Khủng hoảng y tế leo thang

Cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc tiếp tục bế tắc khi chính phủ kiên quyết không đàm phán về kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, trong khi đó 12.000 bác sĩ tập sự trên toàn quốc đã nghỉ việc vẫn tiếp tục đình công bất chấp “tối hậu thư” của chính phủ yêu cầu quay trở lại làm việc trước ngày 2/4.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm bác sĩ tập sự tại một bệnh viện ở Thủ đô Seoul. Ảnh: YONHAP
Một nhóm bác sĩ tập sự tại một bệnh viện ở Thủ đô Seoul. Ảnh: YONHAP

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã kêu gọi giới chức ngành y, các giáo sư y khoa tham gia đối thoại với chính phủ về kế hoạch cải cách y tế và thuyết phục các bác sĩ tập sự trở lại làm việc, nhằm chấm dứt cuộc đình công kéo dài hơn một tháng qua. Tổng thống Yoon Suk Yeol tái khẳng định, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y theo kế hoạch của chính phủ là ở mức tối thiểu, nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ trong tương lai.

Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập kế hoạch cải cách y tế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho kế hoạch này, bao gồm cả việc mở rộng quy mô đào tạo ở các trường y khoa. Bất chấp những cảnh báo về việc từ chức hàng loạt của các giáo sư y khoa, Chính phủ Hàn Quốc vẫn thông báo rằng, 82% trong số 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung sẽ được phân bổ cho 27 trường đại học bên ngoài khu vực Thủ đô Seoul bắt đầu từ năm học mới 2025.

Chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y để giải quyết vấn đề thiếu hụt bác sĩ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và trong các lĩnh vực y khoa quan trọng như nhi khoa, sản khoa hay cấp cứu. Trong bối cảnh dân số già hóa ngày càng nhanh, Hàn Quốc lo ngại đến năm 2035 sẽ thiếu 15.000 bác sĩ. Về phần mình, các bác sĩ cho rằng, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo và dịch vụ, dẫn tới tình trạng dư thừa bác sĩ điều trị, đề nghị chính phủ tìm cách bảo vệ tốt hơn cho các bác sĩ và tăng thù lao để khuyến khích các bác sĩ đến làm việc ở những vùng hẻo lánh và trong các lĩnh vực khó.

Tuy nhiên, Bộ Y tế Hàn Quốc khẳng định, kế hoạch cải cách y tế mà chính phủ triển khai là vì nhân dân và chính phủ sẽ không đảo ngược quyết định cải cách. Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Min-soo nhấn mạnh, chính phủ đưa ra kế hoạch tăng chỉ tiêu đào tạo ngành y sau khi thực hiện 130 vòng lấy ý kiến công chúng và sẽ không thay đổi kế hoạch nếu không có những cơ sở hợp lý.

Theo chỉ đạo của Tổng thống Yoon Suk Yeol về việc linh hoạt xử lý hành chính đối với các bác sĩ tập sự, Bộ Y tế Hàn Quốc đã tham vấn các chính đảng nhằm đối thoại cởi mở với cộng đồng y tế để có giải pháp phù hợp tháo gỡ bế tắc hiện tại. Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo đề nghị các bác sĩ tập sự thành lập một nhóm đại diện đối thoại với chính phủ. Thứ trưởng Park cam kết năm 2025 chính phủ sẽ đưa ra chính sách tài chính bổ sung để hỗ trợ các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các bác sĩ tập sự. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang thảo luận về việc cho phép điều trị bệnh nhân bên ngoài các cơ sở y tế nhằm giảm bớt áp lực do tình trạng thiếu bác sĩ tại các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi liên tục của chính phủ, các bác sĩ tập sự đã từ chối tham gia đối thoại với lý do không có đại diện.

Trong bối cảnh cuộc đình công của các bác sĩ tiếp tục kéo dài hơn năm tuần, các bệnh viện đa khoa lớn đã tạm thời đóng cửa hoặc sáp nhập một số phòng ban trong tình huống điều hành khẩn cấp và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cũng như nhân sự. Các cơ sở y tế lớn gồm Trung tâm Y tế Asan, Trung tâm Y tế Samsung, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện St. Mary Seoul ước tính thiệt hại hơn một tỷ won (741.344 USD) mỗi ngày và đang áp dụng phương thức quản lý trong tình trạng khẩn cấp để duy trì hoạt động.

Nhằm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng y tế, từ ngày 25/3, Chính phủ Hàn Quốc điều động tăng cường 200 nhân sự bổ sung, bao gồm 100 bác sĩ quân y và 100 nhân viên y tế công cộng đến 60 cơ sở y tế. Nếu tính cả hai đợt điều động trước đó, số bác sĩ tăng cường cho các cơ sở y tế tuyến trên đã lên tới 413 người. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời để giảm bớt khó khăn cho ngành y tế. Việc đối thoại tìm tiếng nói chung để giải quyết khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.