Biện pháp cứng rắn

Chính quyền Haiti vừa áp đặt một số biện pháp cứng rắn nhằm kiểm soát và “hạ nhiệt” tình hình an ninh vốn đang “căng như dây đàn”. Trong số các biện pháp mạnh tay này phải kể đến quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp, lệnh giới nghiêm và trao thêm quyền lực cho lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng an ninh Haiti đối phó bạo lực tại Thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: POLITICO
Lực lượng an ninh Haiti đối phó bạo lực tại Thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: POLITICO

Chính phủ Haiti vừa gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực phía tây, nơi có Thủ đô Port-au-Prince, đến ngày 3/5, đồng thời kéo dài thời gian giới nghiêm trên toàn khu vực tới ngày 10/4 nhằm lập lại trật tự và kiểm soát tình hình. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng lâm thời Michel Patrick Boisvert cho hay, lệnh giới nghiêm không áp dụng đối với các nhân viên thực thi pháp luật đang làm nhiệm vụ, lính cứu hỏa, lái xe cứu thương, nhân viên y tế và các nhà báo. Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, các cuộc biểu tình trên đường phố đều bị cấm cả ngày lẫn đêm. Cảnh sát được sử dụng mọi biện pháp thích hợp để thực thi lệnh giới nghiêm và bắt giữ tất cả người vi phạm.

Chính phủ Haiti đưa ra quyết định trên trong bối cảnh bạo lực tăng cao và các băng nhóm có vũ trang kiểm soát khoảng 90% Thủ đô Port-au-Prince, khiến khu vực này ngày càng trở nên căng thẳng như “thùng thuốc súng”, chỉ trực chờ bùng nổ. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, cộng đồng quốc tế ngày càng kỳ vọng về các cuộc họp xúc tiến thành lập Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp ở Haiti, do Cộng đồng Caribe (Caricom) và các quốc gia như Mỹ, Canada, Mexico và Brazil thúc đẩy, với mục đích đưa đất nước Mỹ latin này thoát khỏi tình trạng mất an ninh nghiêm trọng.

Các nhà ngoại giao từ Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng tiếp tục kêu gọi thúc đẩy kế hoạch thành lập Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp, nhằm kích hoạt việc triển khai một lực lượng an ninh đa quốc gia đến hỗ trợ Haiti. Kế hoạch thành lập Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp đã bị trì hoãn hơn ba tuần do những bất đồng nội bộ.

Kể từ cuối tháng 2/2024, các băng nhóm có vũ trang tiến hành hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát, nhà tù và sân bay trên khắp đất nước Haiti, gây ra tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Caribe này, đồng thời buộc Thủ tướng Ariel Henry phải từ chức. Việc một Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp vẫn chưa được thành lập đầy đủ đang làm trì hoãn sự hỗ trợ của lực lượng đa quốc gia nhằm giúp cảnh sát Haiti tái lập trật tự, cũng như ảnh hưởng khả năng cung cấp viện trợ của các tổ chức phi chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng.

Tình trạng mất an ninh nghiêm trọng ở Haiti chưa có dấu hiệu dịu bớt khi Lực lượng Cảnh sát quốc gia Haiti (PNH) tuyên bố tiêu diệt một thủ lĩnh băng nhóm quyền lực trong một cuộc đọ súng, trong bối cảnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) lên án việc các băng nhóm vũ trang phá hoại Trường Nghệ thuật quốc gia (ENARTS), cùng nhiều cơ sở giáo dục và văn hóa khác ở Haiti. Trong tuyên bố chính thức, UNESCO nhấn mạnh những hành vi phá hoại, cướp bóc và đốt phá cơ sở giáo dục gây ra hậu quả tàn khốc cho Haiti, xâm phạm quyền cơ bản của con người được ghi trong Hiến pháp Haiti và trong nhiều công ước quốc tế khác.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Haiti đang trở nên tồi tệ hơn khi khoảng 13.000 người dân quốc gia Caribe này từng rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn sang các nước láng giềng đã buộc phải hồi hương. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), đối với phần lớn người dân Haiti, việc di cư hợp pháp vẫn là một trở ngại chưa thể vượt qua khiến họ coi di cư trái phép là tia hy vọng duy nhất. Người dân Haiti có thể phải mất hơn một năm mới có được hộ chiếu, điều này khiến họ không thể tiếp cận các lộ trình di cư hợp pháp như các chương trình và thị thực nhân đạo. IOM cho biết thêm, Haiti còn ghi nhận hơn 360.000 người phải di dời trong nước, trong đó có người phải sơ tán nhiều lần.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths thông báo, LHQ đã phân bổ 12 triệu USD vào quỹ khẩn cấp cho Haiti. Theo ông Griffiths, bạo lực băng nhóm tại Haiti không chỉ khiến hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa mà còn đẩy 5 triệu người vào cảnh nghèo đói nghiêm trọng và làm suy yếu hệ thống y tế vốn đã mong manh của quốc gia Caribe này.