“Phép thử” với thế giới Arab

Hội nghị khẩn cấp các quốc gia Arab diễn ra trong ba ngày, từ ngày 30-5, tại thành phố Mecca của Saudi Arabia với trọng tâm thảo luận về tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là những căng thẳng thời gian gần đây có liên quan Iran. Trong bối cảnh Mỹ và Iran đứng trước nguy cơ đối đầu quân sự, hội nghị này được xem là “phép thử” đối với sự đoàn kết của thế giới Arab trước những thách thức về an ninh.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Phát biểu ý kiến mở màn Hội nghị khẩn cấp của AL và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 30-5, thay mặt lãnh đạo các quốc gia Arab vùng Vịnh, Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulahziz Al Saud cho rằng việc Iran phát triển năng lực vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã đe dọa tới an ninh khu vực và quốc tế. Theo Quốc vương Salman, thông điệp mà Saudi Arabia mong muốn phát đi là các nước Arab cần phải chung tay, thấu hiểu những mối quan ngại của nhau, đồng thời hướng tới một mục tiêu chung nhằm duy trì an ninh và ổn định.

Cũng tại hội nghị này, Quốc vương Saudi Arabia cho rằng, sau những vụ tiến công nhằm vào các tài sản liên quan tới dầu mỏ ở vùng Vịnh, cần có hành động quyết đoán để ngăn cản Iran “leo thang” tại khu vực. Trước đó, ngày 30-5, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cũng đã đổ lỗi cho Iran tiến hành các vụ tiến công nhằm vào bốn tàu chở dầu gần khu vực Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khu vực nằm ngay bên ngoài eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển dầu và khí gas quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Mặc dù chưa có tổ chức nào nhận gây ra vụ tiến công, song ông Pompeo vẫn cho rằng “những tính toán của Iran là nhằm đẩy giá dầu thô tăng trên toàn thế giới”. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Nhà trắng John Bolton cũng nói rằng bằng chứng về việc Iran đứng đằng sau các vụ tiến công trên sẽ sớm được đưa ra trước Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ.

Cùng quan điểm, các nước Arab vùng Vịnh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Saudi Arabia và UAE trong việc thực thi bất kỳ hành động cần thiết nào để bảo vệ an ninh sau khi xảy ra những vụ tiến công nhằm vào các tài sản dầu mỏ của hai nước này. Về phần mình, UAE khẳng định sẽ không suy đoán về việc ai đứng sau vụ tiến công và đang điều tra vụ việc cùng Mỹ, Pháp và một số nước khác. Dự kiến cuộc điều tra sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới.

Tại hội nghị, tiếng nói duy nhất đứng về phía Iran chính là quốc gia láng giềng Iraq. Tổng thống Iraq Barham Salih cảnh báo: “Trong khi môi trường an ninh quốc tế và khu vực diễn biến căng thẳng, chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình leo thang khủng hoảng khu vực có nguy cơ biến thành chiến tranh nhấn chìm tất cả. Nếu cuộc khủng hoảng này không được xử lý tốt, chúng ta sẽ phải đối mặt nguy cơ đối đầu khu vực lan ra phạm vi quốc tế, sẽ kéo theo thảm kịch cho tất cả các bên liên quan”. Nhà lãnh đạo Iraq lưu ý rằng, Iran là láng giềng của Iraq và các nước Arab. Vì vậy, Iraq không muốn an ninh của Iran bị xem là mục tiêu. Việc bảo đảm an ninh cho Tehran cũng là vì lợi ích của các quốc gia khác trong thế giới Arab và Hồi giáo. Tổng thống Iraq một lần nữa tái khẳng định, khu vực cần sự ổn định dựa trên cơ chế bảo đảm an ninh, không can thiệp các vấn đề nội bộ của nhau cũng như đấu tranh chống lại chủ nghĩa bạo lực và cực đoan.

Hội nghị khẩn cấp các nước Arab diễn ra giữa lúc Mỹ và Iran đang đứng trước bờ vực một cuộc đối đầu quân sự. Trong khi hội nghị đang diễn ra thì Washington tiếp tục đe dọa sẽ có hành động quân sự với Tehran. Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook ngày 30-5 tuyên bố, Mỹ sẽ đáp trả bằng hành động quân sự nếu như các lợi ích của nước này bị Iran tấn công.

Theo nhận định của giới phân tích, những diễn biến tại hội nghị khẩn cấp các nước Arab cho thấy không chỉ đồng minh chủ chốt tại Trung Đông của Mỹ là Saudi Arabia, mà nhiều quốc gia Arab - vùng Vịnh khác đều có lập trường không khoan nhượng về vấn đề Iran. Song giới chuyên gia lo ngại rằng, một khi Iran càng bị cô lập và đẩy vào “đường cùng” thì nguy cơ về một cuộc đối đầu tại Trung Đông ngày càng hiện hữu, đe dọa hòa bình và ổn định an ninh của thế giới. Do đó, đối thoại thay đối đầu vẫn là giải pháp an toàn cho các bên liên quan.