Báo động khẩn

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo các chính phủ, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và ngân hàng phát triển chỉ còn hai năm để cứu Trái đất, trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LUPO
Biếm họa: LUPO

Phát biểu ý kiến tại Tổ chức phi chính phủ Chatham House ở London (Anh), Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) Simon Stiell cảnh báo, vấn đề Trái đất nóng lên đang dần chệch ra khỏi chương trình nghị sự của các chính trị gia trên thế giới. Theo ông Stiell, khoảng thời gian hai năm tới có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực cứu “hành tinh xanh” trước mối đe dọa BĐKH hiện nay. Các nước vẫn còn cơ hội giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch khí hậu quốc gia mới, song cần thực hiện những kế hoạch đó lập tức và quyết liệt hơn.

Giới khoa học cho biết, việc giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5oC - giới hạn giúp có thể tránh được những tác động nguy hiểm nhất của BĐKH. Tuy nhiên, năm ngoái, lượng phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới đã tăng cao kỷ lục.

Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus vừa thông báo, Trái đất tiếp tục ghi nhận nhiệt độ ở mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua, theo đó cả nhiệt độ không khí và nhiệt độ các đại dương trên thế giới đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Đây cũng là tháng thứ 10 liên tiếp người dân ở “hành tinh xanh” sống trong nền nhiệt cao kỷ lục.

Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) ước tính, hơn 243 triệu trẻ em trên khắp Thái Bình Dương và Đông Á bị ảnh hưởng của nắng nóng, khiến các em có nguy cơ mắc các bệnh và tử vong liên quan nhiệt độ. Một số trường học ở Philippines đã đình chỉ các lớp học trực tiếp vào tháng 4 này, trong khi cơ quan dự báo thời tiết cho biết, nhiệt độ có thể lên mức nguy hiểm là 42 hoặc 43oC ở nhiều nơi tại quốc gia Đông Nam Á này. LHQ cho hay, nhiệt độ khắc nghiệt gây ra hơn 500.000 ca tử vong vì đột quỵ mỗi năm. Số ca tử vong vì đột quỵ do nhiệt độ khắc nghiệt tập trung chủ yếu ở nơi có tỷ lệ người dân sống trong cảnh nghèo đói cao hơn và hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, như khu vực châu Phi và Trung Á.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng, phần lớn nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay là do tình trạng BĐKH do con người gây ra, như lượng phát thải khí carbon dioxide và methane từ quá trình sử dụng than, dầu và khí đốt tự nhiên. Nhà khoa học Jennifer Francis thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell nhận định: “Vòng luẩn quẩn này sẽ không thay đổi cho đến khi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ngừng gia tăng. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, ngừng phá rừng và trồng lương thực bền vững hơn, một cách nhanh nhất có thể”.

Trong khi đó, các cam kết về khí hậu của hàng chục công ty quốc tế lớn, từ các hãng sản xuất ô-tô đến các hãng thời trang nhanh, hiện chưa đủ mạnh để có thể cắt giảm lượng khí thải nhà kính cần thiết nhằm làm chậm quá trình BĐKH. Các tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận như Viện NewClimate và Carbon Market Watch đã xem xét các cam kết về khí hậu của 51 công ty đa quốc gia và nhận thấy nhiều thương hiệu đang thổi phồng về tính bền vững của sản phẩm.

Trước tình trạng báo động trên, LHQ kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vốn chiếm 80% tổng lượng khí thải toàn cầu, phải có những động thái khẩn trương và quyết liệt hơn. Thư ký điều hành UNFCCC Simon Stiell nhấn mạnh, cần huy động thêm nguồn lực tài chính để đối phó với BĐKH, thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo và các nguồn tài chính quốc tế mới như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển…

Ông Stiell nhấn mạnh, nhiệm vụ chính của các cuộc đàm phán về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP29) ở Baku (Azerbaijan) cuối năm nay là thúc đẩy các quốc gia cùng thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, qua đó hỗ trợ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đầu tư chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và chống BĐKH.