Giá vàng thế giới duy trì đà tăng

Giá vàng thế giới lên cao do nhiều yếu tố, như kỳ vọng gia tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương tăng lên, cũng như bất ổn trên thị trường tài chính và rủi ro địa-chính trị leo thang. Đáng chú ý, giá vàng duy trì đà tăng trong bối cảnh FED thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD mạnh lên.
0:00 / 0:00
0:00
Giá vàng thế giới đạt mốc kỷ lục mới trên sàn giao dịch Mỹ. Ảnh: FOX BUSINESS
Giá vàng thế giới đạt mốc kỷ lục mới trên sàn giao dịch Mỹ. Ảnh: FOX BUSINESS

Giá vàng thế giới đã đạt mốc kỷ lục mới, khi chốt phiên giao dịch hôm 8/3 tại Sàn giao dịch vàng Chicago Mercantile Exchange (COMEX) của Mỹ, giá vàng giao theo hợp đồng tháng 4/2024 tăng 0,94% lên 2.185,50 USD/ounce và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, ngày 5/3, giá vàng đã “xô đổ” mức đỉnh xác lập hồi tháng 12/2023.

Năm 2023, giá vàng thế giới đạt mức trung bình 1.940,54 USD/ounce. Từ cuối tháng 2/2024, giá vàng tăng nhanh, vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce. Nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường cho rằng, giá vàng còn tăng trong thời gian tới, do kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất. Công ty đa quốc gia dịch vụ tài chính Citigroup dự đoán giá vàng có thể tăng vọt lên 3.000 USD/ounce trong 12 đến 18 tháng tới.

Theo nhà nghiên cứu Wei Hongxu thuộc Tổ chức tư vấn ANBOUND (Trung Quốc), giá vàng tăng liên tục là do nhiều yếu tố. Trước hết, kỳ vọng FED nới lỏng chính sách tiền tệ rất mạnh mẽ. Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) của Mỹ, ngày 27/2, tỷ lệ mua ròng vàng đã tăng lên mức cao nhất trong ba tuần.

Tiếp đến là xu hướng “phi dollar hóa”, do các ngân hàng trung ương mua vàng, vẫn tiếp diễn. Theo dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới, do tình trạng bất ổn toàn cầu và hoạt động mua vàng liên tục của các ngân hàng trung ương, năm 2023, tổng nhu cầu vàng đạt mức cao lịch sử là 4.899 tấn, tổng lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương đạt 1.037 tấn.

Biến động của thị trường tài chính cũng khiến nhà đầu tư lo ngại rủi ro, trong đó có cả rủi ro tại các ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ, cũng như nghi ngại về khả năng duy trì đà phục hồi của thị trường vốn Mỹ.

Rủi ro địa-chính trị quốc tế càng làm tăng nhu cầu của giới đầu tư về mua vàng để phòng hộ. Xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt tài chính chống Nga của phương Tây đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của đồng USD tại các nước thị trường mới nổi, làm tăng động lực cho các ngân hàng trung ương dự trữ vàng. Xung đột Israel-lực lượng Hamas ở Trung Đông và căng thẳng trên Biển Đỏ càng cho thấy rủi ro địa-chính trị, làm tăng nhu cầu về vàng là nơi trú ẩn an toàn.

Chuyên gia ANBOUND nhận định, thị trường hiện có tâm lý lạc quan chung về vàng, nhưng đợt tăng giá vàng hiện nay có điểm khác đáng chú ý. Thông thường, với tư cách là khoản đầu tư trú ẩn an toàn, vàng thường có xu hướng biến động ngược chiều với giá trị của đồng USD. Trong trường hợp FED thực hiện nới lỏng tiền tệ, dẫn đến đồng USD mất giá, giá vàng tính bằng USD thường tăng. Tuy nhiên hiện nay, dù FED chưa chấm dứt chính sách thắt chặt định lượng và lãi suất của Mỹ vẫn cao, USD tiếp tục mạnh, nhưng giá vàng lại tăng lên mức cao lịch sử. Và đây là điều hiếm thấy.

Trong khi đó, được coi như “sự thay thế” cho vàng, tiền điện tử cũng đã tăng giá trở lại, khi đồng bitcoin vừa đạt mức cao lịch sử là 69.000 USD. Giới chuyên gia nhận định, giá vàng đang dần “tách rời” khỏi USD bất chấp thanh khoản của “đồng bạc xanh” bị thắt chặt. Kịch bản này sẽ tác động đến thị trường vốn quốc tế và vị thế của USD là đồng tiền dự trữ chính.

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, sau khi đạt mức 32 nghìn tỷ USD vào tháng 6/2023, nợ của Mỹ đã vượt mốc 33 nghìn tỷ USD chỉ ba tháng sau đó và lên tới 34 nghìn tỷ USD vào ngày 4/1/2024. Nhà phân tích Michael Hartnett thuộc Bank of America dự đoán, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, nợ của Mỹ sẽ sớm đạt mức 35 nghìn tỷ USD. Nợ tăng nhanh đã dẫn đến sự mất giá của tín dụng USD, góp phần khiến giá tài sản như vàng và bitcoin tăng mạnh.

Các chuyên gia thuộc tổ chức High Ridge Futures cũng cho rằng, các yếu tố tiền đề và tiếp tục thúc đẩy đà tăng giá vàng là kỳ vọng FED giảm mạnh lãi suất vào cuối năm nay và sự suy yếu của đồng USD.