẩm mỹ đáng nể trong lựa chọn phim trình chiếu cũng như tôn vinh. Còn khán giả của nó thuộc về một khu vực có trình độ thưởng thức cao và rất am tường điện ảnh. Diễn ra ở thời điểm tuyết vừa rơi, người dân, trong khi chờ lượng tuyết đủ dày để đi trượt tuyết thì có thể kéo nhau vào rạp xem phim. Nói chung là có đủ “thiên thời, địa lợi” (cười).
Thứ hai, một LHP không quá lớn thì cũng không để mất quá nhiều thời gian cho các hoạt động thảm đỏ rình rang mà sẽ tập trung nhiều hơn vào chuyên môn. Và tôi sẽ có thời gian xem được nhiều phim hơn, nhất là khi ngồi ghế giám khảo. Năm nay, SIFF có 21 phim được lựa chọn vào vòng dự thi chính thức, trong đó có rất nhiều phim đáng xem như Son of Saul (đạo diễn László Nemes, gặt bốn giải liền tại LHPQT Cannes 2015), The diary of a teenage girl (đạo diễn Marielle Heller, đoạt giải thưởng ở LHPQT Berlin 2015)... Đó chính là điều tôi muốn được trải nghiệm nhất.
“Cha và con và...” của anh nghe nói cũng sẽ được trình chiếu. Ngoài ra, hình như anh còn tính “chào hàng” một dự án khác?
Đúng vậy, Cha và con và... sẽ có bốn suất chiếu tại SIFF, trong hạng mục Asian Images cùng 16 bộ phim châu Á khác. Còn nếu để bán phim hay chào hàng dự án, kiếm tìm tài trợ... như tại các LHP lớn khác thì đây không phải là địa chỉ thích hợp vì nó hoàn toàn thiếu vắng khu vực chợ phim.
“Gặp gỡ mùa thu” (GGMT) sắp diễn ra lần thứ ba tại Đà Nẵng. Vì sao anh cứ nhất định chọn Đà Nẵng, mà không phải Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để... dễ xin tài trợ hơn?
Hai thành phố lớn đều đã có quá nhiều hoạt động văn hóa rồi, thêm GGMT khác nào “chở củi về rừng”? Trong khi đó, Đà Nẵng là một thành phố biển xinh đẹp, quy hoạch tốt, sân bay đẹp, đường sá thoáng đãng, chính quyền địa phương cởi mở và người dân thì lại chưa có điều kiện được tiếp xúc nhiều với các hoạt động văn hóa lớn, đặc biệt là điện ảnh nên quá thích hợp cho việc tổ chức một sự kiện thường niên, thu hút nhiều nghệ sĩ trẻ như GGMT.
Đã tổ chức lần thứ ba, với sự sát cánh của đạo diễn tên tuổi Trần Anh Hùng, những trái ngọt đáng kể nào đã nhận được hoạt động này?
Mỗi khóa học, GGMT thường lựa chọn không quá 10 học viên. Họ được truyền kinh nghiệm làm phim và cả kinh nghiệm xin tài trợ (cho những bộ phim “khó nhằn” kiểu như tôi và nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vẫn hay làm). Và trên hết, họ được truyền cảm hứng sáng tạo.
Đường còn dài, nhưng tới giờ này, tôi nghĩ có thể đặt hy vọng vào hai cái tên: Trần Dũng Thanh Huy và Đỗ Quốc Trung - hai bạn trẻ đã từng tham gia lớp học GGMT và sau đó đã có hai dự án phim đầu tay là Thằng Ròm và Cha Cha Cha lọt vào Hội chợ dự án phim châu Á, trong khuôn khổ LHPQT hàng đầu châu lục Busan (Asian Project Market - Busan International Film Festival 2015) vừa diễn ra hồi đầu tháng 10 năm nay. Đây cũng chính là hai dự án hay nhất đã được ươm mầm và phát triển từ các khóa học của GGMT.
Lần này, đạo diễn Trần Anh Hùng có thể về tham gia đứng lớp, bởi nghe nói anh ấy đang tập trung cho một bộ phim mới?
Có chứ! Vì với anh ấy, đây là một cam kết, rất rõ ràng về sự đồng hành. Đơn giản, vì anh ấy là một người Việt yêu điện ảnh và luôn muốn làm một điều gì đó ý nghĩa cho điện ảnh Việt Nam. Và GGMT được anh ấy xem là một mô hình phù hợp, hiệu quả, giúp các bạn trẻ hướng đến tình yêu điện ảnh một cách thuần túy. Hiện tại, theo như tôi được biết, bộ phim mới của anh ấy đã đóng máy và chắc là đang chờ ngày đến được LHPQT Cannes. Uy tín nghề nghiệp của anh Hùng cũng là một sự bảo đảm lớn cho sức hút và sức thuyết phục của sự kiện.
Dễ chịu là cảm giác cần duy trì
Liệu có thể chờ đợi điều gì mới mẻ ở GGMT năm nay?
Đây là năm đầu tiên GGMT được đón những học viên nước ngoài, từ Cambodia, Philippines và Đài Loan (Trung Quốc). Trong ba năm qua, những người đồng sáng lập GGMT đã tranh thủ mọi cơ hội để quảng bá sự kiện này đến với bè bạn quốc tế. Và cho đến thời điểm này, nó đã được nhiều bạn làm phim trẻ trong khu vực biết đến và dành một sự quan tâm nhất định. Theo đó, chúng tôi cũng đang hy vọng sẽ sớm tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính từ bên ngoài, cụ thể là Học viện Điện ảnh quốc gia Hàn Quốc, vì tài chính năm nào cũng là một vấn đề căng như dây đàn ở GGMT.
Sự giúp đỡ từ trong nước, hiện chỉ dừng ở mức khiêm tốn. Ngoài sự trợ giúp (không nhiều) của Vina Games, từ năm ngoái, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đã bắt đầu cam kết đồng hành cùng chúng tôi. Căng lắm, nhưng căng thì cũng vẫn phải làm thôi.
Gần như cùng thời điểm, Liên hoan phim Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu tháng 12. Như thường lệ, Phan Đăng Di vẫn không có phim tham dự. Và cái đích hướng tới của anh vẫn luôn là những LHPQT? Nghe có vẻ “khôn chợ, dại nhà” đấy nhỉ?
Phim làm xong lúc nào, xuất hiện được ở đâu trước... nhiều khi cũng là cái duyên, không thể tính trước được.
Còn dự án phim mới Tiệc trăng tròn của anh thì sao?
Tài trợ thì vẫn đang tiếp tục đi xin, hy vọng sẽ kịp bấm máy vào giữa năm sau. Khó nhất là diễn viên thì cũng đã lựa chọn xong và tôi tin là phù hợp. Tiệc trăng tròn dự kiến sẽ có sự góp mặt của các diễn viên gạo cội như NSND Lê Khanh, NSƯT Thu Hà và hai gương mặt trẻ triển vọng Nhã Phương, Thanh Tú (con gái diễn viên Kiều Trinh - PV)...
Nhã Phương ư, anh quan tâm đến yếu tố thị trường từ bao giờ vậy?
Đúng là cái tên Nhã Phương đang khá “hot” từ sau phim truyền hình Tuổi thanh xuân. Nhưng thật ra khi chọn Phương (vào vai một cô gái có phần khó hiểu trong phim), tôi thậm chí còn chưa hề biết cô ấy là ai.
Đỗ Hải Yến - “nàng thơ” của anh lần này lại vắng mặt sao?
Thật ra, cô ấy cũng có tham gia một vai khách mời, lướt nhẹ qua phim. Nhưng vẫn luôn phải có sự đồng hành đó, vì đôi khi trong công việc, có những người luôn mang lại cảm giác dễ chịu khi làm việc cùng. Đó chỉ là một cảm giác, nhưng trong công việc, đôi khi cần duy trì nó...
Đạo diễn Phan Đăng Di sinh năm 1976 tại Nghệ An, tốt nghiệp Khoa Đạo diễn - Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 2000, đồng thời là người “học trò cưng” và chịu nhiều ảnh hưởng tích cực từ đạo diễn Trần Anh Hùng. Các tác phẩm đáng chú ý của anh bao gồm “Sen”, “Khi tôi 20”, “Bi, đừng sợ”, “Chơi vơi”, “Cha và con và...” đã đoạt nhiều giải thưởng trong các LHPQT.
Phan Đăng Di hiện là đạo diễn và tác giả kịch bản Việt Nam duy nhất vinh dự có phim góp mặt và có giải tại ba LHPQT quyền lực nhất của điện ảnh thế giới là Venice, Cannes và Berlin.
Hiện, anh đang theo đuổi dự án “Tiệc trăng tròn”, dự kiến bấm máy vào giữa năm sau.