Cuộc chiến chưa kết thúc

Mỹ và Iraq đã nhất trí duy trì nỗ lực hướng tới việc rút liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Iraq cũng đang cân nhắc phương án để lại một phần lực lượng Mỹ do tàn dư của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn đang có nguy cơ trỗi dậy.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: DAVE GRANLUND
Biếm họa: DAVE GRANLUND

Ngày 15/4, tại cuộc gặp ở Thủ đô Washington D.C, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani đang ở thăm nước này đã ra tuyên bố chung, trong đó cho biết hai bên đã thảo luận sứ mệnh của liên minh quân sự dựa trên “những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong 10 năm qua”. Hai bên khẳng định sẽ xem xét các vấn đề, trong đó có mối đe dọa liên tục từ IS, nhu cầu hỗ trợ của Chính phủ Iraq, cũng như việc củng cố lực lượng an ninh của quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố nêu rõ hai nhà lãnh đạo sẽ nghiên cứu kỹ các yếu tố này để xác định thời điểm và cách thức kết thúc sứ mệnh của liên minh quân sự chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq.

Mục tiêu của hai nước là tiến tới thỏa thuận song phương, có thể giữ lại một số binh sĩ của Mỹ ở Iraq. Hiện Mỹ có khoảng 2.500 binh sĩ đang đồn trú ở Iraq và 900 binh sĩ ở Syria. Cùng ngày, Lầu năm góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ tiềm năng, cung cấp hỗ trợ và huấn luyện logistics cho các máy bay C-172 và AC/RC-208 của Iraq, trị giá 140 triệu USD.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu được thành lập vào năm 2014 nhằm chống lại IS. Khi đó, tổ chức khủng bố này chiếm giữ gần 30% diện tích lãnh thổ Iraq và nhiều khu vực của Syria. Đại sứ Mỹ tại Iraq, Alina Romanowski nhận định IS vẫn là mối đe dọa đối với an ninh của Iraq và công tác phối hợp giữa lực lượng nước này và liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm đánh bại IS chưa hoàn tất. Mặc dù tình hình an ninh ở Iraq đã được cải thiện kể từ khi IS bị đánh bại vào năm 2017, song tàn quân IS vẫn ẩn náu tại các trung tâm thành phố, sa mạc và khu vực hiểm trở, thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và dân thường.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tại Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Baghdad, bà Romanowski cho rằng IS vẫn là mối đe dọa tại Iraq dù đã giảm đi nhiều, song công việc của liên quân chống IS cơ bản chưa hoàn tất. Bà nhấn mạnh Chính phủ Mỹ muốn bảo đảm các lực lượng Iraq có thể tiếp tục cuộc chiến đánh bại IS.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi có thông tin chi nhánh của IS tại Afghanistan, còn gọi là ISIS-K, nhận là thủ phạm của vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall gần Thủ đô Moscow (Nga) ngày 22/3, khiến ít nhất 137 người chết. Bà Romanowski nhấn mạnh sự việc đau lòng này nhắc nhở rằng IS là kẻ thù khủng bố chung và cần phải đánh bại IS ở khắp mọi nơi. Do đó, Mỹ và Iraq cùng cam kết thực hiện bảo đảm đánh bại IS.

Năm 2017, Chính phủ Iraq tuyên bố đã đánh bại IS sau ba năm chống lại tổ chức khủng bố này. Giới chức cấp cao Iraq liên tiếp khẳng định IS không còn là mối đe dọa với nước này và cho rằng liên quân chống IS kết thúc nhiệm vụ tại đây. Mặc dù vậy, các nhánh của IS tiếp tục tấn công ở nhiều nơi khác. Mới đây, ít nhất ba người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết do ISIS-K tiến hành tại Afghanistan. Tháng 1 vừa qua, IS cũng nhận đứng sau hai vụ đánh bom liên tiếp tại Iran, quốc gia có chung đường biên giới 1.600 km với Iraq.

Trong khi đó, quân đội Iraq cho biết lực lượng an ninh nước này đã tiêu diệt một thành viên cấp cao của IS trong một chiến dịch gần khu vực biên giới giữa Iraq và Syria. Theo AP, các lực lượng an ninh Iraq đã thực hiện chiến dịch tại vùng sa mạc ở phía tây nước này, tiêu diệt một thủ lĩnh IS chịu trách nhiệm vận chuyển máy bay chiến đấu, vũ khí, thiết bị và chất nổ giữa Iraq và Syria. Đây là một trong những phần tử nguy hiểm của IS và bị truy nã vì liên quan nhiều vụ khủng bố.

Bối cảnh nói trên cho thấy IS vẫn là mối đe dọa an ninh không chỉ tại Iraq và cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố cực đoan này vẫn chưa kết thúc. Mỹ có thể rút quân khỏi Iraq, song theo nhận định của giới phân tích, hai bên cần có các chiến lược phối hợp để định hình mối quan hệ đối tác an ninh song phương trong tương lai.