Cần thêm nhượng bộ

Dù Chính phủ Hàn Quốc đã có nhượng bộ đáng kể, cho phép các trường đại học giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho niên khóa 2025, song tình thế vẫn “căng như dây đàn” và cuộc khủng hoảng y tế ở nước này vẫn chưa kết thúc sau hai tháng căng thẳng. Nhiều bác sĩ nội trú ở Hàn Quốc ra tối hậu thư sẽ không quay trở lại làm việc cho đến khi chính phủ từ bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng hạn ngạch sinh viên y khoa và chấp nhận đàm phán từ đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhân chờ đợi được khám tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: REUTERS
Bệnh nhân chờ đợi được khám tại một bệnh viện ở Seoul. Ảnh: REUTERS

Trong quyết định mới nhất, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo tuyên bố chính phủ sẽ chấp nhận đề xuất của hiệu trưởng sáu trường đại học công lập quốc gia Gangwon, Kyungpook, Kyungsang, Chungnam, Chungbuk và Jeju về việc giảm tới 50% chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho năm học tới. Đề xuất này được coi là nỗ lực của các trường đại học nhằm giải quyết tình trạng bế tắc y tế kéo dài, hiện mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra, các trường cao đẳng ngành y cũng sẽ cắt giảm con số tuyển sinh với tỷ lệ tương tự.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng y khoa và Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa giải quyết được bế tắc liên quan vấn đề mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh. Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ tập sự của Hàn Quốc đã nghỉ việc từ ngày 20/2 năm nay nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 người từ năm sau, so mức 3.058 người hiện tại. Cuộc đình công đã gây ra sự hỗn loạn lớn trong lĩnh vực y tế của Hàn Quốc, do bác sĩ tập sự đóng vai trò quan trọng trong các bệnh viện lớn và các trợ lý bác sĩ cùng nhân viên y tế khác đang phải gồng mình giải quyết hậu quả.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết, việc chấp nhận đề xuất trên nhằm bảo vệ quyền lợi của các sinh viên y khoa và giải quyết tình trạng bế tắc y tế hiện nay. Theo đó, tất cả 32 trường cao đẳng và đại học y trên toàn quốc, nơi phân bổ 2.000 suất tuyển sinh y khoa mới, sẽ cắt giảm một nửa chỉ tiêu được phân bổ ban đầu xuống còn 1.000 suất. Việc cắt giảm thêm có thể xảy ra nếu các trường đại học và cao đẳng y tế tư thục cũng sẽ tham gia đề xuất này. Đây được coi là nhượng bộ lớn của Chính phủ Hàn Quốc sau suốt thời gian dài kiên trì đấu tranh vừa qua nhưng với các bác sĩ, “cành olive” này là vẫn chưa đủ.

Các bác sĩ khẳng định sẽ không quay trở lại làm việc, trừ khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol loại bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng hạn ngạch sinh viên y khoa và chấp nhận ngồi lại đàm phán từ đầu. Tân Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) cho rằng, các trường đại học công lập đề xuất thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh ngành y năm 2025 là do không đáp ứng được việc tăng số lượng sinh viên đột ngột, chứ không phải do ý chí của chính phủ.

Nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn của hệ thống y tế, Bộ Y tế Hàn Quốc huy động thêm hơn 2.700 trợ lý bác sĩ đến các bệnh viện. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 3 vừa qua đã có 8.982 trợ lý bác sĩ làm việc tại 375 bệnh viện đa khoa trên toàn quốc và chính phủ dự kiến bổ sung 2.715 trợ lý bác sĩ để nâng tổng số lên khoảng 12.000 người. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên sâu cho họ. Được gọi là chuyên viên y tá lâm sàng hay y tá phòng mổ, các trợ lý bác sĩ này thường đảm nhận một phần nhiệm vụ của bác sĩ tập sự tại các cơ sở y tế, như tiến hành xét nghiệm và tham gia hỗ trợ phẫu thuật.

Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch vận hành “Ủy ban đặc biệt cải cách y tế” trực thuộc Phủ Tổng thống bắt đầu từ tuần này. Chính phủ Hàn Quốc khẳng định vẫn cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu, như phẫu thuật có nguy cơ cao, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu.

Do dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng cùng nhiều vấn đề khác, nước này ước tính sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời gây ra tình trạng dư thừa bác sĩ. Sự khác biệt quan điểm như trên đòi hỏi cả hai bên đều cần có thêm các nhượng bộ.