Nâng tầm quan hệ đồng minh

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tới Thủ đô Washington D.C, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài 5 ngày. Nâng cấp quan hệ kinh tế và củng cố hợp tác quốc phòng song phương là những trọng tâm trong chuyến công du lần này của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Kishida Fumio (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington D.C. Ảnh: CNN
Thủ tướng Kishida Fumio (trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington D.C. Ảnh: CNN

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ với tư cách là khách mời cấp nhà nước kể từ chuyến thăm của ông Abe Shinzo vào năm 2015. Trả lời phỏng vấn báo giới trước chuyến đi, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt những thách thức phức tạp và đa dạng, cũng như môi trường an ninh chung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ông Kishida cho biết, Nhật Bản và Mỹ là những đối tác toàn cầu, vì thế hai nước cần nỗ lực đóng vai trò dẫn dắt trong giải quyết các vấn đề của cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác hai bên về kinh tế, bao gồm phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tiên tiến, thiết lập chuỗi cung ứng chip, các dự án ngoài vũ trụ, thám hiểm Mặt trăng… Trước chuyến đi, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định muốn tiếp cận gần hơn nữa người dân Mỹ để quảng bá những đóng góp của Nhật Bản cho nền kinh tế Mỹ, cam kết bảo đảm mối quan hệ ổn định bất kể ai sẽ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Bên cạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, hợp tác an ninh và củng cố quan hệ đồng minh chiến lược là trụ cột trong chuyến công du của Thủ tướng Kishida Fumio. Trước khi lên máy bay tới Mỹ, ông Fumio cho rằng, trong môi trường an ninh toàn cầu phức tạp như hiện nay, tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ ngày càng được nâng cao. Hai quốc gia đang giữ vai trò chủ đạo trong nhiều vấn đề của quốc tế và chuyến thăm này là cơ hội để đưa ra thông điệp với thế giới, rằng Tokyo và Washington cần tiếp tục sứ mệnh bảo đảm sự ổn định trật tự thế giới.

Trong mục tiêu bao quát đó, hợp tác quốc phòng, tái cơ cấu và mở rộng chức năng của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản là một trong những chủ đề hàng đầu của Thủ tướng Fumio. Đây được đánh giá sẽ là nỗ lực nâng cấp lớn nhất về liên minh an ninh Mỹ - Nhật trong nhiều thập niên qua. Theo CNN, việc tái cơ cấu sẽ cho phép hai bên chia sẻ thông tin liền mạch hơn và ra quyết định hợp tác kịp thời trong những tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như ứng phó biến động tại bán đảo Triều Tiên. Hiện Mỹ có 50.000 quân đồn trú ở Nhật Bản.

Sau khi Nhật Bản nới lỏng quy định xuất khẩu thiết bị quốc phòng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến sẽ tiến thêm một bước nữa khi ký các thỏa thuận thúc đẩy hợp tác phát triển trang thiết bị quân sự và công nghệ mới, đồng thời bảo đảm chuỗi cung ứng quốc phòng. Từ khi nhậm chức năm 2021, Thủ tướng Kishida Fumio đã thực hiện thay đổi sâu rộng trong lĩnh vực phòng thủ của Nhật Bản, đưa ra kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP, ước tính 43.000 tỷ yên (khoảng 320 tỷ USD) vào năm 2027 và củng cố năng lực phản công.

Ngoài Hội nghị cấp cao với Mỹ, điều Thủ tướng Kishida quan tâm là Hội nghị cấp cao ba bên đầu tiên Mỹ - Nhật Bản - Philippines, dự kiến diễn ra vào hôm nay (11/4). Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản tái khẳng định hợp tác giữa ba nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như duy trì một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền. Đây là hội nghị được chờ đợi trong bối cảnh cả Washington và Tokyo đều đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng - kinh tế với Manila. Giới chuyên gia dự đoán hội nghị cấp cao ba bên đầu tiên này sẽ mở đường cho các cuộc tuần tra hải quân chung ba bên ở Biển Đông vào cuối năm nay.

“Hành trang” mà Thủ tướng Kishida Fumio mang tới Thủ đô Washington D.C lần này cho thấy thông điệp rõ ràng của Tokyo, đó là nâng tầm quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ nhằm đối phó hiệu quả hơn trong bối cảnh tình hình địa-chính trị toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.